Ghi chép của sipjin_tu82
Không tiền của là tài sản
Vậy tài sản của người học Phật là gì ?
1- Chánh kiến là tài sản
Người ta có thể được nhiều tiền của, nhưng ít khi có được chánh kiến.
Người xuất gia học đạo nếu không có chánh kiến thì cũng giống như người
vào trong núi vàng rồi trở về tay không, vì thế nên bị coi là
nghèo.Trong đạo Phật, chánh kiến là tài sản, là của cải và những ai
thường sống trong chánh kiến thì được xem là giàu có.
Người có chánh kiến là người biết nhận định đúng đắn lời Phật dạy, có
niềm tin chân chánh với Phật pháp, biết sống trong Tam pháp ấn, Tứ diệu
đế, Thập nhị nhân duyên, Nhân quả Nghiệp báo, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo,
biết thện ác, thánh phàm, tu học sinh hoạt trong Phật pháp đều là chánh
kiến. Nếu có được chánh kiến này là có trong tay của báu rồi, không còn
bị nghèo khổ nữa.

2- Trí tuệ là tài sản
Tài sản quý báu của con người chính là sống được với chân tánh của
mình, nhận ra được chân tánh phải là người có trí tuệ lưu xuất từ bên
trong, học Phật là để nhận ra trí vô sư ấy. Không có trí tuệ thì dù có
làm nhiều điều phước thiện vẫn không thể khai ngộ thành Phật được. Tu
phước mà không tu tuệ, như voi lớn đeo chuỗi ngọc, uổng đi một kiếp
người, có phước báo nhân thiên mà không có trí tuệ cũng không thể giải
thoát luân hồi.
Là những hàng giả tu Phật, đời sống dẫu nghèo khó mà luôn có trí tuệ
thì vẫn hơn người sống trong vinh hoa phú quý mà thiếu ánh sáng
Bát-nhã. Trí tuệ là từ nơi nghe mà thành trí, suy nghĩ mà thành tuệ.
Suy nghĩ những điều đã nghe mà ứng dụng vào việc tu hành, nhờ đó có thề
vào được Tam-ma-địa (Chánh địng Tam-muội), đạt được Bát-nhã chánh kiến.
3- Đức hạnh là tài sản
Trong đời sống sinh hoạt của người học Phật không thể thiếu phong cách
và đạo đức. Là người tu, phải lấy từ bi nhân quả mà quán niệm, lấy nhẫn
nại tử tế mà phát tâm tinh tấn phục vụ. Đó cũng là phẩm chất đạo đức
của người xuất gia. Người xuất gia phải học tập Phật pháp thật
nhiều.Trong đó “Nhẫn” là điều trọng yếu trong việc tu dưỡng than tâm.
Nhẫn lúc nghèo hèn, đau khổ, nhẫn khi gặp đói khát, lạnh, nóng vẫn còn
dễ dàng. Có khi trong sinh hoạt đời sống, ta gặp phải điều oan ức, bất
bình khi bị phiền não nhiễu loạn, nhẫn nhục lúc này mới thật là khó
khăn. Đức Phật dạy: “Ba A tăng kỳ tu phước huệ, trăm đại kiếp tu tướng
lành. Muốn tướng tốt được viên mãn, trước tiên phải tu nhẫn”.
Nhẫn có thể tiêu tai trừ nạn
Nhẫn làm cho sự nghiệp thịnh vượng
Nhẫn làm tăng thêm giá trị tu hành
Nhẫn giúp ta mau chóng thành đạo.
Người xuất gia thọ giới rồi, muốn thành tựu đạo nghiệp, phải biết tích
lũy công đức, trau dồi giới hạnh, theo các pháp tu truyền thống của
Phật giáo như Tứ vô lượng tâm, Tứ nhiếp pháp, Lục độ Ba-la-mật….Tất cả
pháp đó đều có thể đem lại sự an vui và là tài sản của người tu Phật.
4- Niềm tin là tài sản
Tín tâm là một trong Thất thánh tài-Tín tâm, Trì giới, Tàm, Quý, Văn,
Thí ,Tuệ, đều là tài sản của chúng ta.Trong nhà Phật, niềm tin là cửa
ngỏ của kho báu vô tận.Một phần tín tâm là một phần của cải, mười phần
tín tâm là mười phần của cải. Biển Phật pháp rộng lớn, duy chỉ có tín
tâm mới vào. Người học đạo cần phải có một niềm tin vững chắc, tuyệt
đối như:
1. Tin Tam Bảo
2. Tin Tam pháp ấn, Tứ thánh đế
3. Tin thường trụ, tăng đoàn
4. Tin vào việc xuất gia tu học cho đến khi bằng Phật.
Trong cuộc sống đời thường, khi nghe những lời trái quấy, hoặc gặp
những chuyện bất bình, niềm tin lúc này sẽ mất đi và sự tu hành sẽ
không còn giá trị.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là nguồn gốc của đạo, là mẹ của tất cả công
đức”. Của cải vật chất ở thế gian dễ làm hủy hoại tín tâm, quyền uy thế
lực luôn dọa dẫm, những thịnh tình hảo ý có thể mê hoặc v.v…Tất cả
những điều đó sẽ làm cho chúng ta đánh mất niềm tin, coi như mất tài
sản.Cho nên niềm tin là tài sản vô giá của người tu Phật.Trí huệ, chánh
kiến, nhẫn nại, niềm tin tha thiết…là tài sản để trở thành người giàu
có trong cửa Phật.