Avatar's anhsangtim

Ghi chép của anhsangtim

Lạc lối ở thiên đường

Lạc lối ở thiên đường

http://cinema.hotspots-vietnam.com/wp-content/uploads/2011/09/15_46_1315274498_98_vnm_2011_378725.jpg

Định ko viết. Rồi lại viết.

Cuối cùng Hot boy nổi loạn cũng ra lò. Lúc nãy coi lại lần 2 với con mèo, nghe nó phán “đây là phim manly nhất của Lương Mạnh Hải mà em từng thấy”. Nghe cũng đúng, thực ra là quá đúng, vì LMH trong phim này không còn xoen xoét như bà hàng cá ngoài chợ cãi nhau với các nhân vật khác nữa. Ban đầu xem Bỗng dưng muốn khóc rất là dị ứng với cái kiểu này, mình tưởng chỉ có phim truyền hình, phải giao đãi nhiều bác Đãng mới làm thế, ai dè vẫn bê nguyên cục “xoen xoét” đó lên phim điện ảnh Đẹp từng centimet mới ghê. Pó tay. Phim của Đãng đúng là gu phim của tui, nhưng quả thực lúc đó tui cũng không bênh nổi.

Hot boy nổi loạn là một bước tiến lớn. Thứ nhất là của nền điện ảnh Việt Nam, vì đây mới thực sự là một bộ phim gay themed đúng nghĩa, bê nguyên cả đời sống thực của những người đồng tính trên màn ảnh. Không xuyên tạc, không làm quá, không mua vui, không cả sự dằn vặt và đấu tranh nội tâm giới tính. Ở đó, là một thế giới mà chúng ta đã biết chấp nhận mình, không có những thằng gay cố tình đi… ngủ với gái để tìm lại... cảm giác thẳng, không muốn cưới vợ, không che giấu, không cưỡng bức số phận để trở thành một ai khác. Đơn giản chỉ là chính mình.

Thứ hai là của Lương Mạnh Hải, và của cả Vũ Ngọc Đãng nữa. Kể từ cái thời Lương Mạnh Hải mặc áo voan là lụa liếc mắt đưa tình trong Hồn Trương Ba, Da hàng thịt đến nay đã 5 năm, và Vũ Ngọc Đãng sắp đặt vai gay đầu tiên vào bộ phim của mình trong Những cô gái chân dài đến nay đã 7 năm. Từ cái hình ảnh đầy xuyên tạc của LMH thời đó, giờ đã lột xác thành một LMH nam tính, nhiều cảm xúc, già đời và đầy đặn về mặt diễn cảm, rất người và rất bi kịch, không còn là thứ hổ lốn châm biếm xã hội đầy kỳ thị nữa. Và từ cái hình ảnh Trương Thanh Long đứng chiên (xào???) đồ ăn, vừa nấu vừa nói: Ăn thì ăn không ăn thì thôi (tui ko nhớ rõ câu thoại này, chỉ nhớ nó được dịch sang tiếng Anh là “take it or leave it”), bây giờ đã phát triển thành một bộ phim đồng tính chỉn chu về mọi mặt. Đó là một bước tiến dài, một cú shock rất lớn với nền văn hóa vốn dĩ còn nhiều đối lập, mâu thuẫn và bi kịch như Việt Nam.

http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/bgvanhoa/20111017/Vh-1710-boy-in1.jpg

Phim của Đãng lúc nào cũng lộ rõ khuyết điểm rất lớn, một là thoại nhiều. Dĩ nhiên, ai coi phim này cũng biết VND đã cố gắng tiết chế lời thoại, cái này được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông nhiều đến nỗi tui nghĩ đó là một chiêu pr (???). Cái điệp khúc rằng thì là mà VND đã không cho thằng Cười nói một câu nào trong phim này, tui đã đọc và nghe muốn mòn cả hai lỗ nhĩ trước khi coi phim. Âu cũng là một sự… bực bội, nhưng rất vui vì đúng như dự đoán, không còn phải nghe cãi nhau nữa thiệt là đỡ mệt người. Hai là lúc nào cũng tô hồng cuộc đời. Về tổng thể thì ngay cả vấn đề thứ hai VND cũng giải quyết rốt ráo được, phim của anh lần này có một kết thúc thực sự buồn, rất buồn, nó đọng lại như một thứ hệ quả tàn bạo của những cuộc tình không hồi kết, những quan niệm độc đoán, những bi kịch xã hội éo le đến mức đẩy con người vào đường cùng. Thế nhưng, việc bám sát vào đời sống và giống y như đời thực, ở những chi tiết khó, phim này vẫn chưa làm được.

Nhất là vấn đề mại dâm nam. Đây là một vấn đề cực kỳ khó tiếp xúc. Dĩ nhiên, hiếm ai có thể dám vỗ ngực bảo rằng “tôi đã từng mua dâm”, hoặc “tao đã từng bán dâm”, để cho rằng mình hiểu biết về thế giới tính dục thương mại đầy màu sắc đó hơn êkíp làm phim, nhưng ngay cả một người bình thường nhất cũng cảm thấy được sự phi lý đến khó chịu ở cái cách mà bộ phim xây dựng về thế giới mại dâm nam. Mại dâm nam không dễ, không hề dễ kiếm tiền như cái cách mà chúng ta nhìn thấy trong phim này. Dĩ nhiên, không cần phải đi quá sâu vào đề tài này theo kiểu bới lá tìm sâu, và vẫn biết điện ảnh phải có đôi chút “làm quá” để cao trào kịch bản được đẩy lên một cách rốt ráo, nhưng giá mà bộ phim bám sát với đời thực hơn một chút nữa, chỉ một chút nữa thôi, thì sẽ tròn vẹn hơn nhiều.

http://akiquang.files.wordpress.com/2011/07/hot-boy-498.jpg?w

Nhắc về đời thực, VND không phải là một người dở tệ trong việc bám sát đời sống. Anh rất hay ho và tài ba thì khác. Chỉ một chi tiết rất nhỏ như mẹ của Long kêu em của Long lại lúc gặp nhau trong con hẻm về nhà, đưa chiếc nón lá rồi đi vào trong để gặp Lam, càm ràm về việc công ty Long đáng lẽ phải chịu trách nhiệm dùm cậu bé. Cảnh này là một trong hai cảnh suýt chút nữa khiến tui bật khóc, nó thực một cách kinh khủng, nó như là cái kiểu chúng ta cắt từng lát mỏng của cuộc đời và bày trí lên chiếc đĩa điện ảnh, rồi người dùng có thể vừa ăn vừa khóc vì thứ gia vị cay xé lòng của tự nhiên, chứ không phải là thứ hóa chất tệ hại nào khác.

Phim của VND còn có một điều khá đặc biệt là các tuyến nhân vật phụ, hoặc đều rất hay ho, hoặc đều diễn rất đạt. Tui thích cái cách VND chọn những diễn viên cho các nhân vật như Long, tú bà, chủ vựa ve chai, chủ tiệm sách, thằng ma cô, con nhỏ bán hột vịt lộn, bà bán vịt con. Dù thoại ít hay nhiều, dù diễn xuất 3 giây hay vài ba phút, họ đều hết diễn rất hết mình và rất chỉn chu, rất đạt, thoại rất đời thường và chạm đến tận cùng cảm xúc, khiến cho người nghe vừa buồn cười, vừa thấy đau lòng… By the way, tui khoái cô Thiên Kim ghê, phim nào của bác Đãng cũng có cô này, khoái cái giọng the thé của cô lắm, hehe…

Người yêu cái đẹp và lúc nào cũng yêu đời như tui, khi coi tới cái kết của phim này thì thấy… hẫng lắm. Vì nó buồn quá. Cái cảnh thứ hai làm tui suýt khóc trong phim này, là lúc Hồ Vĩnh Khoa miệng cười mỉm, bảo rằng “một công việc thật tuyệt vời”, và “Nhưng tuyệt nhất là họ cần đến hai người phụ bán sách”. Anh chàng nói dứt câu này thì nhạc vang lên, và lúc đó, tất cả mọi sự trong trẻo, tinh khôi, hồn nhiên của nhân vật Khôi đã bột phát ra, như một thứ hào quang chiếu sáng cái căn phòng ảm đạm và lạnh lẽo đó, là cái thứ trong trẻo mà bạn mãi mãi không bao giờ kiếm được ở đâu khác, ngoài một tâm hồn trinh nguyên chưa bị vẩn đục của Khôi. Nhưng rất tiếc, dĩ nhiên là bộ phim này không có màu hồng, nên chúng ta không thể nhìn thấy một đám cưới giữa hai chàng trai manly rạng ngời sánh vai lên đài thánh lễ. Dĩ nhiên là không….

Đài từ của Hồ Vĩnh Khoa không tốt. Bạn này nói vài câu ngắn ngắn thì nhiều cảm xúc hơn, khóc cũng rất là mùi mẫn, nhưng lúc phải nói những câu quá dài thì dễ bị vấp, và lộ ra khuyết điểm phát âm không đúng chuẩn. Đó là chưa kể, bạn này còn “bị ép” phải nói một số câu hơi triết lý và một chút “lên gân” ở đoạn cao trào của phim. Tui nghe… hơi mệt, vì đoạn này chỉ một chút xíu nữa là sa đà vào việc phô trương lý lẽ và dùng ngôn ngữ để dẫn dụ người xem, mất đi cái giá trị truyền đạt ý niệm bằng hình ảnh. Nhưng may là chàng ta cũng chỉ nói có mấy câu rồi thôi. Không nói nhiều. Rất tốt, dứt khoát ghê, hehe.

Lương Mạnh Hải thì tui thích. Thích lâu rồi, mặc dù hầu hết bạn bè và những người tui quen hiếm ai thích bạn này, thậm chí còn anti nhiều là khác. Mỗi người chê một kiểu, nhưng tui thấy LMH là một diễn viên có tài và rất chịu khó trải nghiệm, thử mình. Trong phim này, vai của LMH là một vai diễn lửng lơ, khó đoán định nhất. Bạn Lam này vừa uke vừa seme, vừa top vừa bottom, vừa ác vừa thiện, không biết là nên đáng thương hay đáng tội. LMH hơi bị… già đời, vào vai rất ngọt, nhưng ở những đoạn đóng với Linh Sơn, tui vẫn thấy bạn này lấn át Linh Sơn thấy rõ, chứ không có vẻ gì là uke của Linh Sơn (vai Đông) cả.

Sẵn nói về Linh Sơn, bạn này diễn vai đểu rất đạt, nhưng có đôi chỗ thấy còn hơi trẻ con, nhí nhảnh nữa, và chưa toát ra đủ cái thứ gọi là “quyền lực” để trấn áp sự già đời của LMH. Thêm cái nữa là bạn Linh Sơn diễn mặt đểu nhìn rất hay, nhưng diễn mặt đau đớn nhìn rất buồn cười, hehe, hơi tếu tếu. Một điểm rất đáng tiếc cho vai này là nhân vật biến mất không tung tích. Có vẻ hơi nhanh.

http://danong.com/Data/News/2011/10/15/hot-boy-noi-loan-8to.jpg

Hot boy nổi loạn về cơ bản là một bộ phim hay, rất hay, mặc dù ở khúc gần cuối kịch bản gần như bị… vỡ ra, không còn chặt chẽ và quấn quyện vào nhau như trước nữa. Các chi tiết bị rời rạc và lộn xộn khiến người xem khó hình dung lại tổng thể câu chuyện. Có vẻ như mạch phim đang bị đẩy quá gấp, bác Đãng muốn dồn cho cái bi kịch trở nên thật mạnh mẽ và táo bạo, nên bộ phim đã bớt đi phần nào sự tinh tế và logic. Hơi tiếc, thật sự là rất tiếc vì bộ phim đã đi gần đến sự trọn vẹn, rồi lại dừng chân như một cái tát vào mặt khán giả. Cuộc tình buồn của hai chàng trai đẹp rồi rốt cuộc cũng chẳng đi đâu, về đâu hết. À, hóa ra chúng ta không phải đang được xem một thiên cổ tích, mà đơn giản đó là một tấn bi kịch và một chuỗi những trò hề đau đớn...

Bộ phim này còn gợi lại cho tui một ký ức đẹp rất đẹp, vừa đẹp vừa vui vừa buồn cười, là những ngày tháng rong ruổi cùng đám bạn ở đất Sài Thành này, lúc chưa đủ lông đủ cánh, chưa đủ già đời để nhìn cuộc sống bằng con mắt bình thản như bây giờ, nhưng cũng đã không còn đủ tinh khôi để tưởng tượng ra mọi thứ màu hồng. Đó là một khoảng thời gian chết lặng và câm nín, một khoảng thời gian tưởng như mình đã chết, đã thôi sống có ích và lúc nào cũng bám víu vào những chuyến bay đêm để tìm lại cuộc đời.

Cái quang cảnh con đường trai gọi ở trong phim gợi lên trong tui nhiều thứ, nhiều hình ảnh, là cái không khí ảm đạm của đoạn đường Hồng Hà gần sân bay, Nguyễn Bỉnh Khiêm gần sở thú, và Nguyễn Kim lúc chưa có Parkson Hùng Vương dựng lên hùng vĩ như bây giờ. Đoạn cuối phim này, thấy có để một câu “khu vực này đã bị giải tỏa và trở thành một khu trung tâm thương mại”, chắc là để... tưởng nhớ con đường Nguyễn Kim một thời huy hoàng và đầy sắc dục. Hồi đó nhóm tụi tui đã có một trận... ẩu đả vô cùng buồn cười với các bạn trai gọi + giang hồ khu này, đó là một thứ trải nghiệm mà có lẽ mãi mãi sau này sẽ chẳng bao giờ có thể tìm lại được...

Tui không bàn nhiều về tuyến phim thứ hai, tức chàng khờ, cô gái điếm và con vịt. Tui thích diễn xuất của Phương Thanh, xuất sắc và rất đời. Tui thích diễn xuất của Hiếu Hiền, không hổ danh là con của danh hài Kim Ngọc, người tui rất ngưỡng mộ. Nội dung của tuyến này không có gì đặc sắc, nhưng ấm áp và nhiều nghĩa tình. Cái dồn nén ở cuối phim là cái dồn nén vừa mạnh bạo vừa âm ỉ, vừa đau đớn vừa lạnh lùng, nó sắc nhọn và gai góc trong từng câu thoại của Phương Thanh, về cuộc đời, về bầy vịt, về câu tự thú về cái tên thật lúc cuối cùng, nghe như tim mình vỡ ra thành từng mảnh nhỏ.

Nhưng nhìn lại, đừng từ đằng xa để nhìn lại tổng thể về phim, thì thành công lớn nhất của Hot boy nổi loạn và xóa nhòa được biên độ về giới tính, nó đẩy cái bi kịch lên đến mức mà ở đó, người xem đã không cần quan tâm hai nhân vật trong màn ảnh là nam hay nữ. Họ bị cuốn sâu vào chuyện tình, khóc thương và lo lắng cho số phận của hai nhân vật chính. tui đã nghĩ, và tưởng tượng rằng, đến một lúc nhập tâm nào đó, chỉ cần một vài khoảnh khắc cảm động và đồng cảm thế thôi, lúc Khôi và Lam đối thoại trong căn phòng của họ, là đủ để một số người vốn đã từng kìm giữ định kiến, biết xả lòng ra để cái mới của tư tưởng tràn vào tim mình. Dù chỉ một chút thôi, thì cũng đủ để coi là một tia sáng mới.

http://tapchithoitrangtre.com.vn/wp-content/uploads/2011/10/Ho-Vinh-Khoa-2.jpg

P/S: Dĩ nhiên, đi coi phim này kị nhất là ngồi gần teen girl với mấy chú trai thẳng từ thanh niên đến trung niên. Họ cũng có nhiều loại, nhưng đa phần là hay bình luận vô duyên, cười hô hố phản cảm và rất đỗi thiếu tinh tế, nói chuyện thô bỉ, cục súc. cách tốt nhất để khỏi cảm thấy bị làm phiền là lờ họ đi. Đời có người này người khác mà, rồi cũng có lúc người ta cũng sẽ phải trả giá vì sự thô lậu của mình.

4539 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
Website liên kết