(TBKTSG) - Các doanh nghiệp sử dụng kênh bán hàng trực
tuyến trên Internet hiện đang phải đối mặt với tình trạng ăn cắp bản
quyền, nhái mẫu sản phẩm ngày càng gia tăng và lan rộng. Trong khi thị
trường hàng hóa, dịch vụ trên mạng vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý
cụ thể và chặt chẽ, các biện pháp xử phạt chưa đủ sức răn đe, các doanh
nghiệp chỉ biết chấp nhận thực tế và tự xoay xở bảo vệ mình trong cuộc
cạnh tranh bất hợp lý này.
Theo
đại diện nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử, tình trạng ăn cắp bản
quyền, mẫu hàng hóa đang diễn ra tràn lan tại nhiều trang web bán hàng
trên mạng. Với những loại sản phẩm, dịch vụ mà nhà sản xuất, nhà cung
cấp phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng như quần áo, phụ kiện
thời trang, giày dép, hoa tươi hay các loại bánh thì tình trạng ăn cắp
mẫu mã tại các chợ điện tử càng diễn ra trầm trọng hơn.
Ăn cắp bản quyền công khai
Bà
Nguyễn Thị Thùy Vũ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thế Giới Hoa
Tươi, chủ sở hữu trang web
www.thegioihoatuoi.com.vn nói rằng chỉ riêng
trong lĩnh vực cung cấp hoa tươi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực
tuyến đã bất lực trước tình trạng ăn cắp mẫu thiết kế. Nhiều trang web
kinh doanh hoa tươi khác đã sử dụng mẫu của Thế Giới Hoa Tươi để chào
bán cho khách hàng, thậm chí sử dụng luôn nguyên mẫu thông tin giới
thiệu về các loài hoa, nội dung điều khoản thanh toán… rồi công bố rằng
giá bán rẻ hơn so với hoa của công ty bà vài chục ngàn đồng một mẫu, bà
Vũ cho biết.
Chia
sẻ ý kiến của bà Vũ, ông Bùi Ngọc Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Điện
Hoa Việt Nam, cho biết nhiều trang web không chỉ ăn cắp mẫu hoa mà còn
sử dụng cả bảng phí dịch vụ mà doanh nghiệp ông đã xây dựng từ kết quả
của các cuộc khảo sát thực tế.
Các
chuyên gia thương mại điện tử cho rằng tình trạng ăn cắp dữ liệu thông
tin, hình ảnh và kiểu dáng sản phẩm trên các trang web bán hoa một cách
tràn lan bắt nguồn từ lỗi của nhiều bên. Trong thực tế, nhiều công ty,
cửa hàng hoa tươi muốn bán hàng trên mạng nhưng lại không đầu tư cho đội
ngũ thiết kế trang web riêng mà thường đặt hàng các công ty thiết kế
web.
Đôi
lúc, các nhà thiết kế web sử dụng hình ảnh, tư liệu sẵn có trên
Internet mà không quan tâm đến vấn đề bản quyền, nên đã tạo ra một loạt
các trang web bán hoa tươi trực tuyến na ná nhau về chức năng, chủng
loại hoa, tiện ích... Ngược lại, cũng có trường hợp nhà kinh doanh hoa
muốn người thiết kế web nhái theo một trang web đã có thương hiệu để “ăn
theo”.
Trên
nhiều trang web kinh doanh trực tuyến các mặt hàng thời trang như quần
áo, giày dép, túi xách thì tình trạng bán hàng nhái mẫu mã, ăn cắp bản
quyền càng phổ biến và công khai hơn. Ví dụ, các mẫu túi xách, quần áo,
mắt kính… gắn mác là các thương hiệu đẳng cấp quốc tế như Louis Vuitton,
Gucci, Chanel, Fendi… được giới thiệu là hàng thật 100% xách tay từ
nước ngoài về nhưng giá bán chỉ bằng một phần mười, thậm chí một phần
trăm so với giá bán trên các trang web chính thống.
Dưới
góc độ của một doanh nghiệp quản lý các trang web bán hàng trực tuyến
như chodientu.vn, eBay.vn , ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản
trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp Phần mềm Hòa Bình
(PeaceSoft), nói rằng các trang mua bán trực tuyến là sàn giao dịch mở,
hoạt động với mạng lưới trên toàn quốc nên bất kỳ cá nhân và doanh
nghiệp nào cũng đều có thể tham gia. Do số lượng người bán, hàng hóa và
cả người mua tham gia vào các chợ điện tử quá lớn nên dù nhà quản lý
trang web có kiểm tra thường xuyên vẫn không ngăn chặn được hết những
trường hợp vi phạm.
“Chúng
tôi có những quy định về báo cáo sản phẩm xấu và khuyến khích người
tiêu dùng thông báo khi phát hiện những sai phạm” - ông Bình nói. Khi
bắt gặp những trang web ăn cắp mẫu hàng của mình, các doanh nghiệp kinh
doanh trực tuyến thường phản ứng khá gay gắt. Họ gọi điện thoại, gửi văn
bản đến địa chỉ vi phạm đề nghị gỡ bỏ toàn bộ những thông tin, dữ liệu
ăn cắp bản quyền nhưng kết quả hầu như không được như mong đợi. Có những
đơn vị vi phạm chịu tiếp nhận thông tin phản hồi và khắc phục theo yêu
cầu nhưng có trường hợp phản ứng lại, thậm chí còn đe dọa doanh nghiệp
là “nạn nhân”.
Hiện
nay, có khá nhiều trang web cho thuê giao diện và mặc nhiên để người
bán kinh doanh hàng nhái tràn lan. Khách hàng hoặc công ty bị ăn cắp bản
quyền khi phản hồi thường chỉ nhận được câu trả lời chung chung: “Chúng
tôi chỉ cho thuê giao diện web, không quản lý chất lượng hàng”. Hiện có
rất ít nhà quản lý trang web dạng này thực hiện việc quản lý, kiểm soát
mặt hàng kinh doanh thông qua các quy định về chất lượng hàng bán, chế
độ khiếu nại…
Giải pháp là nâng cao chất lượng
Để
bảo vệ những sản phẩm vật chất và sản phẩm trí tuệ (mẫu mã, kiểu dáng
thiết kế) trong môi trường thương mại điện tử, các doanh nghiệp cho rằng
họ chủ yếu tự xoay xở và năng động trong việc ứng dụng các sáng kiến,
giải pháp phòng vệ. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hoa tươi đang áp dụng
cách in logo, tên công ty lên các bức ảnh chụp mẫu hoa đăng trên trang
web, các hình ảnh được đăng tải với dung lượng rất nhỏ để hạn chế việc
sử dụng lại trên trang web khác.
Các
công ty bánh kem chỉ giới thiệu mẫu bánh mới (phục vụ những ngày đặc
biệt) trước 3-10 ngày. Một số doanh nghiệp lại chọn cách tư vấn, khuyến
cáo người tiêu dùng ngay trên trang web của mình. Cụ thể, Milano Sài Gòn
– nhà nhập khẩu và phân phối các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách
của các thương hiệu cao cấp như Gucci, Roberto Cavalli, Blumarine,
D&G… – công bố ngay trên trang web bán hàng trực tuyến của mình:
“Milanogoods.com là trang web bán hàng trực tiếp duy nhất và hợp pháp
của Milano Sài Gòn. Chúng tôi không có một chi nhánh nào khác. Xin quý
khách lưu ý để tránh sự nhầm lẫn”, hoặc như Thế Giới Hoa Tươi: “Tôn
trọng bản quyền là thể hiện lòng tự trọng và ứng xử văn minh; xâm phạm
bản quyền là vi phạm pháp luật”.
Một
giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, đó là nâng cao chất lượng
dịch vụ, sản phẩm thông qua việc áp dụng những công cụ thanh toán linh
hoạt hơn, thực hiện chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng một cách tận tâm
và chu đáo đồng thời mở thêm cửa hàng trưng bày, bán hàng trực tiếp.
Ông
Bình cũng cho biết PeaceSoft quan tâm đến khía cạnh bảo vệ quyền sở hữu
trí tuệ thông qua việc xây dựng hai bản quy định song song, áp dụng cho
các nhà kinh doanh tại sàn giao dịch điện tử. Thứ nhất là quy định áp
dụng cho các sản phẩm vi phạm thương hiệu, bản quyền thuộc danh mục sản
phẩm cấm bán tại chodientu.vn. Thứ hai là quy định các hành động (trực
tiếp và gián tiếp) vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử lý, ví dụ như
gỡ bỏ hàng hóa khỏi chợ, cảnh báo hoặc khóa tài khoản của người mua…
Ngoài
ra, bên thứ ba nếu bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể liên hệ với
chợ điện tử để được hỗ trợ xử lý các sản phẩm vi phạm. Người tiêu dùng
trong trường hợp phát hiện ra những người bán vi phạm bản quyền cũng có
thể sử dụng các kênh liên lạc trực tuyến (e-mail, chat) hoặc gọi điện
thoại đến tổng đài… để phản hồi với ban quản trị chodientu.vn.
Theo
các chuyên gia thương mại điện tử, hành lang pháp lý về vấn đề bản
quyền trên mạng thực ra đã có nhưng chế tài các trường hợp vi phạm chưa
rõ ràng, cụ thể và chưa đủ sức răn đe. Trong nhiều trường hợp, các doanh
nghiệp bị vi phạm bản quyền không có đủ kinh nghiệm và kiến thức để
biết cách thức tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề này.