Hễ giỏi ngoại ngữ là sẽ đi làm phiên dịch viên, giáo viên, dịch giả? Ôi, những nghề đã xưa như Trái Đất! Giờ đây, xã hội hiện đại với cơn lốc toàn cầu hóa đã mở ra thêm muôn vàn cơ hội cho những người biết nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là những người giỏi tiếng Anh. Cùng mình “điểm mặt gọi tên” 6 lựa chọn chất lừ mà bạn hoàn toàn có thể chinh phục với vốn liếng ngoại ngữ của mình nhé!
Biên dịch Game (Game translator)
Nhằm theo kịp tốc độ bành trướng của ngành công nghiệp game, các ông lớn như Nintendo, Electronic Arts, Gameloft luôn tìm kiếm ứng viên giỏi ngoại ngữ để biên dịch nội dung game theo từng thị trường. Với vốn tiếng Anh hoặc Nhật lưu loát, bạn sẽ có cơ hội được đồng hành cũng những nhân vật game mình từng yêu thích khi còn bé, lại kiếm được nguồn thu nhập thuộc hàng lý tưởng trên thị trường.
Điều phối dự án (Lead Coordinator)
Nếu bạn có một đôi chân cuồng đi, hoặc muốn rời khỏi môi trường công sở, hãy thử cân nhắc vị trí điều phối dự án cho các tổ chức phi chính phủ (NGO). Từ môi trường, xóa đói giảm nghèo đến bảo vệ quyền trẻ em và bình đẳng giới, bạn sẽ đến những vùng đất mới và cọ xát với muôn mặt cuộc sống. Vì phần đông NGO có nguồn viện trợ từ nước ngoài, bạn sẽ cần swer dụng lưu loát tối thiểu 1 ngoại ngữ (thường là tiếng Anh) khi apply vào vị trí này.
Quản lý cộng đồng game (Community Representative)
Lại thêm một vị trí tiềm năng trong ngành công nghiệp game. Với vai trò này, bạn sẽ là cầu nối giữa người chơi và nhà phát hành, tham gia các sự kiện offline để phát triển cộng đồng ở từng nước cũng như góp phần khắc phục sự cố trong quá trình vận hành. Chính bởi đặc thù công việc như thế nên các công ty phát triển game lớn trên thế giới luôn cần người thông thạo tiếng Anh giao tiếp nâng cao và ngôn ngữ bản xứ để thay mặt công ty tương tác trực tiếp với người chơi.
Phóng viên thường trú (Foreign correspondent)
Hiểu nôm na, phóng viên thường trú là người chuyên viết tin bài về tình hình trong nước cho các tòa soạn nước ngoài. Bạn có thể định cư ở Singapore và viết tin tức tiếng Việt cho tờ Thanh Niên hoặc ngược lại, ở tại Việt Nam và cập nhật tin tức bằng tiếng Anh cho các tờ báo lớn tại Mỹ, Anh. Đây là con đường nghề nghiệp đầy triển vọng nếu bạn có thể sử dụng được hai thứ tiếng, lại yêu thích chuyện viết lách. Đặc biệt, cuộc sống của bạn sẽ chẳng lúc nào nhàm chán, vô vị giữa luồng tin tức, sự kiện thay đổi từng phút từng giây trên toàn thế giới.
Chuyên viên quản trị thương hiệu (Brand specialist)
Là ngành nghề còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng quản trị thương hiệu đã nhanh chóng khẳng định vai trò ở mọi công ty trong nước lẫn đa quốc gia. Bạn sẽ tiếp cận với nhiều nhóm khách hàng, tiến hành nghiên cứu thị trường và vạch ra chiến lược cần thiết để định vị thương hiệu, đưa hình ảnh công ty đến gần người tiêu dùng và thậm chí là bảo vệ bản quyền thương hiệu trong quá trình cạnh tranh. Ở vị trí này, bạn sẽ cần giỏi ngoại ngữ đế mở rộng nhóm khách hàng và cập nhật các xu hướng xây dựng thương hiệu trên thế giới.
Nguồn: Sưu tầm