Avatar's hijodesol

Ghi chép của hijodesol

Đối thoại với tiên nhân

Bần đạo là người tu hành, ít chúi đầu vào chính trị binh đao, chỉ mong có cuộc sống an bình, ngủ ngon và sống đúng tuổi của mình.

Bấy lâu bần đạo có vân du, à nhầm phím du qua đây, thấy lắm kỳ tài dị tướng. Miệng thét ra lửa, tay khuấy càn khôn mà tạo gió hô mưa. Bần đạo thấy làm kính phục lắm.

Nhớ năm đó, năm con mèo, bần đạo lang thang vãn cảnh, bất thì có mấy chữ như sấm nổ bên tai, như giai gặp gái đẹp, như đang xẹp mà phình to, bần đạo sửng sốt lắm. Mấy chữ ấy là "giữ gìn bản sắc dân tộc".

Bần đạo tu luyện tà môn à nhầm, tiên môn trong núi, ít phàm thị phi nhân sinh, nay thấy chữ ấy giật mình trộm nghĩ, thế hệ giờ sao lại để mai một bản sắc cha ông vậy, sao để lai căng như thế.

Tâm can xót xa, tâm thần uể oải, mới đằng vân, lại nhầm, đăng phím leo lên mấy ngọn núi cao mà ngắn nhìn nhân gian thay đổi.

Lấp ló xa xa có chữ lấp lánh ngũ sắc, như hoa, ấy là chữ "BÀI TÀU, CHỐNG KHỰA". Bần đạo cả mừng, lớp trẻ đâu đến nỗi nào, vẫn giữ phong thái chống lại thiên địch mấy ngàn năm. Lại gần nghe ngóng, bần đạo phong thanh đâu đó nghe được mấy chữ. 

"ÉO DÙNG HÀNG TÀU"
"BẮN CHẾT MẸ CHÓ KHỰA"
...
Bần đạo giật mình, cơ sự đã đến nỗi này sao!?

Hỏi lân la trà chanh quán cóc, bần đạo mới được một tín chủ cho hay, người ta ghét Tàu phá đảo phá biển, không cho ngư dân làm ăn nên biểu tình, phản đối.

Âu cũng là có lửa mới có khỏi, chặc lưỡii bỏ đi.

Lại nói, vừa đi được một đoạn lại thấy có tiếng kêu thất thanh như có người sắp bị giết.........."BẢO VỆ SỰ TRONG SÁNG TIẾNG VIỆT" "BẮT LẤY THẰNG SÁT THỦ"....

Giật mình mà thốt lên, đến tiếng nói mà chúng còn dám giết thì cái gì chúng không dám làm!?

Hỏi rõ cơ sự, thì ra có gã nhà vẽ nọ, ngoáy bút vẽ ra mấy hình, rồi đề tự vào đấy mấy câu. Có kẻ cho là phá hoại tiếng Việt nên tri hô đòi bắt giết.

Chặn một người đang đuổi theo truy sát, bần đạo dò la
"Cớ sự sao mà đến nông nỗi vậy"
Gã trả lời:
"Phải giữ gìn bản sắc dân tộc"


Buồn quá, bần đạo lại nhếch đít bỏ đi, cám cảnh nhân gian xáo động.

Đi mãi đến tận vùng đất đen thùi lùi, đốt ra lửa. Thấy có cái phướn phấp phới chữ gì đó, bần đạo chưa tốt nghiệp cấp I tiếng Kinh, đọc không trôi, chỉ đại ý, thằng nào cũng phải 100 lần truyền tin cho cái gì đó.

Hỏi mới hay, có bang phái nọ ở ngoại quốc, lập cuộc tỉ thí lấy địa danh ra làm Tân Kỳ Quan. Lại thấy từng đội, từng đội người đồng phục, cờ phướn huyên náo, đang tuyên truyền xách à nhầm cổ động dân chúng ủng hộ.

Lân la dò hỏi, bần đạo gặp một nữ nhân trẻ tuổi, môi đỏ như máu, tóc đen như gỗ mun, da trắng như tuyết, răng vàng khè. Nữ nhân chẳng nói chẳng rằng, hô to như khẩu quyết "Vì lòng tự hào dân tộc"



Càng xem càng rồi, càng nghe càng khó hiểu. Bần đạo mới bắt xe ôm leo lên đỉnh núi cao, để thanh tịnh mà suy ngẫm.

Như duyên kỳ ngộ, bần đạo gặp một tiên nhân, râu trắng, mặc cái áo trắng, cái quần trắng, đi đôi giày trắng, cầm cái iphone cũng màu trắng. Mới ngồi lại trò chuyện.

Bần đạo (BĐ): Xin hỏi vì cớ gì nhân gian xáo trộn đến vậy?
Tiền nhân (TN): Vì cái tai

BĐ: Sao lại vì cái tai?
TN: Nhân gian có tai mà không biết nghe, không biết đâu đúng đâu sai, chỉ nhét vào mà không biết nhét cái gì.

BĐ: Chẳng lẽ lí do chỉ có vậy?
TN: Vì cái đầu.
BĐ: ???
TN: Cái đầu chứa thứ cái tai mang đến mà không chịu sắp xếp trước sau, thứ thì nhiều quá, thứ thì ít quá, nên kẻ mạnh chiếm ưu thế, dẫn đến cực đoan.

BĐ: Vậy chung quy chỉ tại con người?
TN: Đạo gia phải hỏi từng việc, e mới giải thích được.

BĐ: Tại sao phải giữ bản sắc dân tộc?
TN: Dân tộc nào cũng có bản sắc, từ lúc khai thiên lập địa, đến lúc khai quốc, quá trình sinh hoạt, lao động, sáng tạo ra thói nết, tập quán, ấy là bản sắc. Thời đại giao thoa văn hoá, không tránh được việc người ta cố tình lờ đi những thứ cũ kỹ rườm rà.

BĐ: Tiên nhân có thể chỉ rõ?
TN: Dân ta có cái tật xấu, chuyện nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, hỏi Mỹ đánh Iran vì cái gì thì biết, nhưng hỏi vì sao giá cả tăng, lạm phát cao, thì chẳng phải thằng nào cũng biết. Ấy là cái yếu kém.

TN: Có kẻ mang thứ bản sắc, mang văn hoá đi ra tung hô, xin xỏ, cầu cạnh để bảo vệ. Nhưng thực tế, chỉ là cái vỏ. Hỏi có bao kẻ biết, có bao kẻ nghe, có bao kẻ thưởng thức thực sự thứ văn hoá ấy trong nhân chúng!? Chỉ đầu ngón tay. Như tại gia, ta ăn cơm lúc 5h chiều, nhà đạo gia ăn lúc 7h chiều, thì là do yếu tố sinh hoạt mà thành, lâu dần thành thói quen, đến giờ là đói.  Đạo gia muốn giữ nó thì tự thân đạo gia phải giữ nề nếp đó, chứ không thể bắt kẻ khác đi nhắc đạo gia ăn cơm đúng giờ.

BĐ: Bần đạo hiểu lời ngài.

TN: Có kẻ cho rằng mình học thông hiểu thạo, thiên kinh vạn quyển đều nắm rõ. Chuyện tây đông tường tận, mưu chước đầy mình. Nhưng thực chất chỉ là phường mọt sách. Hiểu một mà không hiểu nổi hai chứ mong gì hiểu mười.

BĐ: Tiên nhân chỉ dạy!
TN: Ấy như việc lạm phát, dân đen đổ cho quan, quan đổ cho thời cuộc khủng hoảng, ấy là một phần. Nhưng thử hỏi, có mấy kẻ hiểu đồng tiền là gì, giá trị nó ở đâu mà ra. Buôn thứ hư vô thì cũng chỉ nhận được hư vô, vật chất không sinh ra thì quẩn quanh cũng chỉ từng ấy thứ.

BĐ: Bần đạo có nghe chuyện trong sáng của tiếng Việt, không rõ tiên nhân hiểu như thế nào?
TN: Ấy là sự u mê của những kẻ tưởng mình là sĩ phu. Tự hỏi, tiếng là cái gì? Là công cụ cho sự trao đổi thông tin. Mỗi địa phương có thể có nhiều khẩu âm, nhưng tựu chung lại vẫn để truyền đạt ý của mình mà thôi.

BĐ: Tiên nhân cứ giảng.
TN: Ví như đạo gia gặp được người đẹp, đẹp như Tây Thi, như Điêu Thuyền tái thế, thử hỏi, đạo gia nói thế nào?

BĐ: Chắc chắn là "ĐẸP QUÁ!"
TN: Nếu người đó đẹp vạn lần hơn hai mỹ nhân ấy, thì đạo gia nói thế nào?

BĐ: Quả tình bần đạo chưa nghĩ ra.
TN: Ấy nên người ta nghĩ ra từ ngữ mới để mô tả cái trạng thái lớn hơn, hay trạng thái khác đi mà từ cũ không đủ đáp ứng. Bọn trẻ gọi là "ĐẸP VCL THẾ NHỈ"

BĐ: Ra vậy.
TN: Ngôn ngữ sinh ra để truyền tải thông tin, mỗi thời lại dùng thêm, tăng thêm hay gạt bỏ để phù hợp. Thuở ta còn ở phàm giới, vua là tối thượng, giờ đây, có tổng thống, có chủ tịch có toàn quyền. Cũng chỉ để chỉ chung kẻ đứng đầu mà thôi. Thuở đó ta đâu biết Gác-đờ-bu là cái gì? Nhưng thấy nhân sinh gọi, chỉ biết là chỉ về một vật nào đó.

BĐ: Chẳng phải tiếng ta cũng đầy tiếng ngoại bang lẫn vào sao?
TN: Không sai.

BĐ: Vậy sự trong sáng của tiếng Việt là gì?
TN: Tự sinh nó đứng giữa sáng và tối, không có gì gọi là trong hay đục. Thử hỏi, đạo gia ra đường quần là áo lượt đi gặp quý nhân, đang đi dẫm phải bãi c** trâu bẩn hết cả thì thí chủ nói thế nào?

BĐ: Dù người xuất gia, nhưng quả thực bần đạo cũng sẽ thốt ra hai chữ "đ** MẸ!"
TN: Vậy mới nói, ngôn ngữ chỉ là thứ tạo ra để chuyển tải tâm trạng cảm xúc hay suy nghĩ. Chỉ để người khác hiểu mình. Không có tốt xấu. Chỉ là người ta dấu những cảm xúc quá đáng đi, cho rằng những thứ đó không nên phát ra vì làm người khác nghĩ đến điều mà ẩn nghĩa của nó chứa hay bị xúc phạm vì điều đó mà lập ra rào cản vô hình vô định rằng không nên dùng.

BĐ: Quả là vậy.
TN: Những chuyện đã nói, tuy hai mà lại một. Đều là do không hiểu bản chất đã vội tự cho tài giỏi mà vọng động, có chuyện hậu quả vô lường, có chuyện lại như muối bỏ bể, chẳng được tích sự gì?


BĐ: Vậy có những người hô hào bài Tàu chống Khựa. Tiên nhân có thể nói rõ?
TN: Những kẻ đó, xuất phát từ tinh thần dân tộc từ sơ khai còn tiềm ẩn trong tim mà trỗi dậy, về tình thì chẳng sai, nhưng về lí thì không ổn.


BĐ: Không ổn chỗ nào?
TN: Trung Hoa tự cho mình là trung tâm của thế giới, lại đẹp đẽ siêu cường. Trí giả không thiếu, vô dụng cũng có thừa. Trong âm có dương trong dương có âm, không thể đánh đồng tất cả. Ông có thể viết hai chữ mà nhân gian gọi họ được không.

BĐ: *viết lên đất* "Tàu Khựa"
TN: Đa tạ, ông viết không sai, bởi có kẻ cho rằng khinh miệt là viết hai chữ thường, nhưng lại xem thường luôn quy tắc trong tiếng Việt ta.

TN: Kẻ bảo rằng bài xích đồ Tàu, kẻ kêu rằng tại sao ai cũng dùng đồ Tàu. Thử hỏi, đô rẻ cớ sao không mua? Nói rằng đồ ấy kém chất lượng, cớ sao đô tốt đắt hơn lại không dùng? Hỏi rằng, đồ tốt ở đâu mà mua? Với kẻ nghèo thì tiền đâu ra mà mua?
 Nhân gian sống không còn bằng lúa gạo thông thường, mọi thứ quy đổi ra tiền tệ, trung gian qua tiền tệ. Nên vận hành cái gì cũng cần đến kinh tế.


BĐ: Vậy làm sao để tự lực tự cường không bị chi phối bởi ngoại bang.
TN: Chuyện này dài dòng, nhưng xin hỏi lại đạo nhân mấy câu?

BĐ: Xin cứ hỏi.

TN: Không ai trồng lúa liệu có gạo ăn không?
BĐ: Dĩ nhiên là không.

TN: Không ai chặt cây, liệu có gỗ làm nhà không?
BĐ: Không thể.

TN: Không ai chèo thuyền ra biển, liệu có bắt được hải sản không?
BĐ: Hẳn là không.

TN: Nhân gian này chỉ biết mua đi bán lại thứ hư vô, thứ bất biến, thứ không tự sản sinh ra. Người đời cứ thấy tiền giấy xếp thành đống càng nhiều lấy làm thoả thích, nhưng lại không nhận ra mớ giấy đó hôm nay lại bớt giá trị hơn hôm qua.


Kẻ sĩ trong thiên hạ thì phải biết trau dồi kiến thức, trau dồi học vẫn, còn phải trau dồi cả bàn tay biến cái ý thành cái vật. Không còn là thời bình thơ uống rượu nữa rồi.
Thay vì gào văn chương bình phú, nói đạo đức kinh, Khổng Tử, Mạnh Tự, Tiểu Yến Tử các loại, thì chuyên chú mà làm công việc cho trở nên thành quả.

Có kẻ sĩ ở phương Tây, gần 2 tháng trước có gặp ta ở thiên giới mới nói. "Ý tưởng là quan trọng nhất, nhưng cái triết lí của tôi chỉ dành cho những kẻ khao khát biến cái hư vô thành hiện thực. Chỉ biết đến ý mà không tạo ra vật, thì có khác gì tiên nhân như ông, linh hồn như tôi, chỉ có ý niệm, hững hờ trong thinh không."

Kẻ chỉ biết đến ý niệm, không thay đổi được thế cuộc chỉ là kẻ bỏ đi.
Kẻ trí giả thực sự, phải nắm được ý niệm, lại tỏ tường phương thức thực tế, mới có thể chuyển đổi càn khôn.


Ông và ta chỉ là lũ bay bay trên trời dưới biển, cơm ăn 2 bữa quần áo mặc cả ngày, lâu lâu hứng lên đi tắm... nào cần quan tâm đến những thứ ấy. Chỉ cần hiểu thôi. 7h rồi, ta còn về ăn cơm không tiên bà mắng. Cáo từ.

BĐ: Đa tạ tiên nhân dạy bảo. 






Nói đoạn, cắp đít về sơn động, chui vào cầu tiêu ị một bãi, thúi inh lên không chịu nổi...


4497 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
được loan tin bởi Yan87 , neo26145 người nữa
rhonelion
123nono
14 năm trước· Trả lời
Website liên kết