1
Hay
197 ngày trước
batdongsanvungvendalat.com.vn
Loan tin
Khi mua và bán nhà, việc chuyển quyền sở hữu là một quy trình quan trọng, cần được thực hiện một cách hợp pháp và đúng thời điểm. Khi bạn mua được nhà rồi, thì căn nhà đó thuộc quyền sở hữu của bạn chứ không phải của chủ cũ nữa, nên phải chuyển quyền sở hữu nhà từ chủ cũ sang tên bạn mới đúng quy định. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà.
Khi nào mới chuyển quyền sở hữu nhà ở
Trong hợp đồng mua bán nhà, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đã được ghi rõ. Thông thường, quyền sở hữu chính thức được chuyển khi tất cả các điều kiện điều khoản đã được thỏa thuận và thanh toán đã được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm cụ thể phụ thuộc vào thỏa thuận song phương dựa trên pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:
Pháp lý ở từng địa phương: ở từng địa phương sẽ có những sự khác nhau về quy định chuyển quyền sở hữu nhà ở. Vì vậy nên tìm hiểu rõ quy định tại địa phương để thực hiện cho đúng, tránh các rắc rối sau này.
Hợp đồng mua bán: Hợp đồng mua bán là một phần quan trọng trong quá trình chuyển quyền sở hữu. Đảm bảo rằng hợp đồng được lập thành văn bản, chứa đựng đầy đủ thông tin và điều khoản pháp lý để tránh tranh chấp trong tương lai.
Thanh toán: đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn cũng như nguồn tài chính có sẵn để đảm bảo việc chuyển quyền sở hữu nhà ở diễn ra suôn sẻ.

Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được pháp luật quy định ra sao
Theo Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” thì: “Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao” và Điều 503 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về “Hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất” như sau: “Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật đất đai”. Theo quy định tại Điều 12 Luật Nhà ở 2014 thì “Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở” được xác định như sau: “Trường hợp mua bán nhà ở mà không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều này và trường hợp thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” và Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng”.
Căn cứ các quy định trên thì việc xác định thời điểm xác lập quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong từng trường hợp cụ thể có sự khác nhau.
– Đối với nhà ở xây dựng trên đất mà đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản (nhà và đất) được xác định kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 và bên mua đã thanh toán đủ tiền mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác theo quy định tại Điều 12 Luật Nhà ở năm 2014.
– Đối với nhà ở xây dựng trên đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nhà chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở) thì thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản (nhà và đất) được xác định kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của pháp luật căn cứ theo quy định của Luật đất đai (Điều 503 Bộ luật dân sự năm năm 2015).
– Đối với nhà ở và đất ở đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất thì thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản (nhà và đất) được xác định kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 và bên mua đã thanh toán đủ tiền mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác theo quy định tại Điều 12 Luật Nhà ở năm 2014.
– Đối với tài sản là quyền sử dụng đất (không có nhà trên đất) thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản là quyền sử dụng đất được xác định kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai (Điều 503 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Quy trình chuyển quyền sở hữu nhà ở
Quy trình chuyển quyền sở hữu nhà ở gồm những bước sau:
- Chuẩn bị hồ sơ: hai bên bán và mua cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy tờ tùy thân và các tài liệu pháp lý khác liên quan đến giao dịch.
- Thanh toán: người mua thực hiện thanh toán cho người bán dựa trên điều khoản đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, nên thanh toán tại phòng công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền để được chứng thực giao dịch.
- Đăng ký chuyển quyền sở hữu: sau khi thanh toán hoàn tất, người bán và người mua cần thực hiện thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu tại cơ quan đăng ký nhà đất có thẩm quyền.
- Thuế và phí: Trong quá trình chuyển quyền sở hữu, người mua cần chịu trách nhiệm thanh toán các khoản thuế và phí phát sinh theo quy định của pháp luật.
Khi mua bán nhà, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là yếu tố quan trọng, cần phải xác định ngay từ đầu khi thỏa thuận giao dịch. Việc hiểu rõ quy trình và các quy định pháp luật liên quan sẽ giúp bạn thực hiện giao dịch một cách hợp pháp và đúng thời điểm. Hãy luôn tìm hiểu kỹ lưỡng và tìm sự tư vấn từ các chuyên gia pháp lý nếu cần thiết để đảm bảo quyền lợi của bạn trong quá trình chuyển quyền sở hữu nhà ở.
Nguồn https://batdongsanvungvendalat.com.vn/thoi-diem-chuyen-quyen-so-huu-nha-o/
0 Bình luận
- Chưa có bình luận nào cho chủ đề này.