Ghi chép của vuanhnguyen
Bằng cấp Việt Nam - tự mình đánh mất giá trị của mình
Qua bài
viết này, tôi muốn bàn một tí về việc giá trị bằng cấp của Việt Nam đang
xuống cấp trầm trọng là do chính chúng ta, những người tham gia và làm giáo
dục:
Cách đây khoảng 10 năm, nếu các bạn đọc trên các mục tuyển dụng của các báo,
phần yêu cầu trình độ anh văn, sẽ dễ dàng bắt gặp được: yêu cầu bằng B hoặc
C anh văn. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã thay đổi, thay vào đó là các kì thi
anh văn quốc tế như TOEFL, IELTS, hay TOEIC, Do đâu dẫn đến thưc trạng
này và trong con mắt của những nhà tuyển dụng, họ đánh giá thế nào bằng cấp của
anh văn chuẩn quốc gia?
Trong kinh tế học, có một lý thuyết gọi là thị trường xe hơi cũ (the Market for
Lemons), thuyết này được George Akerlof viết năm 1997 và được đoạt giải Nobel
kinh tế năm 2001. Về cơ bản, công trình nghiên cứu của George bàn về thông tin
không đồng đều (asymetric information) về thị trường xe hơi cũ - trong tiếng
Mỹ, lemons là tiếng lóng chỉ những chiếc xe tồi, và có đưa ra một kết luận là
trong thị trường xe hơi cũ, bạn không thể nào kiếm được một chiếc xe hơi mới và
tốt, bởi vì thông tin không đầy đủ giữa người bán và người mua (chỉ có
người bán biết giá trị thật về chiếc xe của mình là tốt hay tồi, người mua hoàn
toàn không có được thông tin này, vì thế họ sẽ trả giá trị trong bình của một
chiếc xe trên thị trường, thường cao hơn giá trị xe cũ nhưng không bằng giá xe
tốt, nên người bán xe tốt không thể bán xe của mình, trong dài hạn sẽ dẫn đến
thị trường toàn xe tồi.* Để giải quyết sự thiếu hụt thông tin giữa bên bán và
bên mua xuất hiện một bên thứ ba có uy tín với chức năng chứng nhận các
giấy đạt tiêu chuẩn. Mà trong giáo dục, nó chính là bằng cấp, và người mua là
nhà tuyển dụng, người bán không ai khác chính là người kiếm việc, sản phẩm muốn
bán chính là kĩ năng làm việc.
Quay lại câu chuyện các bằng cấp anh văn chuẩn quốc gia của Việt Nam, tại sao
ngày nay, các nhà tuyển dụng lại chê bằng chứng nhận anh văn chuẩn quốc gia như
vậy? Tôi nghĩ các bạn có thể tìm ra câu trả lời khi tham gia kì thi này, điều
mà tôi đã làm cách đây tám năm.
Như mọi kì thi anh văn khác, kì thi bằng B bao gồm 4 phần: nghe, nói, đọc, viết
và do ba tổ chức có uy tín là Sở giáo dục đào tạo Tp.HCM, ĐH XHNV, hoặc ĐH Sư
Phạm Tp.HCM cấp, ba tổ chức sẽ có ba đề thi khác nhau.
Ngày tôi dự thi, cả hội đồng thi - nếu tôi nhớ không nhầm là trường THCS Hai Bà
Trưng Q3 - chỉ có một chiếc máy cát-set cho tất cả khoảng trên dưới hai mươi
phòng thi, không phải vì không có điều kiện sắm thêm những chiếc máy khác, mà
có điều nếu các máy cùng bật một lúc thì tiếng vọng từ cách phòng sẽ tạo thành
tạp âm và khiến cho thí sinh không thể nào nghe được. Cho nên chiếc máy được
đem từng phòng, phòng này nghe xong, hết khoảng 15', thì đến lượt phòng khác.
Có thể do điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, tôi có thể bỏ qua vấn đề
này, nhưng điều mà tôi muốn nói là khi phát đề môn nghe, các thí sinh khác đã
lập tức điền đáp án vào trước sự ngơ ngác của tôi, mặc dù máy hoàn toàn chưa
được bật, thậm chí chưa được đem đến. Sau khi thi xong tôi có hỏi một anh bạn
thì mới biết hóa ra bài thi nằm trong quyển Stream line English (một giáo trình
quen thuộc của văn bằng A/B/C), mọi người ở các lò luyện đã học thuộc lòng rồi
nên cần gì phải nghe nữa, cứ thế điền vào thôi. Đến phần thi đọc, sau khi làm
bài xong, tôi khoanh tay lại trên bàn đợi đến giờ nộp bài, bổng nhiên giám thị
có đến chỗ tôi và nói: "Em làm bài xong chưa?", "Dạ, em làm xong
rồi!" tôi đáp, hơi sợ sệt một chút, tưởng là mình có làm gì đó sai quy
định, và giám thị đã nói một điều mà tôi hơi bất ngờ "Làm xong rồi sao
không quay xuống dò với các bạn khác đi?". Câu nói này hoàn toàn đi ngược
lại với trách nhiệm của một giám thị phòng thi.
Có lẽ là cô giám thị cũng chỉ muốn tốt cho tôi, cô muốn tôi đậu kì thi này
không phải tốn tiền bạc và thời gian thi lại, nhưng lòng tốt này tôi nghĩ không
đúng chỗ. Kết quả là sau khi thi bằng B xong, tôi thấy cũng chẳng cần thiết
phải thi thêm bằng C làm gì nữa. Và các bạn hãy nghĩ nếu như cá nhân tôi sau
này nếu là một nhà tuyển dụng thì tôi sẽ đánh giá thế nào về một ứng viên đem
bằng C anh văn đến dự tuyển. Và nếu như phần dông nhà tuyển dụng nào cũng có ý
nghĩ giống tôi, thì bằng B, C anh văn quốc gia sẽ không được chấp nhận rộng rãi
nữa, bởi vì uy tín của tấm bằng - điều cốt lõi của tấm bằng đã không còn. Người
kiếm việc làm sẽ tự động đăng kí các kì thi khác có uy tín hơn như TOEIC, TOEFL
hay IELTS là điều dễ hiểu.
Vừa qua, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên đi đầu trong cả nước không chấp nhận
bằng tại chức. Mặc dù bản thân bằng tại chức không hề có một lỗi lầm gì cả,
ngược lại nó có một mục đích tốt, tạo cơ hội cho một số tầng lớp được tiếp cận với giáo dục bậc
cao và có tấm bằng đại học. Nhưng tại sao bằng đại học tại chức lại không được
chấp nhận, âu cũng là do những người làm giáo dục. Đa phần học viên học tại
chức là người vừa học vừa làm, ngày đi làm, tối đến lớp học, vì vậy thời gian
cho việc học bị hạn chế. Thầy cô dạy tại chức cũng biết điều này và có châm
chước trong việc chấm và gác thi. Nhưng chính ý tốt ấy dần già đã làm cho tấm
bằng ngày càng mất đi giá trị quan trọng nhất của nó - chứng nhận người mang nó
đạt tiêu chuẩn.
Sẽ có những ý kiến cho rằng bằng cấp thật sự không quan trọng, tại sao nhà tuyển dụng không kiểm tra trình độ của các ứng viên trong buổi phỏng vấn thử việc. Bản lĩnh làm việc của người học tại chức cụ thể chưa chắc đã kém hơn bạn học đại học chính quy cụ thể. Nhưng xét về trung bình, một anh học đại học sẽ làm công việc được giao hơn một người học tại chức. Và vấn đề nằm ở chổ, một vị trí không chỉ có một người nộp đơn dự tuyển, mà con số đó có thể lên đến hàng chục, hàng trăm. Thời gian của nhà tuyển dụng thì có hạn nên họ sẽ dựa theo cách suy nghĩ phân biệt theo thống kê trên (statistical discrimination)**. giống như thị trường ô tô cũ, thị trường nhân lực quá lớn, và thông tin về các ứng viên hoàn toàn họ không biết được, nhà tuyển dụng sẽ tin tưởng vào các tấm bằng đại học hoặc của các tổ chức uy tín cấp.
Bây giờ còn bằng đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, các giấy chứng nhận hàng đạt tiêu chuẩn, thực phẩm sạch, các tem chứng nhận hàng giả, v.v... mong sao các nhà chức trách không làm cho người mua dần mất đi niềm tin vào những giấy tờ trên. Hãy để những tờ giấy chứng nhận làm đúng bổn phận của nó.
VuA. Nguyen
---------------------------------------------
* Ví dụ chiếc xe tồi trị giá 1$, xe tốt trị giá 10$ đối với người mua. Người bán xe tồi khi người mua trả giá cao hơn 1.5$, người bán chỉ bán xe tốt nếu giá bán vượt 8$. Trên thị trường có 10 xe tồi và 2 xe tốt, vì không có thông tin của chiếc xe là tốt hay tồi, người mua sẽ tính giá trị trung bình của những chiếc xe trên thị trường: (10*1$ + 2*10$) / 12 = 2.5$, với giá bán này, chỉ có người bán xe tồi chịu bán, người bán xe tốt sẽ không bán, dẫn đến kết quả, trên thị trường chỉ toàn xe tồi.
Câu chuyện sẽ khác nếu có một bên thứ ba chứng nhận chất lượng của những chiếc xe.
** Statiscal discrimination: vì thiếu hụt thông tin, con người thường phân biệt cá thể theo nhóm của họ (theo xã hội, giới tính, tuổi, v.v). Thuyết này có thể dùng để giải thích lý do tại sao một khách hàng là nam dưới 25 tuổi, khi trả phí mua bảo hiểm, sẽ phải trả phí cao hơn các nhóm đối tượng khách hàng khác, vì theo thống kê, nhóm này có tỉ lệ gây tai nạn cao hơn các nhóm khác. Trong giáo dục, một sinh viên bằng loại trung thường bị đánh giá thấp hơn sinh viên loại giỏi cũng vì cách suy nghĩ này.
P/S: Hôm nay cuối tuần, ngồi ôm bát cơm cà mà nghĩ chuyện quốc gia, uống miếng nước lu và hét to chuyện vũ trụ thôi ;))
Bài viết chỉ là góc nhìn cá nhân tôi về thực trạng Xã Hội, không cổ xúy hay đá động tẩy chay bằng cấp ở VN, do hạn chế trong thông tin và nhận thức của mình, tôi có thể gây hiểu lầm cho một số cá nhân, mong các bạn thông cảm.