Avatar's bookmarks1

Ghi chép của bookmarks1

Tại sao phải tôn sư?

Từ bé, chúng ta luôn được dạy rằng, phải "tôn sư trọng đạo"

Và cũng từ rất bé, tôi luôn thắc mắc rằng, tại sao chúng ta lại phải "tôn sư"?
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo nàn dưới một chân núi xa xôi tận miền trung, nơi cái nghèo cái đói chưa một lần rời xa con người, nơi mà hàng năm những con người khốn khổ phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt mà thủ phạm chính là "ông trời" và những người vô cảm vô tư xả nước từ hồ thủy điện.

Ở trường học, chúng tôi luôn được dạy phải "tôn sư", nhưng chưa ai giải thích cho chúng tôi vì sao phải "tôn sư" hay nói đúng hơn là cho chúng tôi thấy được tại sao chúng tôi phải "tôn sư". Tôi chỉ thấy rằng, ngày ngày tôi đi học, đến kỳ thì đóng tiền. Vào mỗi đầu năm học, cái khoản tiền nhập học đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của những con người khốn khổ, những người cha người mẹ lam lũ chỉ mong cho con mình được học hành để tương lai không phải chịu cảnh thiếu ăn. Nhà trường luôn có những lý do chính đáng cho những khoản tiền thu của mình, chúng tôi đều đặn đóng tiền xây dựng trường, dù bao năm qua ngôi trường vẫn thế không hề được sửa chữa, những chiếc bàn xiêu vẹo, những cái bảng đầy vết xước, những bức tường ố vàng bong tróc, từng cánh cửa cọt kẹt vẫn không hề thay đổi cho đến khi tôi rời khỏi trường. Chúng tôi phải đóng tiền khuyến học, để mua phần thưởng cho mình nếu học tốt, chúng tôi phải đóng tiền kế hoạch nhỏ, tiền mua đổ thể dục...

Học phí có lẽ cũng là một phần đáng được nhắc tới, dù mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 15 ngàn. Nhà ai khá giả, thì đóng đúng hẹn, những bạn nhà nghèo, tới tháng không có tiền đóng, thì trước tiên bị nhắc nhở trong lớp, rồi sẽ đứng lên giữa trường trong giờ chào cờ, sau đó là cấm học, cha mẹ họ phải nghỉ 1 buổi làm, ăn vận chỉnh tề, hớt ha hớt hải lên trường năn nỉ van xin kèm theo hứa hẹn cam kết sớm đóng tiền để con họ được lên lớp. Vậy, thầy cô hi sinh cho ta những gì???

Tôi chỉ biết ngày ngày thầy cô lên lớp, đọc cho chúng tôi chép, đến tháng thì nhận lương. Chúng tôi ngoan ngoãn như những cái máy chỉ biết cắm đầu ngồi nghe giảng, không dám cãi lại, không dám làm nghịch ý giáo viên, có chịu oan ức như thế nào cũng phải im lặng chịu đựng.

Còn nhớ, năm lớp 7, khi thầy phát bài kiểm tra môn lý, cả lớp toàn điểm dưới 5, riêng tôi được 3 điểm, con số 3 được thầy viết rất to như muốn nói rằng "mày được 3 điểm đấy", thầy còn cẩn thận ghi chữ "ba" phía dưới con số như là "3 điểm đấy, không đọc nhầm đâu"

Bảy năm ngồi trên ghế nhà trường, tôi chưa 1 lần nhận giấy khen, chưa một lần được làm học sinh khá, vì tôi lười. Những môn xã hội điểm tôi rất kém. Tuy nhiên tôi tự tin rằng những môn tự nhiên tôi không hề tệ, toán, lý, anh văn tôi đều học rất tốt, điểm 3 cho môn lý đối với tôi đó là một điều khá vô lý, càng vô lý hơn 1 bài cơ bản trong sách giáo khoa mà cả lớp tôi không có nổi một điểm trên 5. Tôi cẩn thận xem xét kỹ và biết mình không hề sai, tôi về nói với ba tôi, ba tôi xem qua cũng cho rằng tôi làm đúng. Hôm sau ba tôi viết một tờ đơn với nội dung là cần xem bài kiểm tra môn lý của tôi (thầy phát ra xem điểm xong rồi lại thu lại) gởi cho cô chủ nhiệm. hôm sau, thầy dạy lý của tôi vội vào nhà tôi, trên tay là bài kiểm tra của tôi, con số 3 đã thành số 7 từ bao giờ, chữ "ba" cũng đã được sửa 1 cách hoàn mỹ. Hôm đó tôi đi học nên không biết cuộc trò chuyện giữa hai người lớn như thế nào, mà trong đó có một người là "thầy giáo", "thầy giáo" ở quê tôi lúc đó được tin tưởng đạo đức lắm, và dĩ nhiên, giữa "thầy giáo" và một con bé lớp 7, người ta sẽ chọn tin thầy giáo hơn, cho dù con bé đó chưa một lần nói dối. Hôm đó tôi đi học về, vừa bước vô nhà, tôi nhận ngay một tràng trách mắng của ba tôi, rằng tôi nói dối làm ba mất lòng với thầy giáo, rằng tôi mới bấy nhiêu tuổi mà dám bịa ra chuyện làm mất danh dự của thầy (vì rõ ràng là 7 điểm sao dám nói dối là 3 điểm)... tôi khóc, tôi cố cãi, nhưng không được. Hôm sau, rất nhiều bạn bè của tôi đã đến nhà để chứng minh rằng tôi không nói dối. Tôi nhận thấy rằng ba tôi có chút tin tôi, nhưng ông vẫn không hề nghi ngờ thầy giáo.

Ngày hôm sau đi học, thầy phát lại bài kiểm tra, đúng là bài của tôi được sửa lên 7 điểm một cách hoàn hảo, còn bài bạn bên cạnh tôi, từ 2 điểm thành 6 điểm, nó nhầy nhụa còn hơn 1 đứa trẻ lần đầu tiên cầm bút mực, tôi mới hiểu tại sao bạn tôi cũng khiếu nại nhưng thầy không đến nhà bạn ấy mà lại đến nhà tôi. Dĩ nhiên, bài kiểm tra sau đó lại được thu hồi, như để tiêu hủy cái sự nhơ nhuốc mà chúng tôi phải gánh chịu cho thầy.
Khỏi phải nói, hai năm cấp hai còn lại của tôi diễn ra như thế nào, đến giờ học của thầy, lúc nào tôi cũng được ưu ái gọi lên hỏi là "thầy giảng thế được chưa em". Kiểm tra thì được lên hẳn bàn giáo viên ngồi 1 mình 1 cõi mà làm bài, trong giờ học thì bị thầy nói cạnh nói khóe đủ thứ, cũng may là tôi học khá môn thầy, bằng không thì tôi thật không dám nghĩ đến kết quả.

Lên lớp 10, giờ hóa, thầy giáo nói sẽ cho mọi người xung phong làm bài tập để lấy điểm, tôi ngồi nhìn vào sách và chuẩn bị thật tốt để chuẩn bị khi thầy vừa cho bắt đầu sẽ đưa tay xung phong, tuy nhiên thầy lại nuốt lời, và gọi tên trong danh sách, lúc đó vừa buồn cười vừa thất vọng, bạn bên cạnh tôi nói là chúng tôi bị phổng tay trên, thằng bạn phía trên nghe vậy bật cười thành một tiếng nhỏ, thầy nhìn xuống thấy tôi cũng đang cười, thầy đuổi tôi ra ngoài và cấm học trong 1 tuần mà không cho tôi một cơ hội giải thích, tôi gặp cô chủ nhiệm và trình bày nguyên nhân, rằng mình bị oan ức, vì thật ra tôi cười không thành tiếng, hơn nữa đó không phải là lúc thầy giảng bài, tôi mong cô chủ nhiệm sẽ nói lại với thầy giáo để tôi có thể được vào lớp. Điều làm tôi thất vọng hơn, khi tôi trình bày với cô thì cô rất nhiệt tình và bảo sẽ giúp cho tôi, tuy nhiên, cô lại báo lên ban giám hiệu rằng tôi cười giỡn trong lớp và bị cấm học một tuần. Giờ chào cờ đầu tuần, tên tôi bị đọc lên, và tôi phải đứng lên cúi gằm mặt xuống dưới lời xì xào bàn tán của đám bạn. chiều hôm đó tôi bị phạt đi dọn vệ sinh ở trường. Sự thành thật của tôi bị chà đạp không thương tiếc, và cô giáo đã chà đạp lên nỗi oan của tôi. Niềm an ủi duy nhất đó là hôm đi dọn vệ sinh, thầy giám thị khó tính bảo với tôi rằng "thầy tin tưởng em, vì thế em chỉ việc ngồi chơi không cần phải làm gì cả, thầy x (dạy hoá) là một người khó chịu nên em cố gắng chịu oan vậy"

Rất nhiều lần bị oan ức, rất nhiều lần phải nuốt đắng vào lòng, nhưng không thể nói ra thành lời, khiến tôi dần dần mất đi niềm tin và mất đi tình cảm đối với cái nghề mà mọi người đều tôn trọng, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, cha mẹ chúng tôi bỏ tiền ra mua kiến thức cho chúng tôi, chúng tôi có tiền thì được học, không tiền thì bị đuổi về. Chưa nói đi học thì luôn bị mắng những điều vô lý, hôm nào tâm trạng giáo viên vui thì chúng tôi khỏe, hôm nào giáo viên cãi nhau với chồng vợ họ, hoặc họ bị cấp trên la rầy, thì vô tình chúng tôi cũng vì thế mà chịu khổ lây.

Tôi là một đứa trẻ nghèo sống ở thôn quê, đi học vào những năm đầu thập kỷ 90 thì là thế, còn bây giờ, ai có con chắc cũng biết rằng, đạo đức, lương tâm của giáo viên như thế nào.

Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc các bài báo nói về lương giáo viên thấp, thưởng giáo viên ít, nhưng thực tế tôi chỉ thấy rằng, ai làm giáo viên, họ hầu như có xe đẹp để đi, có nhà cao để ở.

Nghề nào cũng có đặc thù riêng của nó, chẳng có nghề nào là cao cả và nghề nào là đê hèn cả. Nghề nông tuy nghèo nàn cơ cực nhưng nó cung cấp sự sống cho mỗi con người, tôi nghĩ nếu xét về mức độ thì nghề nông đáng được tôn vinh hơn nghề giáo gấp vạn lần. Nghề y cứu người, nhưng đồng thời cũng là cứu chính bản thân họ, vì họ cứu nhưng lấy tiền, cơ bản cũng là chúng ta bỏ tiền mua sức khỏe, chứ ko xin của ai cả.

Ngày biết ơn nghề giáo không biết có từ bao lâu, nhưng ngày dành cho cha mẹ dường như mới có đây, trong khi tôi nghĩ rằng người cần biết ơn là cha mẹ chứ không phải thầy giáo, đôi khi tôi tự nghĩ, có lẽ người đặt ra ngày nhà giáo chắc họ không có cha mẹ...
2725 ngày trước · Bình luận · Loan tin
bogo , kekin1 người nữa
·  

0 bình luận

Viết bình luận mới
Website liên kết