Ghi chép của Ice
Vấn đề với âm nhạc (Steve Albini) // Phần cuối - translated by @synyster_shark
Chú thích: Ở phần trước chúng ta đã được chứng kiến câu chuyện về một ban nhạc ký được hợp đồng với hãng đĩa lớn, được ứng trước tiền để làm album. Sau khi thuê một nhà sản xuất có tên tuổi, trang bị đồ đạc "khủng", làm video clip, album đầu tiên của họ với một hãng đĩa lớn đã bán được tới 250,000 bản. Tuy nhiên đây không phải là một câu chuyện kết thúc có hậu mà lại là khởi đầu của một cơn ác mộng. Phần này sẽ giải thích tại sao.
***
Phép toán dưới đây sẽ giải thích ban nhạc đã bị “chơi” một cú nặng như thế nào. Những con số này là thể hiện của những khoản tiền phát sinh hàng ngày theo hợp đồng thu âm. Cũng không cần thiết phải bóp méo các con số để làm cho bức tranh xấu đi, bởi vì những trường hợp xảy ra ngoài đời thực cũng chẳng khác là mấy. Các khoản thu nhập được tô đậm, các khoản chi phí thì không. Tiền được tính theo thời giá những năm '90.
Tiền ứng trước của hãng đĩa: $ 250,000
Thù lao cho người quản lý (13%): $ 37,500
Phí luật sư: $ 10,000
---
Ngân quỹ thu âm: $ 150,000
Ứng trước cho nhà sản xuất: $ 50,000
Tiền thuê studio: $ 52,500
Thù lao chuyên gia âm thanh: $ 3,000
Băng thu âm: $ 8,000
Tiền thuê thiết bị: $ 5,000
Vận chuyển và chuyên chở: $ 5,000
Phí sinh hoạt trong studio: $ 10,000
Tiền ăn: $ 3,000
Mastering: $ 10,000
Các chi phí lặt vặt khác: $ 2,000
Artwork: $ 5,000
Ảnh quảng cáo của ban nhạc và tiền sao in: $ 2,000
---
Ngân quỹ làm video: $ 30,000
Thuê camera: $ 8,000
Thù lao của đội kỹ thuật: $ 5,000
Dựng phim và chuyển định dạng: $ 3,000
Biên tập hình thô: $ 2,000
Biên tập hình trên vi tính: $ 3,000
Tiền ăn: $ 1,000
Sân khấu và dựng bối cảnh: $ 3,000
Sao chép và vận chuyển: $ 2,000
Thù lao cho đạo diễn: $ 3,000
---
Quỹ ban: $ 15,000
Bộ trống mới: $ 5,000
Guitar mới [2]: $ 3,000
Amps cho guitar mới [2]: $ 4,000
Bass guitar mới: $ 1,000
Amp cho bass guitar mới: $ 1,000
Tiền thuê phòng tập: $ 500
Tổ chức party ăn mừng: $ 500
---
Chi phí đi tour [5 tuần]: $ 50,875
Thuê xe bus: $ 25,000
Thuê lái xe [3]: $ 7,500
Đồ ăn và tiền công tính theo ngày: $ 7,875
Nhiên liệu: $ 3,000
Đồ tạp phẩm: $ 3,500
Trang phục: $ 1,000
Quảng cáo: $ 3,000
Doanh thu từ lưu diễn: $ 50,000
Thù lao cho bên tổ chức: $ 7,500
Thù lao cho người quản lý: $ 7,500
Tiền ứng trước của công ty quần áo: $ 20,000
Thù lao cho người quản lý: $ 3,000
Phí luật sư: $ 1,000
Tiền ứng trước của công ty xuất bản: $ 20,000
Thù lao cho người quản lý: $ 3,000
Phí luật sư: $ 1,000
---
Tiền bán đĩa: 250,000 bản x $12 = $ 3,000,000
Tiền thù lao ban nhạc thu về từ bán đĩa: [13% của 90% tiền bán đĩa]:
$ 351,000
Trả lại tiền ứng trước của hãng đĩa: $ 250,000
Tiền hoa hồng của producer: $ 40,000
Ngân quỹ quảng cáo: $ 25,000
Tiền bồi thường cho hãng đĩa cũ: $ 50,000
Tiền thù lao thực tế của ban nhạc: $ -14,000
Còn dưới đây là thu nhập của hãng đĩa:
Giá bán sỉ đĩa nhạc:
($6.50 x 250,000 bản) $1,625,000 (tổng thu nhập)
Thù lao cho ban nhạc: $ 351,000
Khấu trừ từ thù lao: $ 14,000
Sản xuất, đóng vỏ và phân phối:
($2.20 một đĩa nhạc) $ 550,000
Tổng lợi nhuận của hãng đĩa: $ 710,000
---
Bản quyết toán:
Đây là số tiền mà mỗi người chơi kiếm được khi trò chơi kết thúc.
Hãng đĩa: $ 710,000
Nhà sản xuất: $ 90,000
Người quản lý: $ 51,000
Studio: $ 52,500
Hãng đĩa cũ: $ 50,000
Đại lý: $ 7,500
Luật sư: $ 12,000 (:D)
Mỗi thành viên của ban nhạc: $ 4,031.25 (WTF!)
Giờ đây ban nhạc đã thực hiện được 1/4 khối lượng hợp đồng, đã làm giàu cho công nghiệp âm nhạc hơn 3 triệu đôla, thế nhưng tiền thù lao của họ đã bị cắt đi 14,000 đôla. Mỗi thành viên ban nhạc kiếm được số tiền chỉ bằng 1/3 số tiền mà nhẽ ra họ có thể kiếm được nếu như làm một công việc part-time từ 7 đến 11 giờ tối, nhưng họ vẫn phải đi tour bằng xe bus hàng tháng trời. Album tiếp theo chắc cũng sẽ tương tự, chỉ khác là hãng đĩa sẽ thúc giục ban nhạc phải giành nhiều thời gian và tiền bạc hơn nữa cho nó. Bởi lẽ album trước chưa thể giúp hãng đĩa “thu lại vốn”, nên ban nhạc sẽ không có tiền ứng trước và sẽ phải nghe theo chỉ đạo của hãng đĩa. Chuyến lưu diễn tiếp theo chắc cũng sẽ tương tự, chỉ khác là không có tiền ứng trước của công ty quần áo, và thật kỳ lạ là ban nhạc vẫn chưa nhận được một xu nào từ số tiền bán áo thun. Có thể là công ty quần áo cũng đã nghĩ ra cách để đếm tiền tương tự như cách của hãng đĩa.
***
Phần kết của người dịch:
Một nghịch lý của nền công nghiệp băng đĩa là hiện trạng “cốc mò cò xơi”. Ban nhạc – những người nắm vai trò chủ chốt và là nhân tố sống còn cho sự tồn tại của nó, hóa ra lại là những con trâu đi kéo cày cho hãng đĩa và các anh em chiến hữu ngồi mát ăn bát vàng. Các rockstar có thể làm bạn lóa mắt bởi lối sống xa xỉ và trác táng, nhưng họ chẳng có lấy một xu tiền gửi nhà băng. Tiền thu về từ bán đĩa và đi lưu diễn sẽ đi thẳng vào túi của hãng đĩa và một mớ những nhân vật “trung gian”. Ban nhạc thậm chí còn không được sở hữu các sáng tác của mình, đó là bài học kinh nghiệm xương máu mà Rolling Stones đã phải trả giá bằng việc mất tất cả bản quyền của các album phát hành trước năm 1971 vào tay Allen Klein, quản lý cũ của ban nhạc. John Lennon không nhìn ra điều này, nên đã thuê Klein làm quản lý cho mình, và kết quả là sự chia rẽ không thể khắc phục giữa anh và các thành viên khác, đặc biệt là Paul McCartney, dẫn đến sự sụp đổ của The Beatles.
Tuy nhiên, những nghệ sỹ thời nay cũng đã tỉnh táo hơn nhiều. Họ không còn là những kẻ chỉ biết ăn chơi rong ruổi và sáng tác nhạc trong khi phó mặc việc quản lý tiền nong cho người khác nữa. Điển hình là Trent Reznor (Nine Inch Nails) đã đánh bại John Malm Jr. – tay quản lý cũ của mình trước Tòa án bang Ohio trong một phiên tòa kéo dài đến ba tuần vào năm 2005. Trước khi ra tòa, tài sản của Reznor sau nhiều năm bị Malm Jr. bòn rút chỉ còn vỏn vẹn 400,000 đôla, sau khi tòa có phán quyết nó đã nhảy vọt lên gần 5 triệu! Thật mỉa mai, chính Malm Jr. lại là kẻ khơi mào cho việc kiện cáo chứ không phải Reznor. Reznor sau đó cắt đứt tất cả mối liên hệ với hãng đĩa của mình và với cả công nghiệp âm nhạc. Anh tự phát hành các album mới của Nine Inch Nails qua hãng đĩa của riêng mình, thậm chí là cho người hâm mộ download miễn phí, tự tổ chức các chuyến lưu diễn của ban nhạc.
Tháng 9/2007, trong một show diễn tại Australia, Reznor đã gây sốc khi thúc giục các fan của mình hãy tìm cách lấy miễn phí album mới của Nine Inch Nails, thay vì mua nó. Tháng 10/2007, Radiohead phát hành trực tuyến album “In Rainbows” trên Internet, đánh dấu sự quay lưng của ban nhạc ăn khách nhất thế giới này với công nghiệp âm nhạc. Với sự phát triển nhanh chóng của các kho nhạc trực tuyến như Bandcamp, các nghệ sỹ thời nay đã tìm ra những cách khác để đưa sản phẩm của mình đến với người nghe mà không phải qua bất kỳ một kẻ trung gian nào.
Tuy nhiên, bài viết của Albini sẽ luôn là lời cảnh báo đến những nghệ sỹ mới vào nghề để tránh tình trạng tự nguyện đầu quân làm nô lệ cho những kẻ tham lam và xảo quyệt đang điều hành một nền công nghiệp khổng lồ hàng năm mang lại doanh số hàng tỉ đôla.
