Avatar's TKM

Ghi chép của TKM

Phấn trắng - Nhân ngày nhà giáo Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Quang Vinh

Khi được sinh ra làm người, có một danh xưng đầu tiên mà không có nó, có lẽ con người sẽ trĩu nặng một bi kịch suốt đời mình: học trò. 

Từ bậc Thánh hiền, đến Vua chúa, đến Tổng thống, đến đủ loại quan chức, và cuối cùng là người dân thường, tất cả, không trừ một ai, bắt đầu quãng đời đầu tiên: Học trò. 

Không có danh xưng ấy, con người đồng hành với sự ngu dốt. 

Chỉ cần nói thế, mới hiểu cái nghề làm thầy, làm cô mới quý giá làm sao, cao cả làm sao, đáng trân trọng làm sao. 

Một cái nghề cao quý đến mức, nếu xảy ra cái việc gì bé xíu thôi, là có thể làm cả xã hội nóng rực lên. Đôi khi vì nóng giận, cái thước của cô giáo phát mạnh vào bàn tay học trò, nếu nhỡ báo chí đưa lên, xã hội ồn ào nóng rực còn hơn cả một vụ án mạng. Đôi khi chỉ một hành động trái đạo đức của một em học sinh tại trường, hàng chục, hàng trăm câu hỏi ồn ào tung lên về đủ thứ quy kết, đủ thứ suy diễn, đủ thứ lo lắng. 

Một cái nghề cao quý tới mức, vào ngày Hiến chương Nhà giáo (20/11), mình chắc rằng, hỏi 1 triệu người đó là ngày gì, xui xẻo lắm thì chỉ có 1 người không biết ( mà người không biết ấy chắc cũng bị vấn đề về thần kinh). Hãy thử hỏi trong 100 người, ngày 22/12 là ngày gì? Ngày 3/2 là ngày gì? Ngày 19/5 là ngày gì? Ngày 30/4 là ngày gì? Mình tin, may lắm chỉ có từ 30 đến 60 phần trăm người biết, mà đôi khi còn biết ú ớ, còn biết lẫn lộn. 

Một cái nghề cao quý tới mức, ngày khai giảng, ngày Hiến chương, ngày thi cử, nhất nhất cả xã hội quan tâm, nhất nhất cả xã hội chờ đợi, nhất nhất cả xã hội lo lắng. Nếu có thể so sánh, may ra chỉ có thể so sánh được với ngày đất nước bị xâm lăng, lòng người tụ lại một khối mà thôi. 
Một cái nghề cao quý tới mức, khi bé thơ đi học đã gọi người ấy là cô giáo, là thầy giáo, thì tiếng gọi trân trọng và thân thương ấy đi suốt cuộc đời. Dù mình có lên Tổng thống, thì cô giáo làng dạy mình từ ngày xửa ngày xưa, nếu gặp lại, vẫn một tiếng chào cô, một tiếng chào thầy, danh xưng cả đời không đổi. Tổng Bí thư về hưu, mình có thể gọi là cụ, xếp của mình khi không đương chức nữa, mình có thể gọi là bác, là anh, vỗ vai, bá cổ. Nhưng với thầy cô, thì mình có làm tới Vua, gặp lại, chẳng ai dám quàng vai, bá cổ bao giờ, khoảng cách thầy trò là một khoảng cách sang trọng nhất, đẹp đẽ nhất, quý giá nhất mà không một ngành nghề nào có được. 

Thế giới mấy trăm năm qua phát triển vũ bão. 
Khoa học công nghệ tiến những bước dài hơn cả những gì trong tiểu thuyết viễn tưởng của nhà văn tưởng tượng ra. 

Thế mà kỳ lạ và cảm động xiết bao, có một thứ, không thay đổi, và không một nhà sáng chế nào muốn thay đổi: phấn trắng trên bảng đen. 
Mình nhớ thời mình còn bé, đất nước trong chiến tranh, đến viên phấn cũng thiếu, bọn mình phải đào đất sét, nung lên, viết kỳ cạch vào bảng mà vẫn học giỏi. 

Mình lại nhớ, ngày xưa ấy, chỉ có phấn trắng, để vẽ hoa, kết cành trên bảng tặng cô giáo nhân ngày 20/11, bọn mình nhuộm phấn với những màu nước xanh, vàng, đỏ, để có phấn màu. 

Mình nhớ, quà cho cô giáo ngày 20/11 hồi đó là một hộp phấn trắng. 
Mình nhớ, viên phấn thầy cô viết lên bảng ngày đó tiết kiệm tới mức, mẫu phấn mòn dần, mòn dần, chỉ còn một hạt phấn cuối cùng đủ đặt một dấu chấm trên bảng đen. 

Mình nhớ, mỗi khi đến phiên trực nhật, như các bạn thôi, mình tìm một cây chuối nhỏ như cổ tay, chặt ra, một đầu to thì dùng dao băm nhỏ, sau đó cà cái phần gốc chuối đã băm nhỏ ấy vào bát than đã được giã mịn, thế là cái đầu thân chuối đen nhánh, chùi lên bảng đen nhánh, chữ phấn trắng của thầy cô hiện rõ mồn một, còn tay chân mặt mũi mình trong cái buổi trực ấy thì lem luốc như con ma trơi. 

Viên phấn trắng như là một biểu tượng của đời học trò. 
Viên phấn trong tay thầy cô như phép lạ, chính là chìa khóa dẫn mình vào cả thế giới kiến thức. 

Mỗi cuộc đời của thầy giáo, cô giáo dùng hết bao nhiêu viên phấn nhỉ? Có ai tính đếm được không? Và ngần ấy viên phấn đã dùng để truyền thụ kiến thức cho bao nhiêu học sinh trong suốt cuộc đời nhà giáo của mình nhỉ? Mỗi viên phấn mòn dưới tay thầy cô, những hạt phấn rơi xuống như sức lực, mồ hôi, tuổi tác thầy cô rơi xuống để ươm mầm cho bao thế hệ học trò. 

Vào tuổi này, coi như cũng đã già, mà mỗi lần ghé vào một siêu thị bán sách vở, đồ dùng học sinh, không bao giờ mình quên tới chỗ bán phấn, bán bảng, cứ đứng ở đấy, ngắm nghía, lại nhớ cái thời đi học phải tự làm phấn bằng đất sét, bỗng dưng sống mũi lại cay cay. 

Viên phấn trắng, giá trị vật chất có thể xếp vào hạng rẻ nhất trong thế giới vật chất đang được sử dụng, nhưng có lẽ, ngay cả vệ tinh- thứ đắt giá nhất hiện nay cũng bắt đầu từ những đường phấn trên bảng đen thôi. 
Mình viết lan man không phải cho ai hết. 

Nhân ngày Nhà giáo, mình viết cho mình. 

Viết để nhớ mãi câu này: Không thầy đố mày làm nên. 
4505 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
được loan tin bởi cuong205a
TKM
TKM
123nono
14 năm trước· Trả lời
Website liên kết