Avatar's nganluong

Ghi chép của nganluong

Nhộn nhịp chợ ảo

Để đảm bảo an toàn cho cả người mua lẫn người bán khi tham gia các giao dịch trực tuyến, hiện nay, nhiều website bán hàng đã mạnh dạn tích hợp cổng thanh toán trực tuyến. Mạng lưới thanh toán mở rộng giải quyết được khâu khúc mắc nhất của bán hàng trực tuyến và hy vọng, thương mại điện tử Việt Nam sẽ rẽ sang một trang mới.

Chợ thật lên đời ảo

Theo một thống kê gần đây, có đến 85% người dùng internet ở Việt Nam tham gia các hoạt động mua bán trên mạng. Có khoảng 1/4 dân số (20 triệu người) hiện nay được tiếp cận internet và ước tính, số người dùng internet tại nước ta sẽ tăng khoảng 1,5 lần trong vài năm tới.

                          alt

Cùng với sự phát triển của internet, dịch vụ thanh toán trực tuyến đang phổ biến ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Mua một chiếc áo, một đôi giày, thậm chí là vài cái vòng đeo tay thời trang, hay một chiếc khẩu trang người ta cũng tìm đến “chợ ảo”. Những chợ ảo nhộn nhịp nhất hiện nay gồm: chodientu.vn, golmart.com.vn, 123mua, aha.vn, vatgia.com, webmuaban.com, raovatdtdd.com, tienphongvdc.com.vn, vietnambook.com.vn...

Theo thống kê năm 2009 của Vụ Thương mại Điện tử - Bộ Công Thương, cả nước có gần 300 website B2C (doanh nghiệp (DN) bán cho người tiêu dùng), 88 website C2C (người tiêu dùng tới trực tiếp người tiêu dùng) và 35 website B2B (DN tới DN) có chất lượng tốt.

Không chỉ có DN, các siêu thị cũng đưa hàng lên mạng để giúp khách hàng chọn lựa nhanh chóng, tiện lợi. Ở lĩnh vực bán lẻ, điển hình là hệ thống siêu thị Co.opMart. Từ nhiều năm nay, đơn vị này đã thường xuyên cập nhật tất cả hàng hóa và trang web www.saigonco-op.com.vn.

Khách hàng nào dư dả thời gian sẽ đến siêu thị chọn lựa hàng theo ý thích, còn người quá bận rộn thì có thể “lướt siêu thị mạng” để đặt hàng, sẽ có nhân viên giao hàng tận nhà. Gần 300 sản phẩm gồm laptop, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số có mức giảm giá mạnh so với mua hàng trực tiếp, dành cho khách hàng đặt mua trực tuyến tại www.thegioididong...

Các website mua bán qua mạng đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, nhưng hầu hết mới chỉ sử dụng hình thức thanh toán chuyển khoản ngân hàng, hoặc là kênh trung gian để người tiêu dùng lên mạng tìm thông tin rồi thực hiện giao dịch thỏa thuận miệng giữa người mua và người bán.

Những giao dịch này không đủ ràng buộc về mặt pháp lý và có nhiều kẽ hở nên dễ tạo điều kiện cho nạn gian lận tung hoành. Để hạn chế tối đa rủi ro này, nhiều website bán hàng trực tuyến đã mạnh dạn tích hợp cổng thanh toán trực tuyến. Cổng này đóng vai trò “kết nối” giữa các ngân hàng và các website bán hàng, hay nói cách khác là trung gian giữa người mua và người bán hàng.

Ông Lê Quang Thành, Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Á, đơn vị mới đây đã hợp tác với cổng thanh toán nganluong.vn, cho rằng: “Thời gian gần đây, một vài đơn vị trong nước đã cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các DN, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ thanh toán cho các khách hàng sở hữu thẻ tín dụng quốc tế Visa, Master... Chính vì thế, thanh toán trực tuyến vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của cả DN lẫn khách hàng”.

Những tín hiệu khả quan

Một số website tìm cách tự cung cấp phương tiện thanh toán nhưng không theo tiêu chuẩn quốc tế, khó kiểm soát, như qua ATM, tiền mặt, qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế...

Một số website thuê cổng thanh toán qua các đối tác nước ngoài nhưng ít được chấp nhận. Điều mà nhiều người tiêu dùng và DN quan tâm nhất hiện nay là phí kết nối giữa website bán hàng với dịch vụ thanh toán quá cao, thậm chí cao hơn cả dịch vụ tương tự ở nước ngoài. Chẳng hạn, nếu một website bán hàng sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến thì phải trả 1.000USD phí thiết lập và 100 USD/tháng phí duy trì...

Tổng giá trị thanh toán thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam 2009 khoảng 2,4 triệu USD và dự kiến đến 2015 sẽ tăng lên khoảng 600 triệu USD tức là gần 300 lần. (Nguồn: Peacesoft)

Theo bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dịch vụ Thẻ Smartlink, hiện có đến 70 - 80% giao dịch tại ATM là rút tiền mặt; bản thân các DN cũng ngại chấp nhận thẻ do phải công khai, minh bạch doanh thu bán hàng và rủi ro cao, nên chưa mạnh dạn ứng dụng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, trước tiềm năng của thị trường Việt Nam, MasterCard mới đây cũng đã ký hợp tác với liên minh thẻ Smartlink, cho ra đời cổng thanh toán Smartlink - MasterCard cho phép các chủ thẻ nội địa của các ngân hàng thành viên Smartlink thực hiện thanh toán trực tuyến với các website bán hàng bằng các loại thẻ quốc tế thông dụng như Visa, MasterCard, American Express, JCB, Diners Club.

Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trong nước cũng đẩy nhanh tốc độ mở rộng kết nối với ngân hàng để trở thành đầu mối kết nối với tất cả các ngân hàng. DN nào đi trước trong mô hình này sẽ chiếm ưu thế lớn trong cả thị trường thanh toán trực tuyến.

Chẳng hạn, khách hàng của Payoo có tiền trong tài khoản tại Vietcombank có thể thông qua dịch vụ Internet Banking hoặc SMS Banking để chuyển tiền sang tài khoản Payoo mà không cần đến các điểm ATM hay ngân hàng để giao dịch. Payoo cũng đã hoàn tất kết nối với ba ngân hàng khác là NaviBank, Sacombank và Đông Á. PayNet bắt đầu cung cấp dịch vụ phân phối điện tử mã cước di động trả trước. Theo đó, các khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ có thể thanh toán điện tử một cách thuận tiện nhất với các mạng thông tin di động tại Việt Nam như Viettel, VinaPhone, EVN Telecom...

Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Công ty Peacesoft (sở hữu nganluong.vn), cho biết, sau gần một năm, tổng giao dịch qua cổng nganluong.vn đạt gần 1,2 triệu USD. Hiện nganluong.vn có khoảng 70 nghìn tài khoản và hơn 500 website bên ngoài chấp nhận thanh toán trực tuyến bằng nganluong.vn ngoài chodientu.vneBay.vn.

                                                                                        (Doanh nhân)
4984 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
Website liên kết