Avatar's muadong_amap

Ghi chép của muadong_amap

Làm phim độc lập: Tay không bắt giặc ?

Làm phim độc lập: Tay không bắt giặc ?

( Trích http://regedu.net)

Làm phim độc lập gần như giống với tay không bắt giặc. Từ xuất phát điểm là số không để có được thành công và quan trọng hơn hết là để phim của mình được công nhận.
Cùng với những đam mê của những nhà làm phim trẻ, việc làm phim “độc lập” không tránh khỏi những vấp váp khi phải đối diện với hàng trăm, hàng nghìn khó khăn khi cho ra đời đứa một tác phẩm điện ảnh. Dù hay dù dở, trước hết đây cũng là những nỗ lực không mệt mỏi của những người đã yêu, đã đam mê và muốn thử sức với môn nghệ thuật thứ 7 này.
Phim độc lập là gì?
Khái niệm phim “độc lập” ra đời ở Mỹ, chỉ những bộ phim được làm bởi các hãng phim nhỏ, những nhà làm phim cá nhân bên ngoài đế chế Hollywood.. Họ là những người làm điện ảnh trẻ, làm phim với kinh phí thấp, không quan tâm đến mục đích thương mại, mà chú ý đến những tìm tòi nghệ thuật, quan tâm những vấn đề xã hội chứ không phải là giải trí, hành động như các phim của Holywood. Dòng phim này bắt đầu manh nha từ đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Cho tới nay, dòng phim này đã trở thành đối trọng với những bộ phim có kinh phí lớn do Hollywood sản xuất. Nhiều bộ phim “độc lập” đã đoạt những giải thưởng danh giá tại các Liên hoan phim quốc tế uy tín như Slumdog millionaire, The hurt locker…

Một hình ảnh trong phim “ Nhọc nhằn than” của đạo diễn trẻ Lê Mỹ Cường. Ảnh: YxineFF
Tại Việt Nam, mặc dù khán giả đã nghe nói và tiếp cận với phim độc lập nhiều hơn nhưng khái niệm phim độc lập thực sự vẫn chưa được phổ biến rộng rãi và chưa được hiểu cặn kẽ. Các đạo diễn phim Việt Nam thay vì đầu quân cho những hãng phim sẽ tìm cho mình một con đường riêng, tự làm phim, tự tìm tài trợ, tự phát hành…để khẳng định mình.
Làn gió mới của phim độc lập đến Việt Nam có lẽ bắt đầu từ các đạo diễn Việt kiều. Thập niên 1990, đạo diễn trẻ Trần Anh Hùng từ Pháp về Việt Nam làm 3 bộ phim độc lập điển hình và đưa anh trở thành một tên tuổi nổi tiếng ở Châu Âu. Phim của Trần Anh Hùng giành giải ở LHP Cannes, Venice, thậm chí được để cử Oscar cho phim nước ngoài hay nhất (“Mùi đủ đủ xanh”, 1995). Sau Trần Anh Hùng là Tony Bùi, đạo diễn Mỹ gốc Việt với bộ phim “Ba mùa”, bộ phim có kinh phí dưới 500.000 USD giành đến 3 giải thưởng cao nhất tại LHP Sundance năm 1999. Gần đây nhất là Nguyễn Vũ Nghiêm Minh với “Mùa len trâu”, Stephane Gauger với “Cò và chim se sẻ” là những điển hình cho dòng phim độc lập của các đạo diễn Việt kiều. Chính những cú hích từ các đồng nghiệp này khiến các đạo diễn trẻ trong nước từ bỏ lối làm phim “chờ thời” để tự tìm kiếm cơ hội và khẳng định mình.
Tay không bắt giặc
Khi quyết định làm phim độc lập, các đạo diễn đã phải xác định cho mình trước mắt là rất nhiều khó khăn, trăm mối lo toan. Nào lo về kinh phí, nào lo tìm tài trợ, rồi chiếu phim ở đâu, quảng bá thế nào, khán giả có hưởng ứng không….Làm phim độc lập gần như giống với tay không bắt giặc. Từ xuất phát điểm là số không để có được thành công và quan trọng hơn hết là để phim của mình được công nhận, những nỗ lực của mình được công nhận.
Kinh phí vẫn luôn là vấn đề đầu tiên đối với những người làm phim độc lập. Các đạo diễn “độc lập” đều phải vất vả xoay sở tìm kinh phí để thực hiện tác phẩm của mình. Ở Việt Nam, những nhà làm phim “độc lập” đều còn rất trẻ. Họ, hầu hết đều chưa có tiếng tăm nên rất khó để thuyết phục các nhà tài trợ. Hơn nữa, với tính chất của phim độc lập, nhà tài trợ không được phép can thiệp vào phần nội dung (dù ít hay nhiều), và đặc biệt “dị ứng” quảng cáo. Vì thế, việc tìm người chịu tài trợ cho các dự án phim độc lập càng trở nên khó khăn hơn.
Vì phải làm với kinh phí ít ỏi nên diễn viên thường là nghiệp dư, thậm chí là bạn bè có khả năng diễn xuất. Khả năng thành công và được nhớ đến cũng giảm đi ít nhiều. Hơn nữa, cũng vì ít vốn nên đa số các phim “độc lập” của các đạo diễn trẻ Việt Nam đều là phim ngắn. Ngoài ra, khi làm phim độc lập sẽ không có nhà sản xuất để hỗ trợ đạo diễn trong những việc ngoài chuyên môn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới công việc chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn..
Việc phổ biến, quảng bá một bộ phim “độc lập” là một vấn đề nan giải không kém. Muốn tác phẩm được nhiều người biết đến, nhà làm phim phải quảng bá, tiếp thị. Nhưng họ lại không có tiền nên đành phải chia sẻ “đứa con tinh thần” qua mạng. Việc chiếu phim ở rạp cũng không đơn giản vì nước ta chưa có rạp nào dành suất chiếu cho phim ngắn. Do vậy, phim sau khi hoàn thiện thường chỉ dành chiếu cho bạn bè xem là chính.
Loay hoay tìm đầu ra
Quá trình thực hiện một bộ phim độc lập đã gặp nhiều khó khăn. Nhưng để phim có được đầu ra, được trình chiếu đến đông đảo công chúng lại là một chặng đường còn khó khăn gấp bội. Đạo diễn Đỗ Quang Hải cho biết: “ Chúng ta vẫn chưa có một thị trường phim và một hệ thống giải trí đủ mạnh để có thể khai thác các yêu tố của những NLPĐL. Nên để thực hiện được một bộ phim theo quan niệm này ở ta, rõ ràng là khó hơn so với các nước khác. Họ có hẳn một hệ thống những nhà phát hành (mặc dự khiêm tốn) cùng với những LHP dành riêng cho những phim độc lập. Ta thì không!”
Tuy nhiên, gần đây cũng có một tín hiệu vui cho những nhà làm phim độc lập là sự ra đời của đến một liên hoan phim ngắn trực tuyến mang tên Yxine Film Festival (YxineFF). Là một tiệc phim ngắn trực tuyến diễn ra tại địa chỉ www.yxineff.com, YxineFF sẽ giới thiệu điện ảnh trẻ độc lập với khán giả Việt ngữ toàn cầu. Vào 21 giờ thứ bảy hàng tuần, YxineFF trình chiếu một bộ phim mới thuộc một trong 3 chuyên mục: Tranh giải, Toàn cảnh hay In Focus.
Không dừng ở khuôn khổ một cuộc thi với giải thưởng, ban tổ chức tiệc phim này còn có kế hoạch phổ biến các tác phẩm dự thi xuất sắc tới khán giả bằng việc phát hành DVD. Họ cũng mong muốn làm cầu nối giữa các nhà làm phim với nhau, giữa nhà làm phim với nhà đầu tư hay tạo điều kiện cho các đạo diễn trẻ tham dự các Liên hoan phim ngắn quốc tế.
Hy vọng đây sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho những nhà làm phim độc lập tại Việt Nam, không chỉ để sự sáng tạo của họ được biết đến mà còn góp phầ phát triển tiếng nói của điện ảnh độc lập Việt Nam trên thế giới.
Nguyễn Nguyễn

4573 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
Website liên kết