Avatar's KNTT

Ghi chép của KNTT

Khi mạng xã hội mang lại tác động tiêu cực

Khi mạng xã hội mang lại tác động tiêu cực

09/06/2011 bởi

Mạng xã hội đã không còn quá xa lạ đối với cộng đồng sử dụng Internet tại Việt Nam. Phần lớn người sử dụng blog như là một công cụ viết nhật kí cá nhân, có người lại dùng để chế tạo website kiếm tiền. Bên cạnh đó vẫn có một số blog mang lại những tác động tiêu cực, không chỉ cho người đọc mà còn cho cộng đồng mạng nói riêng và hệ tư tưởng giới trẻ Việt nói chung.

1. Bức tranh muôn màu của mạng xã hội

alt

Ngày 13 tháng 7 năm 2009, khi blog 360 của Yahoo đóng cửa, có một hiệu ứng “Tôi yêu 360 độ” lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Bởi suốt nhiều năm, giới trẻ Việt đã gắn bó và thân thiết với loại hình blog này. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Facebook đã thế chỗ 360 một cách “hoàn hảo”, trở thành người bạn “đồng hành” của rất nhiều người sử dụng Internet.

Multiply và WordPress là những sự lựa chọn kế tiếp. Tuy nhiên, vì tính kết nối cộng đồng không cao, cũng như sự phức tạp ở khâu chỉnh sửa giao diện, hai trang mạng này chỉ chiếm một số “đất” ít ỏi ở Việt Nam. Kể từ đây, các loại hình mạng xã hội đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu, phản chiếu thế giới sinh động của cuộc sống Việt, con người Việt qua góc nhìn của những người Việt trẻ.

2. Những trang blog nhuốm màu “chính trị” và “sexy”

alt

Lượn một vòng Top Post trong ngày của WordPress Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy những blog nổi bật, có lượng truy cập cao vẫn là những blog về chính trị và sexy!


alt

altaltalt

Trên thực tế, số lượng blog “đen” ở Việt Nam không nhiều, nhưng tác động của nó tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ lại rất lớn. Những vấn đề chính trị, xã hội được khai thác theo chiều hướng tiêu cực, điển hình như những blog viết về vấn đề chính trị, những blog đăng ảnh khiêu dâm, nội dung đồi trụy… đang là những chủ đề hot nhất trên WordPress. Những trang blog này, ngoài mục đích là dùng những đề tài nhạy cảm để “câu views” và thu về lợi nhuận quảng cáo, còn có những mục đích khác nguy hiểm hơn. Có thể dễ dàng nhận thấy mục đích chống phá Đảng và Nhà nước của nhiều blogger (thường có vỏ bọc là luật sư nhưng thực chất là những người mang tư tưởng phản động) hiện nay là rất công khai và rõ ràng. Vấn đề đặt ra ở đây chính là sự quản lí. Các nhà cung cấp dịch vụ không thể quản lí hết những nội dung mà mỗi ngày hàng trăm nghìn blogger đăng tải lên mạng. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ là của nước ngoài, rất khó để chính quyền Việt Nam có thể quản lí. Hơn nữa, không có một chính sách nào nghiêm cấm công dân có quyền tự do ngôn luận trên mạng. Những thành phần phản động thường dựa vào đó để đưa lên blog những thông tin bóp méo sự thật, thậm chí là có cái vỏ ngoài “dân chủ” và “yêu nước” nhưng thực chất đang ngấm ngầm kích động thế hệ trẻ Việt Nam có tư tưởng đi ngược lại sự giáo dục, nuôi dưỡng và rèn luyện ở gia đình, trường học.

3. Facebook – “virus” thông tin

Sở dĩ tôi gọi Facebook là con virus thông tin, là bởi vì hiện nay theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Cimigo chỉ ra rằng, năm 2010, 70% số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là thành viên của Facebook, tăng mạnh so với năm 2009 chỉ có khoảng 47%. Với khoảng 3,1 triệu khách truy cập, khối lượng thông tin trên Facebook mỗi ngày là một con số khổng lồ. Do đó, tốc độ lan truyền thông tin cũng rất nhanh chóng.

Những ngày vừa qua, tình hình biển Đông đã làm dậy lên một làn sóng đòi chủ quyền Trường Sa – Hoàng Sa mạnh mẽ trên Facebook. Tuy nhiên, rất nhiều người đã lợi dụng vấn đề này để kích động những tư tưởng xấu, đăng tải những thông tin sai lệch.

alt

Những trang Facebook chỉ với mục đích “just for fun” thì không có gì để bàn cãi. Những trang anti cá nhân như anti ca sĩ, hot girl… cũng có những tác động nhất định, tuy nhiên không nhiều và không nghiêm trọng. Một số phần tử xấu còn lập nên những trang Facebook mang tên những nhà lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam như chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là một sự xúc phạm cá nhân có chủ đích, với mục đích rõ ràng đó là bôi xấu hình ảnh của đội ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cộng đồng sử dụng Facebook cần có một cái nhìn tỉnh táo, tránh trường hợp dễ dàng tin tưởng, bị lôi kéo, gây nên những hành vi trái với pháp luật.

Có thể nói rằng, trong một thế giới biến động và nhiều phức tạp như hiện nay, việc quản lí thông tin trên các trang mạng xã hội cũng như website là việc rất quan trọng. Bởi “báo chí công dân” là một loại hình có sức tác động, có sự tương tác cao. Nếu không có những quy chế nhất định sẽ tạo ra những ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của người sử dụng Internet, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Khái niệm “tự do báo chí” cũng là một khái niệm cần phải hoàn thiện, bổ sung; tuy nhiên theo cá nhân tôi, tự do phải theo khuôn khổ, để tránh tình trạng hỗn loạn.

Dĩ nhiên không thể cái gì không quản lí được là cấm tiệt. Nên chăng điều quan trọng nhất mà chúng ta cần làm, là nâng cao hiểu biết và nhận thức, để có một tầm nhìn vững vàng trước mọi thông tin “rác” trên thế giới Internet. Để kết bài, xin trích dẫn câu nói của nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, blogger Blog Quốc Xưa & nay cho rằng: “Blog là một thế giới “ảo” nhưng nó cũng là sự phản ảnh của thế giới thực. Blog trước hết là thế giới của tư tưởng, còn thì blogger nào cũng là con người của xã hội thực thì nó sẽ bị điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật của thế giới thực căn cứ vào hành vi đối với xã hội”.

Hoàng Bích Hà
4675 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
Website liên kết