Avatar's vuanhnguyen

Ghi chép của vuanhnguyen

Khi khách hàng không còn là thượng đế!

Qua chuyện Indonesia và Australia, bàn chuyện Việt Nam và thương mại quốc tế.

Bộ Nông Nghiệp Australia đang lên kế hoạch ban hành những quy định, ràng buộc mới về việc xuất khẩu gia súc, gia cầm sống đến Indonesia, sau khi nhà chức trách nhận được một đoạn băng video ghi lại cảnh giết hại các con vật nhập khẩu từ Australia một cách "dã man" ở một lò mồ tại Indonesia.


Một khi kế hoạch mới được ban hành, chỉ 25 lò mổ đạt chuẩn ở Indonesia mới nhập được gia súc xuất khẩu từ Australia, và theo tổ chức Gia Súc và Gia Cầm của nước này(MLA): chỉ những nhà nhập khẩu nào đáp ứng được các tiêu chuẩn của Tổ Chức Vì Sức Khỏe Động Vật Thế Giới (OiE), và có những cách đối xử nhân đạo với động vật, mới được sự đồng ý xuất khẩu của cơ quan này. Thậm chí, chính phủ Úc, dưới sức ép của dư luận và phe đối lập, đang xem xét khả năng ban hành một lệnh cấm xuất khẩu gia súc lên toàn bộ lãnh thổ Indonesia trong vòng ba năm.


Cảnh chụp tại một lò mổ ở Indonesia.

----------------


Thông thường, lệnh cấm xuất khẩu thường được ban hành khi chính phủ muốn bảo đảm nguồn cung nội địa như nguyên, nhiên liệu, hoặc các mặt hàng quý hiếm, hoặc vì vấn đề an ninh quốc gia. Và bò Australia hoàn toàn không nằm trong tất cả những dạng hàng hóa trên. Điều đáng nói ở đây là, lệnh cấm xuất khẩu này, một khi được ban hành, đồng nghĩa với những thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi nói riêng và cả nền kinh tế Australia, vốn xuất khẩu khá phụ thuộc vào nông nghiệp và khai khoáng. Hài hước ở chổ: trong sự việc này, Australia là bên bán, còn những lò mổ ở Indonesia lại là bên mua, thực tế cho thấy khách hàng bị cấm không được phép mua các sản phẩm của bên bán. Có thể đây là một điều khá ngạc nhiên đối với các doanh nghiệp và người dân tại các nước châu Á, nơi mục đích cuối cùng của kinh doanh là những con số lợi nhuận, nhưng hoàn toàn là một điều rất dễ hiểu trong xã hội phương Tây và các nước phát triển, nơi mà các chuẩn mực đạo đức kinh doanh được đề cao và tôn trọng.  Ở đó, cả cộng đồng sẽ lên án những hành động phi đạo đức và phi nhân đạo. Cụ thể là qua một cuộc khảo sát, có đến 85% người dân Úc muốn có một lệnh cấm xuất khẩu trên toàn bộ lãnh thổ Indonesia, điều mà chính phủ đang xem xét. Và có ai dám chắc được rằng, liệu các sản phẩm có nguồn gốc từ Indonesia sẽ không bị xem xét lại bởi người tiêu dùng Úc trong những quyết định mua sắm của họ.


Nguồn: Sydney Morning Herald 


Lệnh cấm xuất khẩu gia súc lên Indonesia của Australia này thật khó lý giải với triết lý kinh doanh của châu Á với châm ngôn "khách hàng là thượng đế". Ở đây, khách hàng không còn là thượng đế, mà cộng đồng khách hàng mới đứng ở vị trí đó. Và một bài học cần được các doanh nghiệp Việt Nam rút ra qua sự việc trên: đó là cần hiểu và tôn trọng cộng đồng mà bạn và đối tác của bạn đang hoạt động. 


Tại Australia, cũng như các nước phát triển khác, người dân rất yêu quý động vật, họ thường xem chó, mèo như những thành viên trong gia đình. Vì thế, hành động giết hại thú vật một cách dã man, dù để làm thực phẩm, sẽ bị lên án. Động cơ để MLA và các cơ quan có thẩm quyền Australia ban hành lệnh cấm xuất khẩu gia súc , gia cầm trên cũng là do vấp phải sự phản đối quá mạnh mẽ từ phía dư luận cộng đồng người dân Australia,  chính bởi vậy, nhà chức trách không còn cách gì hơn là ban hành những luật cấm, để xoa dịu cộng đồng, cũng như là bảo đảm  rằng họ vẫn là người đại diện cho dân chúng.


Trong triết lý kinh doanh hiện đại, việc xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp trong cộng đồng là một điều hết sức quan trọng, nó giúp doanh nghiệp tăng khả năng kiếm được các cơ hội phát triển và đầu tư mới, tăng sự trung thành của người tiêu dùng và dễ dàng hơn trong công việc tuyển dụng nhân viên. Cũng bởi vì thế, các tập đoàn đa quốc gia luôn làm mọi cách để giữ hình ảnh tốt đẹp của họ trong cộng đồng địa phương. Như MacDonald, tập đoàn về thức ăn nhanh toàn cầu của Mỹ, với hơn 32,000 cửa hàng trên khắp các châu lục, họ luôn bố trí cho các nhân viên của mình thu nhặt rác xung quanh khu vực chuỗi nhà hàng của họ, thường là các túi đựng thức ăn nhanh của khách vứt trên đường phố. Thử hỏi một khi bạn thấy một quán ăn trong xóm luôn đổ các nước dơ và rác thải ra khu phố của bạn, bạn có thích sự tiếp tục tồn tại của nó trong khu phố không. Vấn đề ở đây cũng vậy, McDonald không muốn người dân các nước quan niệm rằng sự hiện diện của họ, đồng nghĩa với sự ô nhiễm môi trường sống của họ, và việc mua các sản phẩm McDonald là cách gián tiếp làm vây bẩn môi trường, gây tổn hại đến họ. Vedan Việt Nam là một ví dụ đối lập với cách thức ứng xử trên.


Quay lại Việt Nam, việc chúng ta gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO), đã mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước. Đã bắt đầu có những làn sóng "đem chuông đi đánh xứ người" như Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào, Viettel mở tầm hoạt động tại các nước trên thế giới từ châu Phi, châu Âu đến châu Mỹ. Tuy nhiên, khi ra sân chơi quốc tế, cần tôn trọng những luật chơi riêng của mỗi nước và điều quan trọng là tôn trọng cộng đồng địa phương.Các doanh nghiệp không được quên, muốn tồn tại và phát triển vững vàng trong một thị trường, cần phải xây dựng hình ảnh chiến lược của mình trong cộng đồng. Nếu họ xem nhẹ cộng đồng,thì thất bại là điều không tránh khỏi.


VuA Nguyen,


Trích từ blog cá nhân




4678 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
được loan tin bởi Snowflake , WaitingForAizu5 người nữa
Sotaydulich_com
123nono
14 năm trước· Trả lời
WaitingForAizu
123nono
14 năm trước· Trả lời
Website liên kết