Avatar's sipjin_tu82

Ghi chép của sipjin_tu82

Âm và Dương

Sức mạnh của Âm và Dương phối hợp với nhau để tạo ra sự chuyển động và duy trì sự cân bằng của vũ trụ. Ở nơi làm việc, âm dương có thể liên quan tới các yếu tố hữu hình như kiểu sắp xếp và trang trí văn phòng, nhưng việc phân tích các ảnh hưởng của âm dương cũng áp dụng cho các hoạt động diễn ra trong công ty và mối quan hệ tương hỗ của những người làm việc ở nơi đây.

 vocucamduong.jpg

Phần nhiều ở các văn phòng, dương có xu hướng thịnh hơn âm. Các đường thẳng của các bàn làm việc, ánh đèn huỳnh quang sáng trưng, màn hình vi tính, mặt sàn bóng loáng và các tủ hồ sơ bằng kim loại, bầu không khí ồn áo, náo nhiệt - tất cả đều là dấu hiệu của một môi trường đầy dương tính.

Phòng làm việc của chủ tịch và hội đồng quản trị thường nằm lánh xa nhịp sống sôi động hàng ngày của các phòng làm việc và chúng được trang trí thể hiện âm tính nhiều hơn, thường là các tác phẩm nghệ thuật và những gì thú vị thể hiện sự thịnh vượng của công ty. Ở một văn phòng sôi động, cây xanh có thể giúp làm dịu đi sự gay gắt của môi trường dương tính và các vật dụng trang trí có nước tượng trưng cho việc thu hút tài lộc vào khu vực tiếp khách và các khu vực khác.
Các hoạt động của văn phòng cũng chia làm hai loại: âm và dương. Những công việc hành chánh diễn ra đều đặn mỗi ngày mang tính âm. Còn công việc có tính hành động như ra quyết định và thực thi sách lược mang tính dương. Ví dụ: một cuộc họp kêu gọi sáng kiến thường diễn ra với sự tham gia của nhiều người, quanh một chiếc bàn, trong một căn phòng rực ánh đèn và rất thoáng rộng - gần như bạn có thể cảm nhận được một luồng năng lượng mạnh mẽ (dương khí) đang luân lưu khắp phòng.

Thỉnh thoảng, cuộc họp lại lắng dịu xuống (âm khí) khi người chủ trì cuộc họp tóm lược kết quả đã đạt được, trước khi họ lại xoay qua một đề tài nóng bỏng khác (dương khí). Chúng ta có thể thấy rõ sự tương phản của công việc mang đầy tính dương nêu trên với công việc đưa các ý tưởng đó vào thực thi. Công việc lập trình cho máy tính chẳng hạn, đòi hỏi ở bạn nhiều giờ làm việc lặng lẽ, âm thầm so với những lúc năng lượng dương phát tiết ra ngoài khi thất vọng vì công việc không tiến triển theo kế hoạch đã định. Trong dương luôn có âm và trong âm luôn có dương.
Con người cũng có thể xếp thành hai nhóm: dương tính và âm tính. Một số người bề ngoài rất năng động và tràn đầy nhiệt tình nhưng đôi khi họ rất dễ bị căng thẳng thần kinh và mắc bệnh do thể chất bị suy kiệt. Ngược lại, những người có tác phong chậm chạp, bình thản lại có khi làm các đồng nghiệp sửng sốt vì khả năng ứng phó với các tình huống khủng hoảng. Một vị giám đốc năng động, táo bạo có thể sẽ cần một trợ lý điềm tĩnh và biết giải quyết công việc có hiệu quả. Những người chuyên ra chủ trương, quyết định thường cần được bổ khuyết bằng những người biết thừa hành công việc để đưa ý tưởng của họ vào thực tiễn.
Ở môi trường công ty, âm dương phải được cân bằng để công việc chạy suôn sẻ. Một không khí làm việc quá dương tính cho thấy có khả năng công việc không chạy, đưa tới tình trạng căng thẳng. Nhưng nếu nó quá âm tính, có thể năng suất công việc thấp, công ty ở trong tình trạng trì trệ, không bắt kịp xu hướng mới trong kinh doanh. Như ta đã thấy, tính khí con người hoặc là âm hoặc là dương và chúng được thể hiện rất rõ ở nơi làm việc. Thừa nhận người khác làm việc và cư xử khác mình ra sao là điều rất quan trọng trong việc điều chỉnh và mang lại bầu không khí thuận hòa cho công ty.
Các yếu tố làm cho Văn phòng có tính Dương:
Máy móc, điện thoại và fax, bàn làm việc hình chữ nhật, rèm cửa, tủ hồ sơ bằng kim loại, lượng người qua lại, các cuộc nói chuyện, cách trang trí đèn, bề mặt phản chiếu.
Công việc có tính dương:
Đóng góp ý kiến, hạn định về thời gian,tiếp thị, bán hàng, xúc tiến mậu dịch.
Loại người dương tính:
Nhiệt tình, năng động, sáng ý, chính xác
Các yếu tố làm cho Văn phòng có tính Âm:
Giấy tờ, thảm, màn cửa, tác phẩm nghệ thuật, vật dụng nội thất có màu tối, chỉ có một người làm việc, tủ hồ sơ bằng gỗ, giấy dán tường, bề mặt trang trí hoa văn.
Công việc có tính âm:
Hành chính, sáng tạo, sản xuất, đóng gói bao bì, xét duyệt lại.
Loại người âm tính:
Sẵn sàng tiếp nhận, sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, ngăn nắp, trật tự, khoa học.

Âm dương


Không nơi nào mà sự sánh đôi hai lực âm-dương vừa đối nghịch nhau vừa bổ sung cho nhau lại được thể hiện rõ nét hơn là trong một khu vườn. Đá, tượng trưng cho núi non chắc chắn, mạnh mẽ, tương phản với nước tĩnh lặng sâu lắng trong các ao hồ.

200px-yin_yangsvg.png

Những hình ảnh này nếu để riêng rẽ sẽ không có nhiều hiệu quả bằng khi chúng được đặt tương phản với nhau. Vẻ đẹp của một bông hoa đơn lẻ sẽ càng nổi bật hơn khi được đặt bên cạnh một mặt đá tối hoặc như những nhánh cong queo của một cây cổ thụ giữa nền trời.
Khi bước chân vào một khu vườn phong thủy, chúng ta sẽ cảm nhận được không khí êm đềm, tĩnh mịch nhưng không phải vì nơi đây hoàn toàn vắng lặng hoặc không có sự sống. Bạn sẽ nhận thấy có những chuyển động đâu đó, và cả những âm thanh – tiếng gió xào xạc qua những ngọn cây, tiếng gọi đàn của chim chóc và muông thú.

Những xao động mà bạn cảm nhận được xuất phát từ hình khối các tảng đá, có thể khiến ta liên tưởng đến những tên gọi như Ngọa Hổ và Phi Long, cũng như qua những hoa văn và đường nét trên mặt đá mà thời tiết và khí hậu đã lưu hằn lại. Những bụi cây hoặc cây có thân cong oằn và cuống, rễ vặn vẹo được chủ tâm đặt vào các vị trí tương phản với các mảng tường xanh nhạt hoặc bầu trời.

Những khu vườn của người Trung Quốc thời trước là nơi diễn ra mọi sinh hoạt xã giao của giới quan quyền hoặc giàu có. Sân khấu nhạc kịch, vũ hội và âm nhạc luôn khiến cho các khu vườn rộn rã các âm thanh và được thắp sáng bởi những ngọn đèn lồng.
Trong khu vườn Trung Quốc tất cả mọi thứ đều được sắp đặt có tính toán trước một cách cẩn thận và chi li nhằm làm tôn vinh vẻ đẹp và tác động của vật đó, ngoài ra chúng còn phải hòa hợp, tương xứng với những thứ khác xung quanh. Một mảnh vườn nhỏ ở nước Anh, trồng rất nhiều loại hoa, thì vẻ xinh đẹp của khu vườn này hoàn toàn khác so với một mảnh vườn trong đó những hòn đá xinh đẹp hoặc một loại hoa duy nhất nở rộ là tất cả những thứ được cần để tạo ra một ấn tượng trực quan mạnh mẽ. Mỗi loại thảo mộc đều có một thuộc tính âm hoặc dương tùy vào phẩm chất hoặc đặc tính tượng trưng thể hiện thảo mộc đó qua ngôn ngữ Trung Quốc.
Phối cảnh được vận dụng một cách thú vị trong các khu vườn Trung Quốc. Những cảnh trí sắp đặt theo phối cảnh được tạo ra bởi các nhà thiết kế phong cảnh tên tuổi của phương Tây nhưng có điểm nhấn mạnh phụ thêm. Kích thước ở đây mang tính tương đối. Một ngọn núi hùng vĩ được nhìn từ xa trông có vẻ nhỏ bé trong khi một hòn đá nhỏ gần ngay trước mắt có thể mang ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Khái niệm ‘căn phòng vườn’ - một phần trong phong cách thiết kế ở phương Tây trong nhiều năm, cũng là một đặc điểm truyền thống của khu vườn Trung Quốc. Những mảnh vườn nhỏ được tạo dựng bên trong một không gian rộng lớn và cảnh vật rộng lớn hơn được mở ra bên trong một khu vực khá nhỏ bằng cách dùng các ‘cửa sổ’ để tạo ra cái nhìn thoáng vào thế giới ngoài xa.
Đảo tiên
Trong vườn ở Trung Quốc, ở giữa các ao hồ người ta thường đắp một gò đất cao, mô phỏng theo truyền thuyết dân gian về một vùng đất thần tiên ở đâu đó ngoài biển Đông là nơi cư ngụ của Bát Tiên. Người ta hy vọng điều này sẽ lôi cuốn được các vị Tiên tìm đến sống ở đây và tiết lộ bí mật về sự trường sinh bất tử. Không cây cối nào được trồng trên ‘hòn đảo’ này để cho biết rằng đây là ‘đảo biệt lập’.

Âm Dương trong Phong thuỷ.


Khi bước chân vào một căn nhà, thường cảm giác ngay thấy sáng sủa, ấm cúng, hoặc tối tăm, lạnh lẽo. Hai mặt đối lập này thuộc hai yếu tố căn bản của khoa Phong Thủy - Âm và Dương.

am-duong-trong-phong-thuy.jpg

Khoa Phong Thủy có quan niệm đơn giản, mọi vật trên quả đất này chỉ ở trong hai trạng thái, hoặc Âm, hoặc Dương. Khái niệm về Âm Dương cũng rất giản dị, chẳng hạn: Ánh sáng là dương, bóng tối là âm. Ngày là dương, đêm là âm. Nóng là dương, lạnh là âm. Màu đỏ là dương, màu đen là âm v.v… Âm Dương là hình thức khởi thủy của vạn vật, là hai trạng thái đối nghịch, nhưng không thể tách rời ra được, phải nương tựa vào nhau để tác động hỗ tương cho nhau.


Khoa Phong Thủy cũng quan niệm mọi vật trên quả đất này được chia làm 5 loại: Kim, Mộc, Thủy, Thổ và Hỏa. Mỗi loại có một đặc tính riêng gọi là hành. Và mỗi hành có một màu tượng trưng, như màu trắng tượng trưng cho hành Kim, màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, màu đen tượng trưng cho hành Thủy, màu vàng tượng trưng cho hành Thổ, màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa. Vật này tạo ra hay nuôi dưỡng, làm lợi cho vật khác gọi là tương sinh. Còn ngược lại, vật này hủy diệt hay cản trở vật kia thì gọi là tương khắc.

Mỗi phần của một căn nhà sẽ thích hợp với màu tương ứng của hành ở hướng này.
Ngoài vật thể, phương hướng cũng bị chi phối bởi Ngũ Hành, cho nên mỗi hướng có một hành riêng, chẳng hạn, hướng Bắc thuộc hành Thủy, hướng Nam thuộc hành Hỏa, hướng Đông thuộc hành Mộc, hướng Tây thuộc hành Kim v.v… Một căn nhà, dù ở bất cứ vị trí nào, cũng bị ảnh hưởng bởi tám hướng, do đó,mỗi phần của một căn nhà hay một cơ sở thương mại sẽ thích hợp với màu tương ứng của hành ở hướng này.

Bởi vậy, nếu chỉ giới hạn trong lãnh vực sắp xếp, trang trí cho nhà ở và cơ sở thương mãi, thì ý nghĩa của Âm Dương và Ngũ Hành lại càng đơn giản hơn, có thể xem như chỉ gồm trong hai vấn đề: màu sắc và ánh sáng.

Khi chọn một căn nhà để ở, dù là nhà mướn hay nhà mua, thì chúng ta phải hiểu rằng, ở một vài tháng hay một vài năm, thì đó cũng là nơi cư ngụ của mình, là tổ ấm của mình sau những giờ lao tâm khổ trí ngoài đời mỗi ngày. Cái tổ của chúng ta có êm ấm, bền vững hay không là do từng ngọn cỏ, cọng rơm mà chúng ta lót thành tổ. Bởi vậy, trang trí nhà cửa là một nghệ thuật. Nếu nghệ thuật này được phối hợp với những quan niệm căn bản của khoa Phong Thủy thì sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích.

Ở đây, chúng ta chỉ lưu ý đến hai nguyên tắc: Âm Dương hòa hợp và Ngũ Hành tương sinh. Trong lãnh vực trang trí nhà cửa hay cơ sở thương mại, Âm Dương hòa hợp chẳng qua chỉ là sự phối trí giữa ánh sáng và bóng tối thế nào cho hợp lý. Chỗ nào đáng sáng thì sáng, nơi nào cần tối thì tối. Chẳng hạn, cửa chính là nơi tiếp nhận sinh khí vào nhà, cho nên, cửa chính phải ở một vị trí sáng sủa. Phía trước cửa chính không nên bị những tàn cây lớn che phủ làm cho thiếu ánh sáng. Hoặc trường hợp cửa chính nằm trong một hành lang dài và hẹp, thì ánh sáng cũng không đủ để hấp dẫn sinh khí vào nhà, do đó cần phải có đèn cho sáng hơn.

Cửa chính là nơi tiếp nhận sinh khí vào nhà nên phải ở một vị trí sáng sủa
Sau cửa chính, phòng khách, phòng ăn và phòng làm việc đều nên sáng sủa. Chỉ có phòng ngủ là không nên sáng quá, vì đây là nơi mà chúng ta nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Bởi vậy, không nên trang trí phòng ngủ bằng nhiều màu “nóng”, như màu đỏ, màu hồng hay màu rượu chát… Không nên đặt TV, máy hát, radio, máy computer trong phòng ngủ. Cũng không nên chưng nhiều hoa trong phòng ngủ, dù là hoa thật hay hoa giả. Những thứ vừa nêu trên tạo ra nhiều dương khí, không thích hợp cho một nơi để nghỉ ngơi và cho một giấc ngủ an lành.
Đèn, màn cửa và màn sáo (mini blind) là những thứ chính yếu để điều chỉnh ánh sáng theo ý muốn của chúng ta. Điều chỉnh ánh sáng trong một căn nhà, trong một căn phòng hay trong một cơ sở thương mãi là chủ ý cho Âm Dương được hòa hợp. Âm Dương hòa hợp thì cuộc sống mới êm đềm, công việc làm ăn mới trôi chảy.

4846 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
Website liên kết