Avatar's ohisee

Ghi chép của ohisee

Án lệ và liêm sỉ của tòa án

Khi học ở trong nước, tôi được học là: Ở các nước theo truyền thống 'common law' (còn gọi là thông luật) thì án lệ là một nguồn của pháp luật, còn Việt Nam không công nhận án lệ. Khi tôi đi học ở một nước có truyền thống 'common law', tôi hỏi vị giáo sư người Mỹ: “Tại sao Hoa Kỳ lại coi án lệ là một nguồn của pháp luật?” Ông ấy bảo: “Thực ra nước Mỹ không có văn bản chính thức nào từ Hiến pháp trở đi ghi rằng án lệ là nguồn của pháp luật. Nhưng Mỹ vẫn căn cứ vào án lệ để xét xử bởi nguyên tắc 'stare decisis'.”


Nguyên tắc 'stare decisis' là nguyên tắc cơ bản của luật rằng các vụ án có tình tiết giống nhau thì quyết định của tòa về vấn đề đó cũng phải giống nhau. Chẳng hạn có một vụ án mà quyết định cuối cùng của tòa đã công nhận bản hợp đồng gửi qua email là có hiệu lực, thì trong các vụ khác nếu tòa cũng phải xét tình huống có hợp đồng viết qua email thì tòa buộc phải công nhận hợp đồng đó là có hiệu lực. Phải xử theo lệ đã có từ trước nên mới gọi là 'án lệ'. 


Nguyên tắc này là điều hiển nhiên. Nếu hai vụ giống nhau mà tòa lại xử khác nhau thì tòa trở nên tùy tiện, muốn xử thế nào cũng được. Hậu quả là pháp luật trở nên hỗn loạn. Ở các nước 'common law', nếu muốn xử vụ sau khác đi, tòa sẽ phải làm một trong hai việc: (1) tòa phải chỉ ra và giải thích sự khác biệt căn bản của hai vụ việc dẫn đến kết quả xét xử khác nhau; hoặc (2) trình vụ đó lên tòa án cấp trên. Tòa ở cấp dưới bị ràng buộc bởi các bản án trước đó của chính tòa mình và phải chấp hành phương hướng xét xử từ các bản án của tòa cấp trên. Trong khi đó tòa cấp trên chỉ bị ràng buộc bởi bản án của chính tòa mình, chứ không bị ràng buộc bởi bản án của tòa cấp dưới. Riêng tòa án tối cao thì không bị ràng buộc.


(hình minh họa, mang tính câu view)


 

Xử cho ai thắng bây giờ?


Trở về Việt Nam làm việc trong ngành luật, tôi được nghe một vị thẩm phán tâm sự: vụ án này ông được Chánh án chỉ đạo là phải xử cho bên nguyên thắng. Ông đồng ý và xử theo chỉ đạo. Chẳng bao lâu sau, ông lại được giao xử vụ khác có nội dung hoàn toàn tương tự với vụ kia, nhưng lần này Chánh án lại chỉ đạo là phải xử cho bên bị thắng. Vị thẩm phán này thấy điều đó làm cho mình trở thành người tiền hậu bất nhất nên đã cáo ốm! Câu chuyện gây cho tôi nhiều suy nghĩ, bởi rất ít thẩm phán hành xử một cách có liêm sỉ như vậy. Chuyện các thẩm phán “tiền hậu bất nhất” diễn ra khá phổ biến.


Dịp khác được trò chuyện với vị thẩm phán người Pháp, quốc gia theo truyền thống 'civil law'. Tôi hỏi: “Ở Pháp không có nguyên tắc 'stare decisis' như ở Mỹ, vậy có khi nào thẩm phán cho quyết định khác nhau đối với các vụ án tương tự nhau không?” Ông bảo: “Ở Pháp, các vụ án đã xử được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những bản án được công nhận là mẫu rồi thì các thẩm phán khi xử các vụ tương tự cứ theo mẫu đó mà xử. Nhóm thứ hai là các bản án không có giá trị bắt buộc phải thực hiện y như thế.” Ông còn giải thích thêm: “Nhưng trên thực tế, dù không bắt buộc nhưng rất hiếm chúng tôi cho phán quyết khác. Muốn làm khác đi, thẩm phán sẽ phải nêu rõ lý do, trường hợp lý do thiếu thuyết phục thì có thể phải đối mặt với khả năng không được tiếp tục làm thẩm phán nữa.”


Việc Việt Nam khẳng định sẽ đi theo mô hình của Pháp được thể hiện tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp và Luật Tổ chức Tòa án 2014. Theo mô hình của Pháp, Tòa án tối cao sẽ chọn một số bản án coi đó là những tiền lệ bắt buộc áp dụng cho các vụ tương tư. Nhưng điều tôi lo lắng không phải ở số các bản án được chọn 'làm mẫu' này, mà chính là ở số bản án không được chọn. Nếu các bản án không được tập hợp và công khai trong cơ sở dữ liệu chung; nếu thẩm phán không yêu cầu phải viết rõ lập luận của mình trong bản án; nếu không có cơ chế chịu trách nhiệm khi thẩm phán “tiền hậu bất nhất” thì câu chuyện thẩm phán xử sự có liêm sỉ như câu chuyện ở trên sẽ vẫn chỉ là chuyện hiếm ở nước ta và hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ vẫn còn hỗn loạn.




Tác giả: Nguyễn Minh Đức

Nguồn: FB Ls Phan

3206 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  

1 bình luận

Viết bình luận mới
Website liên kết