Ghi chép của sipjin_tu82
Nửa đời và nửa chiều
![]() |
Ngày ấy tôi gặp Song Thao, một bông hoa rừng, hoa khôi của thị trấn Lộc Hóa. Anh phóng viên Đài phát thanh dường như bị hút hồn ngay từ phút đầu trước cô gái Tày có nước da trắng như trứng gà bóc, khuôn mặt bầu bĩnh với hai lúm đồng tiền thoáng trên má, đôi mắt mở to ướt át và bộ ngực lúc nào cũng như "có hai con chim gáy trong lưới" (M.Sôlôkhốp). Với con mắt họa sĩ, đó là một môtíp đẹp phồn thực và cổ điển.
Con thuyền chở chúng tôi vào đến thị
xã thì trời đã tối. Hầu hết các phố, nước đã tràn vào, tiếng người, xe
lội bì bõm. Tuy nhiên, điện vẫn sáng trưng và tiếng nhạc từ tivi vẫn
vang đâu đó. Loay hoay mãi, người lái thuyền mới tìm được điểm cao là
chân dốc lên UBND tỉnh để đổ khách. Tôi bỗng đứng sững, bồi hồi nhìn
chùm đèn tháp truyền hình lung linh soi xuống dòng Lô. Nơi ấy tôi đã có
thời gian công tác, là phóng viên văn nghệ của Đài. Tôi tìm cho mình một địa chỉ để tá
túc trong cái đêm trở về với tâm trạng lữ thứ này là Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh. Nơi đây là một gò cao đầu thị xã, có thể nói là điểm
"bất khả xâm phạm" đối với mọi trận đại hồng thủy từ trước tới nay.
Ngày trước, ở đây là một bãi tha ma, sau gọi là nghĩa trang thị xã.
Trước yêu cầu của quy hoạch đô thị phát triển, người ta quyết định rời
nghĩa trang ra một điểm ngoại ô, nhường lại chỗ cho Đài phát thanh và
Truyền hình, bởi cần có điểm cao đặt cột phát sóng. Về đây tôi sẽ gặp lại nhiều bạn bè
cùng công tác cũ, nhất là có vợ chồng ca sĩ Lâm Tính. Anh chị đều người
Tày, là chỗ thân quen, thậm chí còn có chút họ hàng nữa. Hy vọng vào
đây tôi sẽ có thêm tư liệu cho bài viết. Hơn nữa, gần đây tôi có nghe
tin Hồng, vợ anh mắc bệnh trọng phải thôi việc nên đây là dịp tôi vào
thăm chị. Khu nhà tập thể cán bộ công nhân viên
Đài tựa lưng vào chân đồi, những hộ đã lập gia đình được phân đất dựng
nhà riêng, còn hộ độc thân ở trong hai dãy nhà tập thể xây cấp bốn. Tôi
gõ cửa nhà Lâm Tính. - A, chắc nhờ có trận lụt mà rồng ghé nhà tôm đây - Lâm Tính nhận ngay ra tôi. - Ba mươi năm rồi còn gì. Nhiều đổi thay quá… - Tôi thốt lên như nói với chính mình. Trông ca sĩ Lâm Tính không thay đổi
mấy. Anh vẫn giữ được nét trẻ trung với nước da trắng, đôi môi mọng như
môi con gái, hay cười, trừ có mái tóc xoăn rủ xuống trán là đã điểm
muối tiêu. Khi nghe chồng gọi "Có anh Siêu, khách nhà thơ đến em ơi",
chị Hồng đang nằm ngồi phắt dậy: "Có nhà thơ đấy à?". Rồi chị nhìn chăm
chắm vào tôi: "Anh là đồ tồi! Nhà thơ mà lại đi đốt tác phẩm của mình
à?". Lâm Tính vội kéo tôi ra nhà ngoài:
"Anh thông cảm. Cô ấy nói dại đấy. Đã hơn năm nay bị tâm thần phân liệt
mà". Chuyện này thì tôi có nghe bạn bè nói, nhưng không ngờ chị lại bị
nặng đến thế. Còn việc chị ấy bảo tôi "đốt thơ" là có thật, chứng tỏ
người này còn sức nhớ lắm. Chẳng là hồi ấy, có lần tôi tuyên bố bỏ thơ
và đem ném hết chồng bản thảo vào lửa. Lý do cũng từ ba cái chuyện yêu
đương thất vọng thôi. Nghĩ lại thấy thật trẻ con. Hồng khác với chồng, trông già đi
nhiều, lúc nãy nhìn tôi đã không nhận ra. Thời gian đã phủ xóa đi những
nét xinh tươi của một diễn viên múa có tiếng của đoàn văn công tỉnh;
một thời làm tốn giấy mực viết thư của khá nhiều anh. Có lẽ còn lại duy
nhất ở Hồng là chất giọng vang ngân... Vợ chồng ca sĩ Lâm Tính sinh được hai
con, một trai một gái. Người con trai nối nghiệp bố mẹ, giờ là đạo diễn
một đoàn văn công. Còn cô con gái thứ mang nhiều nét của mẹ, đã từng là
á hậu báo Tiền phong, có thời gian mở cửa hàng thời trang ở Hà Nội, sau
vì mẹ lâm bệnh, cô về tỉnh, giờ mở quán cà phê ở chỗ thành cổ nhà Mạc,
có tên "Cà phê phố cổ". Cả hai người con đều đã có gia đình, ra ở
riêng; căn nhà tập thể này chỉ có hai vợ chồng Lâm Tính ở. - Ta lại uống rượu ngô với măng giang luộc chấm mẻ chưng nhé? Ôi, Lâm Tính. Anh vẫn còn nhớ món
khoái khẩu của tôi ở đất này ư. Đêm nay, trong một đêm nước sông Lô
đang cường dâng tràn vào thị xã, một đêm nói theo hình tượng văn học là
ông Thủy Tinh lên đòi ông Sơn Tinh người đẹp Mị Nương, tôi ngồi cùng
người bạn cũ Lâm Tính, mượn rượu để ôn lại ký ức nửa đời đã qua. Đến
lúc những giọt rượu cuối cùng đã cạn, bỗng Lâm Tính quay sang nhìn
thẳng vào tôi: - Ngày ấy tôi thật không phải với anh. Giờ anh có tha thứ cho tôi không? Không, chính tôi phải nói câu đó với Lâm Tính mới phải… Như trên đã nói, nếu cuộc đời xuôi
chèo mát mái thì tôi còn có họ hàng về đằng vợ với Lâm Tính, gọi Tính
là chú. Ngày ấy tôi gặp Song Thao, một bông hoa rừng, hoa khôi của thị
trấn Lộc Hóa. Anh phóng viên Đài phát thanh dường như bị hút hồn ngay
từ phút đầu trước cô gái Tày có nước da trắng như trứng gà bóc, khuôn
mặt bầu bĩnh với hai lúm đồng tiền thoáng trên má, đôi mắt mở to ướt át
và bộ ngực lúc nào cũng như "có hai con chim gáy trong lưới"
(M.Sôlôkhốp). Với con mắt họa sĩ, đó là một môtíp đẹp phồn thực và cổ
điển. Một tình yêu sét đánh đã ập tới khiến tôi chết lả trước người
đẹp. Một tháng sau, Song Thao báo với tôi
cô có thai. Dẫu hơi bất ngờ, song tôi động viên Thao yên tâm, tôi sẽ
đến gặp gia đình cô. Phải, trai chưa vợ gái chưa chồng, chúng tôi có
quyền lấy nhau. Ông bố Thao là một cán bộ lãnh đạo huyện bình tĩnh nghe
chúng tôi thưa chuyện và tỏ ra rất thông cảm. Chỉ có điều sau cùng ông
tỏ ra rất cương quyết, bảo chưa kịp cưới thì cũng phải đăng ký cho hợp
pháp. Rằng là một gia đình Cách mạng, có vị thế, ông không thể chấp
nhận để có đứa con chửa mà không chồng. Tôi đồng ý. Thực ra với tôi lúc này, việc Thao có
chửa và thành vợ tôi không là điều quan trọng nữa, mà…Tất nhiên tôi
chưa nói ra điều ngờ vực trong mình. Tôi cũng không cần tìm cho ra
thằng Sở Khanh nào. Tôi mơ hồ thấy có sự xếp đặt gì ở đây. Tôi quyết
định nói điều ngờ vực đó với Thao. Cô chỉ khóc và nói: "Nếu anh không
thương được em thì thôi, chia tay. Còn phần em, em sẽ phải nghe gia
đình phá cái thai". Thế là rõ cả rồi. Tôi đem việc này nói với Lâm Tính, hy
vọng người chú cô sẽ có ý kiến khách quan. Lâm Tính đã rất thành thực
bảo tôi "Việc nó có thai, tôi cũng rất bất ngờ. Nhưng dù của ai, tôi
chỉ xin cậu hãy giúp nó vượt qua được sức ép gia đình, đừng phá cái
thai. Một sinh linh mà, tội lắm!". Tình thế có vẻ chuyển sang một hướng
khác. Tôi bỗng bị đứng trước lựa chọn: Nếu để cứu đứa bé (không phá
thai), tôi sẽ phải gánh chịu búa rìu dư luận, thậm chí mất việc ở cơ
quan. Hoặc không, cứ để cô đi phá thai, rũ tuột mọi vướng bận vào mình.
Bởi đơn giản tôi đâu phải là "tác giả" cái thai. Không, như thế thì
nghiệt ngã quá. Trong khi người ta vì thể diện quyết buộc con gái phá
thai, thì tôi, chẳng lẽ cũng vì sự thể diện của mình mà đứng ngoài
cuộc. Như thế chắc tôi phải đeo chữ "tòng phạm" suốt đời mất. Hình như gia đình Thao càng thúc ép
cô phá thai, tôi càng thấy mình phải đứng ra bảo vệ nó. Cuối cùng, tôi
đã đi đến quyết định đi đăng ký, theo kiểu "tiền trảm hậu tấu", không
kịp báo cả với cơ quan, gia đình dưới xuôi. Lễ cưới được thay bằng bữa
liên hoan trình diện cô dâu, chi trong số tiền nhuận bút khiêm tốn do
một số anh em báo chí văn chương bên Hội Văn nghệ tỉnh góp vào. Thế là
tôi bỗng trở thành người có vợ, mất danh hiệu "trai tân" và như người
ta vẫn nói, bắt đầu viết "tập một" cuốn tiểu thuyết cuộc đời. Sau đó Thao đã sinh con, mẹ tròn con
vuông, một bé gái kháu khỉnh, giống mẹ như hai giọt nước. Hôm đưa Thao
ở bệnh viện về, tôi hỏi bà hộ sinh già: "Cháu sinh đúng tháng không
chị?". Bà khẽ cười: "Đủ tháng. Nhưng cậu là bố đẻ thì phải biết chứ?".
Phải, tôi đâu là thằng ngu mà không tính ra được, chẳng cần phải thử
ADN như bây giờ. Nếu đúng là con tôi, thì như thế nó đã đẻ non những
hai tháng. Như đọc được ý nghĩ tâm trạng của tôi, bà hộ sinh lại bảo:
"Thôi, cậu đã thương mẹ con nó thì thương cho trót. Cậu xứng đáng làm
bố đứa bé". Tôi đã yêu thương đứa bé thực sự như
chính con đẻ của mình. Hàng tuần thứ bảy tôi lại đạp xe hơn ba chục cây
số về để được nựng nó trên tay. Tôi đã đặt tên cho nó trong giấy khai
sinh là Hiền Thơ để gửi gắm một chút gì. Nhưng không hiểu sao càng yêu
thương đứa trẻ, tôi lại càng thấy có gì cắn rứt và càng căm giận mẹ nó.
Một lần về, tôi viện cớ uống rượu say
rồi ngủ quên ở nhà hàng xóm. Đến lúc trời sáng bảnh tôi mới áo vắt vai
thất thểu về nhà. Cứ tưởng như thường lệ, lúc này Thao đã dậy lo ăn
sáng cho chồng con, không ngờ khi tôi bước vào phòng Thao vẫn nằm đấy
trong tư thế người nửa "nuy" chờ chồng. Bé Hiền Thơ nằm ở góc trong
giường, đang giấc thiên thần. Không rõ do còn chút men rượu hay do
nhục dục trỗi dậy, tôi nhẩy vào ôm ghì lấy vợ. Khác những lần trước,
Thao nằm im để cho tôi mặc sức trong cơn điên dại trên tấm thân trắng
ngộn người đàn bà. Thỉnh thoảng do tiếng động từ nửa giường, bé thức
giấc ọ ẹ khóc, Thao lại quờ tay sang khẽ đập cho con ngủ. Tôi không còn
nhận biết trong những động tác nghiến ngấu da thịt nàng, đâu là ái ân,
đâu là trả thù. Tôi như cố hít lấy cái mùi vợ ấm nồng, oi oi mùi sữa
non và đau xót nghĩ thế mà có lúc nó không thuộc về mình. Khi mọi sự xong xuôi, tôi mới nhìn
thấy từ mắt Thao, hai giọt nước chắt ra lăn trên má. Và cô khẽ bảo:
"Anh đừng thương hại em như vậy". Nhưng tôi không để ý tới câu nói, mà
chỉ bỗng thấy một nỗi bẽ bàng xen ghê tởm. Hóa ra vừa rồi cô vô cảm với
chồng. Tôi bỏ ra nhà ngoài tìm bao thuốc lá. Đấy là lần cuối cùng tôi
chung đụng với Thao. Tôi càng thấy bức bối sống hơn khi
xung quanh một mớ dư luận kiềm tỏa. Người bảo tôi dại gái, kẻ ăn ốc
người đổ vỏ. Người bảo, cho sướng, ai bảo "ăn cơm trước kẻng". Nhưng
cũng có người bảo, làm đàn ông thì phải biết trắc ẩn, vị tha. Tất nhiên
là tôi im lặng trước tất cả, không một lời thanh minh. Tôi sống như một
hòn cuội trơ giữa đời. Thế rồi cái gì đến đã đến. Bằng sự
nhạy cảm của người đàn bà, Song Thao đong đếm được tình cảm qua từng
ngày của tôi và thấy không còn gì để ràng buộc tôi. Cô nói với tôi: "Em
đã nói với gia đình để chúng mình ly dị. Em không xứng đáng với tình
yêu của anh. Hãy tha thứ cho em". Nói rồi cô òa khóc. Tôi bỗng thấy
thương Thao vô cùng. Tôi bỗng thấy mình cũng tầm thường, không vượt qua
được những rào cản vô hình và mơ hồ nhận ra đang để tuột một hạnh phúc…
Nhưng đúng là trong tôi đang có một thằng đàn ông khác, sĩ diện, tự ái,
tính toán thắng thế. Phải, tôi có quyền từ chối một mối tình bị lừa dối
như thế. Tôi với Song Thao ra tòa án thị trấn
làm thủ tục ly dị rất nhanh gọn, sau đúng một năm một tháng kết hôn.
Tôi thấy bắt đầu ghê sợ cái mảnh đất đã sinh ra lắm người đẹp, và làm
một cuộc rút chạy không kèn không trống bằng chuyến chuyển công tác về
xuôi. Trước hôm từ biệt mảnh đất này, tôi ra nhặt một hòn sỏi trắng đáy
sông Lô như mang theo lời nguyền đừng bao giờ trở lại đây nữa! Thế mà đã ba mươi năm, tôi sống đúng
với viên - sỏi - lời nguyền. Cũng có đôi lần tôi gọi điện qua người chú
của cô hỏi thăm tình hình mẹ con Thao. Được biết Thao đã đi lấy chồng
và con cái đề huề. Thôi thế cũng qua một đoạn đời, những tưởng khép lại
tập một của cuốn tiểu thuyết ở đó. Nhưng gần đây, tôi bỗng được tin về
Hiền Thơ, khi lớn lên là một cô gái xinh đẹp, vì thế cô bị người chú
dượng rắp tâm lạm dụng tình dục. Trốn chạy, cô bỏ vào miền
Namkiếm
sống, nghe đâu hiện cô đang là công nhân làm cho một công ty nước
ngoài. Tôi bỗng xót xa và thấy như mình có một phần trách nhiệm ở đây… Tôi phải thú thực một điều, phải mất
đến hơn một năm sau cuộc chia tay với Song Thao, tôi lại rơi vào hẫng
hụt. Từ trong sâu thẳm, trái tim mách bảo tôi vẫn còn tình cảm với cô.
Tôi yêu cô thực sự, và mong bù đắp cho cô những gì mất mát. Tôi cũng
rất nhớ Hiền Thơ và dự cảm cả những điều lớn lên, nó sẽ trách cứ tôi
thế nào? Nó có xếp tôi cùng một duộc với Sở Khanh không? Đúng hẹn với ca sĩ Lâm Tính, chiều
nay tôi trở lại nhà anh để như anh bảo, nói nốt phần cuối câu chuyện
cuộc đời. Khi tôi đang âm thầm sám hối về một mối tình muốn chôn vùi
thì Lâm Tính lại nhắc đến, như một cái cớ, để dẫn vào câu chuyện chiều
nay của anh. - Ngày ấy tôi đã khuyên anh hy sinh
để cứu một sinh linh, để nó có mặt trên cõi đời, thì chính tôi lại
không làm được cái điều mình nói, anh biết không? Tôi bảo anh: - Chuyện thế nào, nếu được cho phép chia sẻ thì xin anh cứ kể, tôi xin sẵn sàng ngồi nghe đây. - Anh biết Hồng bị bệnh tâm thần từ
nguyên do gì không? Một số người thì bảo tại nhà tôi làm đè lên phần mộ
của những vong hồn không siêu thoát, họ về trả thù. Nhưng tôi không
tin. Cái câu hôm nọ cô ấy nói với anh, không phải là vô thức đâu. Có
căn nguyên sâu xa cả đấy. "Năm 1973, đoàn văn công của tôi được
lệnh đi B. Trước khi đi, bỗng xảy ra hai sự cố rất xui. Sự cố thứ nhất
là có một cặp diễn viên yêu nhau. Người con trai có trong danh sách đi,
còn cô gái không có thì bị gia đình lên xin về gả chồng. Để chứng tỏ
tình yêu và sự phản kháng, họ đã đứng ôm hôn nhau ở ngay cầu thang cơ
quan rồi cùng tự tử chết. Còn sự cố thứ hai là của tôi. Hồi đó
cả hai vợ chồng tôi đều được phân công đi B trong đợt này. Tôi và Hồng
đều là đảng viên nên việc viết đơn tình nguyện là đương nhiên. Chỉ ngặt
một điều, lúc đó Hồng đang có thai bảy tháng. Nếu tính ra thì đây là
đứa con thứ ba của chúng tôi, tức là nó thuộc diện "vỡ kế hoạch". Nhưng
điều đó chưa quan trọng bằng là Hồng sẽ bị ở lại, và như vậy cũng không
hoàn thành nhiệm vụ đảng viên. Thế là một cuộc đấu trí, bàn cãi nổ
ra trong gia đình, họ hàng chúng tôi. Một bên: đi thì phá thai, còn một
bên: không đi, bằng mọi giá giữ lấy đứa con. Tôi ở phe thứ nhất. Và tất
nhiên Hồng phải ủng hộ tôi. Con gái Tày vốn rất phục tùng chồng mà. Tất
nhiên tôi biết cô ấy cũng rất đau khổ, tan nát từng khúc ruột người mẹ
nếu phải làm việc đó. Tôi bí mật đưa Hồng đi phá thai, giấu cả chi bộ,
cơ quan. Trời ơi, cái thai tháng thứ bảy, anh biết đấy, một sinh linh
gần hoàn chỉnh, chỉ tính ngày chờ để chào đời. Tôi đưa cháu về quê chôn
cất, xây mộ đàng hoàng, mong sao nó được siêu thoát. Nhưng ở đời, cái kim trong bọc cũng
có ngày lòi ra. Sự việc đến tai đồng chí bí thư chi bộ. Ông gọi vợ
chồng tôi lên mắng một trận như một người cha mắng con. Tuy vậy, cuối
cùng thì vợ chồng tôi cũng vẫn có mặt trong chuyến đi hỏa tuyến ấy. Sau
chuyến công tác ấy, cả hai vợ chồng tôi đều trở về lành lặn. Tôi được
đề bạt Trưởng đoàn văn công. Còn Hồng, sau bỗng mắc bệnh dị ứng hóa
trang, phải chuyển sang Đài làm phát thanh viên. Một lần, cô ấy giấu
tôi mang hết giấy tờ liên quan đến chuyến đi về đốt trước mộ con, rồi
cứ thế ngồi như một pho tượng đến hết đêm. Hồng bị đổ bệnh từ sau lần
đó." Kể đến đây, Lâm Tính bỗng bật khóc
nấc lên: "Phải chi ngày đó tôi cũng nghĩ được như anh. Trong khi anh
thì vì một sinh linh, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh. Còn tôi thì ngược
lại". Ôi, tôi nhìn người đàn ông khóc sao
mà thê thảm đến thế. Tôi muốn nói một câu gì với Lâm Tính để chia sẻ,
an ủi, đại loại: "Tôi, anh thế hệ chúng ta đã sống trong những năm
tháng của một cung đàn toàn nốt "thăng" mà". Nhưng sao hàm cứ cứng ra
không nói được. Bây giờ thì tôi hiểu hôm đó Hồng đã mắng mỏ tôi câu nói
ấy. Nhưng xin chị đừng ví những bài thơ của tôi viết ra với đứa con rứt
ruột của chị. Bởi thơ tôi, kể cả những bài được in, được khen, thì vẫn
là hời hợt lắm so với những gì tôi gặp, những số phận mảnh đời đi qua
trong nửa đời trước của tôi. Cũng xin Lâm Tính, anh đừng đặt hai sự
việc của tôi và của anh mà so sánh. Mọi sự so sánh đều khập khiễng mà. Thế là bài phóng sự về những hoa hậu,
diễn viên của tôi nhằm tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ có nguy cơ bị
phá sản. Trận đại hồng thủy của dòng sông Lô đã như một định mệnh đưa
tôi đến với "phía sau" của những số phận, những mảnh đời nhan sắc, mà ở
đó, như người đời vẫn thường chỉ ra, là "hồng nhan bạc mệnh". Để bây
giờ cả tôi và Lâm Tính đều phải nhìn lại chính mình với một phần trách
nhiệm trước họ. Suy cho cùng, tôi và anh đều chỉ là hạng đàn ông ích kỷ
trước phụ nữ. Nhưng phải mất ba mươi năm với cái giá nửa đời người, có
lẽ tôi mới ý thức được điều này...