26
Hay
Hot 4 năm trước
linkhay.com
Bạn Khoa Le có một stt rất hay và súc tích về vấn đề tư duy pháp luật, công lý trong thảm kịch của 39 người vừa qua. Mình xin dịch lại ra tiếng Việt để mọi người tham khảo. Một lí do quan trọng là vì nó thôi thúc người Việt phải có cái nhìn rộng mở và nhân đạo hơn đối với vấn đề di cư/nhập cư/tị nạn của cả những dân tộc khác nữa, như ở Trung/Nam Mỹ và Bắc Phi/Trung Đông -vốn là vấn đề phức tạp và thường bị khai thác bởi các chính trị gia dân tuý, như ở phương Tây hiện nay.
-------------
Không ai đứng cao hơn luật pháp, nhưng không luật pháp nào đứng cao hơn sự trang nhã, lẽ công bằng và lòng từ ái”.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nghĩ về câu trích dẫn đó (mà tôi đặt trang trọng ngay dưới ảnh avatar của mình), trong bối cảnh của thảm kịch vừa xảy ra với 39 người trong thùng xe lạnh tại Essex, Anh quốc. Trước hết, xin nói ngay rằng tôi không phải luật sư và tôi không tự nhận là hiểu biết mọi thứ về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ một số người sẽ cần phải xét lại quan niệm về “pháp trị” của họ, và ý nghĩa thực sự của khái niệm đó.
Tôi không quan niệm rằng bất cứ ai có thể, hoặc nên được trao quyền, để đứng cao hơn luật pháp. Từ các nguyên thủ quốc gia cho tới những di dân bất hợp pháp. Và thực tế, hành vi vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật. Lưu trú và làm việc tại một quốc gia mà không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ là vi phạm pháp luật. Trồng cần sa là vi phạm pháp luật của Anh quốc. Đó đều là những điều không thể tranh cãi. Và nếu bất cứ ai vi phạm pháp luật, thì họ cần được xét xử một cách công bằng, theo đúng trình tự, rồi chịu những án phạt tương thích.
Nói thế tức là tôi hoàn toàn đồng ý rằng 39 người tử nạn trên chiếc xe tải đó đã vi phạm pháp luật Anh quốc khi nhập cảnh trái phép và có ý định lưu trú, làm việc bất hợp pháp mà không đóng thuế. Giả như họ sống sót và bị nhà chức trách bắt giữ tại biên giới hoặc sau khi đã nhập cảnh trót lọt, thì họ cần phải bị xét xử một cách đàng hoàng, bị kết án và trừng phạt theo luật nhập cư của Anh quốc – hình phạt có lẽ là trục xuất. Nếu sau đó họ vi phạm bất kỳ điều luật nào khác tại cộng đồng mà họ có ý định cư trú, họ cũng sẽ phải bị xét xử và chịu chế tài theo luật như trên. Đơn giản vậy thôi. Phạm luật thì phải chấp nhận bị trừng phạt bởi luật.
Nhưng mặt khác, chẳng phải cứ hợp pháp thì đã luôn là đúng, cũng như bất hợp pháp không phải lúc nào cũng là sai. Niềm tin của tôi là “không luật pháp nào đứng cao hơn sự trang nhã, lẽ công bằng và lòng từ ái”. Điều này cũng áp dụng cho cách thức đối đãi với người khác, kể cả những người vi phạm pháp luật.
Có người bảo rằng không nên thương xót gì những kẻ phạm pháp hoặc đang cố gắng phạm pháp, những kẻ “ăn bám”, “tham lam” và “dại dột”, những kẻ “làm mất thể diện” đất nước mình trong mắt người nước ngoài. Tôi thì không chắc chắn những người phải lao động cật lực ở ngoại quốc để nuôi gia đình ở nhà có phải là loại “ăn bám”, “tham lam”, “dại dột” hay “làm ô danh tổ quốc” hay không. Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là đa số mọi người trên thế giới không hề coi cái thái độ khinh thường những người đồng bào kém may mắn hơn mình là một thứ đức hạnh hay là một điều gì đáng hãnh diện. Tôi nghĩ thái độ ấy chỉ phơi bày một tâm hồn kém thẩm mỹ và không có chút tôn trọng nào với đồng loại.
Một số người cho rằng 39 người tử nạn ấy xứng đáng nhận kết cục như vậy vì họ đã phạm pháp và phải trả giá, mà lẽ ra họ phải tự ý thức được trước hậu quả. Tất nhiên, nếu 39 người này sống sót và thành công thì bằng cuộc hành trình đã trải qua, họ đã phạm nhiều hơn một tội danh. Tuy nhiên, có vi phạm nào trong số đó đáng bị trừng phạt bằng án tử hình không? Tôi tin là không. Và bạn có nghĩ ra trường hợp nào phạm các tội kể trên mà đáng bị xử tử không? Tôi thì không nghĩ ra, và chắc hẳn là phần lớn mọi người cũng giống như vậy.
Thế thì, nói đúng ra, làm sao những người này lại có thể “đáng chết” vì đã phạm những điều luật đó? Làm sao mà họ lại có thể “đáng chết” vì mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, ngay cả khi mà bản thân họ và gia đình không quá túng quẫn đi nữa? Làm sao mà họ lại có thể “đáng chết” vì đã không ra nước ngoài lao động bằng con đường hợp pháp?
Người ta vi phạm điều luật nào thì xứng đáng với hình phạt tương thích với điều luật đó. Chứ người ta không đáng chết, nhất là theo cách như vậy. Điều đó là không công bằng.
Những phản ứng kiểu này cho thấy một sự thiếu đồng cảm và nhân ái, mà điều đáng buồn là tình trạng đó lại rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên khắp thế giới nữa, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để giáo dục về tầm quan trọng của khả năng đồng cảm trong xã hội. Đồng cảm được hiểu là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu động cơ lý trí và cảm giác của họ. Chúng ta khó có thể nhân từ với người khác nếu không có khả năng đồng cảm, không có khả năng nhìn vượt ra ngoài bản thân mình và đặt tiêu điểm vào người khác.
Hiểu được bối cảnh chính là một bước khởi đầu quan trọng nhằm xây dựng cho mình khả năng đồng cảm và nhân ái. Bối cảnh là yếu tố không thể tách rời trong mọi bước của các quy trình pháp lý, từ làm luật cho đến ra phán quyết và hình phạt, cũng như trong cuộc sống hàng ngày, khi đánh giá về con người hay tình huống. Sẽ là nguy hiểm nếu vội vã đi tới kết luận mà không xét đến toàn bộ thông tin về bối cảnh và áp đặt quan điểm riêng của mình vào việc nhìn nhận vấn đề, vì khi đó có khả năng người ta chỉ tập trung vào vấn đề ở trên bề mặt mà không thấy các nhân tố sâu xa đã tạo nên vấn đề. Hậu quả là ta không thể hiểu đầy đủ và đúng đắn về cả bức tranh toàn cảnh lẫn những con người liên quan. Sự thiếu hiểu biết đó sẽ dẫn tới những giải pháp nửa vời không giải quyết được vấn đề, có khi còn khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Quan trọng hơn hết, tôi tin sự nhân từ sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Không nên đánh đồng sự nhân từ với thái độ dễ dãi, xuề xòa, dung túng cho cái sai. Chúng ta vẫn có thể đưa ra những phán xét và hình phạt công bằng, đồng thời vẫn cố gắng thấu hiểu và đối đãi tử tế với người khác để giúp họ sửa sai. Đây gọi là “công lý mang tính sửa chữa, khôi phục” (restorative justice), khác với “công lý mang tính trừng phạt, báo ứng” (retributive justice). Nếu họ đều đã chết cả thì sao? Theo tôi, đừng nên tập trung vào khuyết điểm của họ, mà thay vào đó, hãy suy nghĩ xem chúng ta - trên tư cách một xã hội, một quốc gia - có thể làm gì để giúp đỡ gia đình các nạn nhân và ngăn chặn tối đa những thảm kịch tương tự về sau. Điều đó đòi hỏi sự cân bằng giữa lý trí và sự đồng cảm, chứ không phải là sự nhẫn tâm và vô cảm.
Tư duy pháp trị không có nghĩa là chúng ta phải thực thi pháp luật đối với con người một cách cứng nhắc, không có ngoại lệ. Nó không có nghĩa là những ai phạm pháp đều là xấu xa và không đáng được xót thương hoặc tôn trọng. Nó không có nghĩa là chúng ta cứ trừng trị họ và thế là xong chuyện. Tinh thần pháp trị không phải là thứ duy nhất cần có để điều hành xã hội theo hướng đem lại sự thăng tiến cho phần lớn, nếu chưa phải là tất cả, trong số chúng ta. Ngoài nó ra, chúng ta còn phải có ý thức về sự trang nhã căn bản, về lẽ công bằng và lòng từ ái.
Thảm kịch vừa qua chính là một thất bại và là bài học cho tất cả chúng ta, trên tư cách một xã hội và một quốc gia.
Nguồn: FB Antonio Trần Xuân Bách (ko hiểu sao Lh báo lỗi gét link nên không để link đc)
Tin cùng kênh Văn hóa
- 2Hay
Cuộc sống trong cái lạnh -58 độ C
Chỉ cần mặc quần áo phù hợp thì sẽ ổn - cư dân ở đây chia sẻ - 1Hay
signoreV đã gửi
- 1Hay
Quản lý Zalo, Telegram để đảm bảo quyền lợi người dùng
Cám ơn đã luôn lo nghĩ đến người dùng.Bình luận Loan tin - 2Hay
Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tour du lịch Đảo Ngọc
Đã hoạt động 7 năm rồi tự dưng bị dừng hoạt động vì không đủ điều kiện
" Có người bảo rằng không nên thương xót gì những kẻ phạm pháp hoặc đang cố gắng phạm pháp, những kẻ “ăn bám”, “tham lam” và “dại dột”, những kẻ “làm mất thể diện” đất nước mình trong mắt người nước ngoài. Tôi thì không chắc chắn những người phải lao động cật lực ở ngoại quốc để nuôi gia đình ở nhà có phải là loại “ăn bám”, “tham lam”, “dại dột” hay “làm ô danh tổ quốc” hay không. Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là đa số mọi người trên thế giới không hề coi cái thái độ khinh thường những người đồng bào kém may mắn hơn mình là một thứ đức hạnh hay là một điều gì đáng hãnh diện. Tôi nghĩ thái độ ấy chỉ phơi bày một tâm hồn kém thẩm mỹ và không có chút tôn trọng nào với đồng loại. "
Hơn nữa đây còn là một cái chết tập thể chết trong hoảng loạn. Không ai bắt các tất cả phải thương họ mà đây là lúc thể hiện sự tôn trọng. Ít nhất cũng để hồn người ta siêu thoát rồi hãy muốn chửi gì thì chửi.
Nhưng không. Người ta chết chưa được chôn đã buông lời cay nghiệt.
Rồi còn tự hào vì bản thân mình sống khôn hơn tử tế hơn.
bác phải hiểu là di dân chính ngạch có nhu cầu,mà đường chính ngạch ko đi đc. thì thị trường mới suất hiện đường dây đưa di dân lậu. ( còn ngăn cản đc ko thì phải ở 2 nước ).
mà có thằng cha nào hâm hâm xin đi định cư,đến, đầu tư vào nước mà ko có cộng đồng di dân vn đủ mạnh đâu.
vì những người chính ngạch mới gỏi, mới gỏi, học nhanh, am tường, và cập nhập chính sách, luật pháp nước. sở tại nhanh, và hỗ trợ cho di dân lậu. chứ di dân lậu thì biết cái gì, chân đất mắt téc, chỉ đâu đánh đấy thôi.
- Nếu con/anh/chị/em bạn cố tình hoặc vô tính gây ra tội ác với người khác(tai nạn, ngộ sát ...) thì có đang chết k? mọi ng có chửi không? Chửi thì chửi mức độ nào?
- Thật ra câu chuyện chỉ là "mức độ" sao cho hợp lý. Nội dung bài viết cơ bản là hợp tình hợp lý. Câu chuyện này thì 39 nạn nhân đáng trách cũng có, đáng thương cũng có. Còn hành xử của người sống thế nào thì là tự mỗi người lựa chọn. Cũng chẳng ai có quyền bảo ai là Chân, Thiện, Mỹ hay không! Luật thì cứ theo luật pháp, còn luân thường đạo lý thì mang tính tương đối của mỗi người, mỗi khu vực, mỗi quốc gia.
Cám ơn bạn đã chia sẻ. Bài viết rất hay