Avatar's downfall

Ghi chép của downfall

Thông báo thành lập kênh Tâm Linh

Cơ dăm sáu năm trước, khi bắt đầu mò lên đây, mỗi lần có 1 tin liên quan đến vấn đề tâm linh là y rằng sẽ có war, mà trong war đó thì y rằng phe "vật chất" sẽ chiếm phần thắng, phe "tâm linh" sẽ bị hội đồng cho tơi bời, chỉ biết khóc tức tưởi hoặc tự thẩm du cho nhau ở một vài comment đáng thương rơi rớt dưới cùng.

Em là một người duy tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự tồn tại của các cõi giới phi vật chất (tạm gọi đại diện cho những tồn tại chưa được chứng minh bằng khoa học).

Nhưng cũng như rất nhiều những người bên phe "duy tâm", tuy nhiên do bản chất ba phải gió chiều nào theo chiều đó nên em chưa bao giờ bị "hội đồng" hay "khóc tức tưởi" trên này trong những cuộc war mồm. Mỗi lần thấy phe "duy tâm" bị thua là em chỉ ngồi ngoài đọc bình luận cũng như liên tục chửi thầm trong bụng.

Nhưng cũng nhờ ngồi ngoài nên em thấy được gốc gác của những cuộc tranh luận không bao giờ dứt là ở chỗ 2 phe "duy vật" và "duy tâm" không cùng xuất phát trên một hệ quy chiếu giống nhau, do đó bên này cố gắng phủ nhận triệt để những tiên đề mà bên kia đưa ra để xây dựng lý luận.

Khi mà cái gốc không được công nhận thì tất cả những sự tranh luận về sự kiện và hiện tượng hoa lá cành ở bên trên thực ra là vô bổ.

Thời gian trôi qua, thành viên trên này cũng già đi theo năm tháng, những thanh niên nhiệt huyết ngày nào cũng đã có vợ có con (hoặc chưa có vợ thì vẫn còn nhiệt huyết như bác Cường :D). Các cuộc tranh luận (nếu có) xảy ra thì cũng dường như là ôn hòa hơn, lắng nghe hơn và bớt gay gắt hơn. Có lẽ đã là lúc chúng ta có thể ngồi bình thản mà tranh luận một lần nữa về Tâm Linh với một cái đầu lạnh và hiểu biết.

Việc bắt phe "duy vật" tin vào các tiên đề của phe "duy tâm" là không thể, do đó phe "duy tâm" sẽ bắt đầu bằng cách tiếp cận khác: tiếp cận các vấn đề Tâm Linh thông qua khoa học và triết học.

Hi vọng rằng cách tiếp cận này sẽ giải quyết được vấn đề muôn thủa lâu nay giữa hai phe là thiếu đi một hệ quy chiếu thống nhất trong lý luận.

Em biết là trên này có rất nhiều các cao thủ ẩn thân, chỉ qua đọc tin rồi im lặng. Em biết vì những cao thủ này chỉ xuất hiện trong những link có liên quan đến yếu tố tâm linh với những ý kiến mà em đánh giá rất cao. Do đó nếu các bác có tình cờ đọc được những dòng này và cơ may tình cờ lại có nhã hứng thì mong các bác lưu lại tại đây, coi như một cái club của những người có chung mối quan tâm.

Sau một lần hứa hẹn (và nhiều lần ngần ngừ trì hoãn), em quyết định lập kênh Tâm Linh khi mà bác @daohoadaochu làm một cái IMA mà lại phải gửi vào kênh "khác" ~ cho thấy nhu cầu bức thiết của việc thành lập một kênh thông tin chuyên biệt cho những vấn đề liên quan (đoạn này đọc hơi giống nghị quyết đại hội).

Do đó hôm nay tối thứ 6, ngày mồng 4 tháng 12 dương lịch (23/10 ÂL) ngày: Giáp dần, tháng: Đinh hợi, năm: Ất mùi

Là ngày: Thiên Lao Hắc Đạo

Trực: Bình

Em tuyên bố thành lập kênh Tâm Linh và lời kêu gọi sự quan tâm của tất cả những ai yêu thương (cũng như căm ghét) vấn đề này :D.

p/s: do trước đây đã có một kênh Tâm Linh được lập với nội dung focus vào hầu đồng gọi hồn nên kênh Tâm Linh mới lập em xin mạn phép đặt tên là Non Physical cũng với mong muốn tên kênh được phổ quát và gần gũi hơn với những vấn đề trọng tâm mà chúng ta quan tâm.

Tuy nhiên nếu admin nào đi qua mà nghe thấy cộng với thương tình thì có thể xóa cái kênh Tâm Linh hiện đang có và đổi tên kênh mới này về lại với tên Tâm Linh thì cũng được ạ :D

2924 ngày trước · Bình luận · Loan tin
·  

81 bình luận

  • Về nguyên tắc thì kênh kia không hoạt động nên bạn có thể nhận làm chủ kênh mới, nhưng mà admin không có công cụ để làm việc này --> kêu dev bạn ấy làm cho.
     
    • @tanng thanks bác đã quan tâm đến đời sống tâm linh của anh em
      Vậy để thế này cũng được ạ, chịu ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử để lại cho nó có chiều sâu
       
    • @downfall Cái mảng tâm linh này nếu theo dự thảo luật báo chí mới thì sẽ bị cấm trên internet.

      - cấm đăng trên báo các vấn đề thần bí
      - cấm đăng trên mxh các nội dung cấm trên báo.

      Kết hợp 2 điều đó lại là trên mxh khỏi có nó luôn.
       
    • @tanng Em thực sự thấy mấy báo chí mình đăng tin cải về tâm linh quá nhiều thật. Tuy thế nhưng nếu cấm thì có vẻ hơi mất tự do báo chí thì phải.
      Em nghĩ cái nên làm chẳng hạn như cấm đạo bài, cấm dẫn bài mà không có link đến bài gốc, v.v.. thì có lẽ báo chí sẽ bớt loạn hơn, và các nhà báo và báo uy tín sẽ bỏ công để viết hơn (bởi không sợ bị ăn cắp công sức). Báo lá cải đương nhiên vẫn có, nhưng sẽ không có tình trạng nhà nhà đều cải như hiện nay.
       
    • @tanng vâng, em sẽ để ý kỹ vấn đề này khi duyệt bài gửi trong kênh. Tin là những link gửi trong kênh này sẽ không giống như khái niệm mê tín dị đoan thông thường nên chắc là không có ảnh hưởng gì đâu ạ.
       
    • @goldensea80, @downfall

      Em không có ý kiến gì về luật báo chí, chỉ kể cho các bác là có chuyện như vậy đang được thảo luận trong dự thảo luật. Phạm vi của điều cấm là bao gồm tất cả những điều thần bí, điều chưa được khoa học chứng minh. Em đang không hiểu lắm vậy thì mấy thứ kiểu như tâm linh, thần bí, tiềm năng con người có bị xếp vào hạng mục cấm này không (theo như em thì là bị xếp vào đấy).
       
  • Sao ko thấy note này trên mạch tin mới nhỉ, thế sao mà lên hot đc?
     
  • Mai thứ 7 về số gì các bác?
     
    • @yennhi2308 bác hỏi chuyện này vào giờ Hợi ngày 23 tháng 10, năm Mùi, lập quẻ được nội Tốn, ngoại Càn, quẻ Thiên Phong Cấu. Càn kim khắc Tốn mộc, việc không thuận nên mai bác đừng đánh gì, có đánh cũng chỉ hòa vốn thôi.
      Thân
       
  • Trước hết đề nghị chủ kênh bắt đầu bằng việc giải thích ngắn gọn và rõ ràng: "Tâm linh" là gì?

    Theo mình nghĩ, những khái niệm như tâm linh hay đạo Phật đang bị hiểu ko đúng ở VN, nó thường gây suy nghĩ là gắn liền với mê tín dị đoan và do đó đón nhận sự phản ứng của những người theo khoa học, để rồi từ đó khiến cho nó ko có sự phát triển xứng đáng. Trong khi đó, như bác @daohoadaochu nói ngắn gọn ở topic kia, Đạo Phật là khoa học về tâm, và mọi người có thể dễ dàng chứng nghiệm.
     
    • @vietnamnet_ict làm khó em đợi bác @daohoadaochu vào cho một nhời ngắn gọn. Em mà nói nó lan man phải thành 2 cái note, tính em vốn lan man mà .
       
    • @downfall : Đúng như bác @vietnamnet_ict nói ở trên rồi, nó thường gây suy nghĩ gắn liền với mê tín dị đoan. Tâm Linh của Đạo Phật khác và tâm linh của dân gian khác, Không đánh đồng hai khái niệm này vào làm một được bạn ạ
    • @daohoadaochu vâng ạ, nhưng mà có vẻ mọi người vẫn hơi câu nệ quá vào cái chữ Tâm Linh mà em đặt ra đâm ra có nhiều băn khoăn. Thực tế là em muốn tạo một kênh để những người có cùng mối quan tâm có chỗ để biểu đạt quan điểm của mình.
      Cứ khép nó vào Tâm Linh thì hơi khiên cưỡng ạ .
       
    • @vietnamnet_ict Tâm Linh là gì (là danh từ) thì không trả nhời được cậu nhé, Làm sao nhìn được Tâm Linh. Tâm Linh là làm gì thì còn trả lời được (là hành động). Nên có thể coi Kênh Tâm Linh là một kênh để Anh Em bàn luận về cuộc sống, sự kỳ bì, huyền bí, kỳ lạ theo quan niệm/góc nhìn Tâm Linh nhé
       
  • À để tí làm bài khai trương
     
  • kênh tâm linh mà đặt tên là non -physical thì đừng tâm linh còn hơn. Nó là Spiritual Path nhé bạn
     
    • @coquaidamta em cũng nghĩ rồi ạ, nhưng mà thật ra như trong note em đã nói, muốn nó bao hàm ý nghĩa rộng hơn tâm linh một tẹo, bao gồm tất cả những vấn đề không liên quan đến vật chất đều có thể đưa vào được (ví dụ như các bài viết khoa học nghiên cứu về vật chất tối chả hạn ). Ý kiểu như vậy.
       
    • định gợi ý từ Spirituality bọn Tây hay sài , mà tôi thấy không khoái lắm, từ Path nó thể hiện cái ý là sự hướng về /góc nhìn/quan điểm/nhận định nhiều hơn, kiểu như mỗi người có 1 path đển nhìn nhận Tâm linh,, nhiều người tin vào Ma, Thần, thánh Lô, Thánh đề, Thánh Face... (just for fun)
       
    • @downfall mọi sự vật hiện tượng đều là physical nhé, có điều mình nhìn dưới ánh mắt khoa học (scientifically looking) hay là tâm linh thôi (spiritually considering) cậu để non-physical là dễ dẫn đến cuộc tranh cãi của các bác Mác mà không Xít, rồi còn lật từ thời triết học Hy lạp duy tâm với duy vật, hay là câu hỏi cốt của triết học thế giới là Mind-Body đến bây giờ còn chưa dứt Còn theo thấp ý của tôi, Làm sao có thể có 1 việc mà Non-Physical được, Ví dụ: nhìn thấy 1 cái bóng, ông thì bảo là ma, ông thì bảo là cái bóng của cái cây. Quan trọng là phải có cái bóng!!!
       
    • @coquaidamta thanks bác, em xin tiếp thu. Có cái bác đào sâu về nghĩa của từ quá em chỉ hiểu hời hợt thôi
       
  • Lôi bạn @daohoadaochu vào Tâm linh và duy tâm là không đúng rồi. Nếu đọc AMA ở kia cho thấy rõ bạn ấy không hề mâu thuẫn gì với duy vật cả.
     
    • @goldensea80 đạo Phật là đạo Vô thần bạn ạ, nhưng nó vẫn gọi là tâm linh.
       
    • @honglamsg Cần một định nghĩa, như bạn chủ thớt ở đây đưa ra là tâm linh găn với thế giới phi vật chất - thì chắc chắn không thể là duy vật. Phật giáo có thể hiểu là hệ thống triết lý duy vật, như bạn @daohoadaochu. Nhưng đa số hiểu Phật giáo là duy tâm.
       
    • @goldensea80 Đạo Phật hay gọi là Phật Pháp vốn là vô thần không có giống như thờ một vị độc tôn ,chí thánh hay thần linh nào đó để cầu bình an hay sức khoẻ, tiền tài. Đức Phật là người phàm tu hành rồi chứng quả thành Phật, vì vậy ta thờ Phật là để hàng ngày lấy đó là tấm gương học tập theo con đường Giác Ngộ, Giải Thoát của đức Phật đã để lại.
       
    • @goldensea80 Nó là khoa học tâm linh nghiên cứu cả về Danh(tâm) và Sắc(vật) bác ạ.
       
    • @kiss6789 Mình cũng quan điểm như bạn vậy. Có điều phần lớn người ta lại tin vào các yếu tố tâm linh, kiểu lên chùa cầu may chẳng hạn.
       
    • @daohoadaochu Thế nào là Danh(tâm). Nếu chỉ là trạng thái tâm lý con người, thì không thể là duy tâm và tâm linh.
       
    • @goldensea80 : Ví dụ khi bác quan sát được cái tâm mình lúc nó sinh trong nháy mắt, lúc nó diễn biến và lúc nó hoạt diệt, khi bác nhận ra tâm mình sinh và diệt nhanh gấp hạt nguyên tử sinh và diệt 17 lần, thì đó là Tuệ phân biệt danh sắc! Em ví dụ vậy. Tức lúc đó bác là nhà khoa học quan sát được cái tâm mình nó sinh diệt vô thường như nào. Là lúc các tuệ giác phát sinh.
       
    • @daohoadaochu Quan sát tâm mình và người sinh diệt như thế nào cũng là mục tiêu của tâm lý học và thần kinh học.
      Mình nghi ngờ về "...tâm mình sinh và diệt nhanh gấp hạt nguyên tử sinh và diệt 17 lần".
       
    • @goldensea80 : Nhưng mục tiêu của Phật Giáo không phải để công bố cho thế gian mà để thấy được sự vô thường của vạn vật, và thấy được sự Khổ(mọi thứ đều sinh ra và tan biến liên tục)
       
    • @daohoadaochu Thì chính vì thế mình quan niệm Phật giáo không phải khoa học, mà là thiên về triết học. Thôi mình dừng đây, đi ngủ cho tâm an tịnh
       
    • @goldensea80 nếu đạo Phật có thể định nghĩa thông qua các khái niệm của các ngành khoa học khác thì nó không phải là đạo Phật rồi bạn ạ. Mọi Pháp đều là Phật Pháp. Đạo Phật đủ sức để bao trùm hết thảy.
       
    • @honglamsg Chung chung thế ai cũng nói được, cũng như người theo Kito nói Thiên chúa bao trùm hết thảy. Còn người làm khoa học nói các định luật vật lý bao trùm hết thảy vậy.
       
    • @daohoadaochu Có vẻ mình đọc không kỹ AMA, hóa ra vẫn còn một số chỗ quan điểm của bạn xứng đáng ở trong box này thật, xin lỗi bạn nhé.
       
    • @goldensea80 Triết học cũng là khoa học mà anh
       
    • @hoangdang223 Không đúng đâu em, các hệ thống triết học xưa chứa đầy điểm phi khoa học. Còn khoa học thì luôn thay đổi theo những phát kiến mới. Chính vì quan niệm triết học là khoa học, nên triết học Marx Lenin mới bị nhồi cho sinh viên như chân lý vậy
      về cơ bản triết học là các giải thích thế giới, thường dựa trên kinh nghiệm chủ quan. Khoa học dựa trên bằng chứng và thực nghiệm. Thời kỳ xa xưa chưa phân rõ các ngành khoa học, thì thường nhà triết học sẽ đóng vai trò cả nhà khoa học. Thời nay thì nhà khoa học có thể có tư duy triết học.
       
    • @goldensea80 triết học là nhân sinh quan và thế giới quan. Đạo Phật bao trùm triết học. Chánh tri kiến là phần triết học của Đạo Phật, mà Chánh tri kiến = 1/8 của Bát chánh đạo. Bát chánh đạo = 1/4 Tứ diệu đế. Qua đó bạn biết Triết học so với Đạo Phật như thế nào rồi nhé.
       
    • @honglamsg Đấy là bạn cho thế thôi.
       
    • @goldensea80 nếu nói rằng Triết học cổ xưa chứa đầy điểm phi khoa học để đánh giá triết học không phải là khoa học thì theo nhìn nhận của em là hơi ấu trĩ.
      Em vẫn thấy triết học liên tục thay đổi và phát triển như các ngành khoa học khác.
      Còn riêng về Đạo Phật, rất nhiều điểm trước đây "phi khoa học" như anh nói nhưng ngày nay khoa học đã chứng minh điều đó là đúng. Vậy phải chăng Triết học đúng đắn vẫn là khoa học, thậm chí định hướng cho nền khoa học hiện tại?
       
    • @goldensea80 Đạo Phật ko có khái niệm quan điểm cá nhân bạn ạ. Ví Đạo Phật là vô ngã, nghĩa là ko có cái tôi hiện hữu rồi. Đạo Phật là thấy rõ sự thật như nó đang là. Bạn cứu nghiên cứu ĐP rồi hẵng nói chuyện, chứ 1 người đi Paris rồi với 1 người chưa đi tranh luận về Paris ko có tác dụng bạn ạ.
       
    • @hoangdang223 Ở đây mình nói triết học và khoa học khác nhau về bản chất, phương pháp, và mục đích. Nói là triết học dẫn dắt khoa học cũng đúng, nhưng không phải khoa học. Bởi triết học có thể đưa ra những tư duy mà khoa học chưa tìm thấy bằng chứng. Chẳng hạn suy nghĩ về việc phân chia vật chất làm hai, rồi tiếp làm hai nữa, đến khi không phân chia được thì gọi là phân tử. Đó là triết học. Và thực tế khoa học sau đó tìm thấy phân tử, nhưng rồi nguyên tử, rồi hạ nguyên tử... Triết học thường lý giải một cách chung mà không đi vào chi tiết, chi tiết tỉ mỉ là nhiệm vụ của khoa học.

      Triết học thường gắn với tên tuổi của triết gia, như Plato, Aristotle, Buddha, hay Nietzsche; hoặc chính những suy nghĩ diễn dải của cá nhân bản cũng có thể gọi là triết học của bạn.

      "Còn riêng về Đạo Phật, rất nhiều điểm trước đây "phi khoa học" như anh nói nhưng ngày nay khoa học đã chứng minh điều đó là đúng.", bạn có đưa ra được ví dụ một điểm phi khoa học nhất nhưng khoa học ngày nay đã chứng minh là đúng?

      Cuối cùng bạn nên cẩn thận hơn khi dùng từ ấu trĩ với người khác, bởi biết đâu là ngược lại?
    • @honglamsg Mình không đến nỗi chưa tìm hiểu về Phật giáo tí ti gì trước khi nói về chủ đề này. Còn nếu bạn là người thông hiểu Phật giáo, thì hãy dùng ngôn ngữ bình dân làm cho người bình thường hiểu được, đó mới là hiểu thật. Cũng giống như Đức Phật dùng các câu chuyện giản dị để giáo hóa đệ tử. Còn cứ lôi kinh sách ra dọa người, thì khác nào ông đảng viên trích dẫn Marx, ông Kito hữu trích dẫn Kinh thánh và ép người khác tin đó là chân lý tuyệt đối?
    • @goldensea80 Sorry anh. Em cũng tính viết thêm vô là cái từ đó là do em không biết dùng từ nào cho nó phù hợp nhưng sau đó em chỉnh sửa sao lại quên mất. Với cả em cũng nói ở góc độ quan điểm chứ không phải con người. Dù sao cũng thành thật xin lỗi anh về từ đấy.
      Còn về chuyện phi khoa học, những chuyện như cách đây cả ngàn năm Phật nói trong một ly nước có hằng sa số sinh vật nhỏ bé, lúc đó là phi khoa học. Hay như chuyện có nhiều chiều không gian khác ngoài 3 chiều, trước đây cũng chưa từng có...
       
    • @hoangdang223
      Còn về chuyện phi khoa học, những chuyện như cách đây cả ngàn năm Phật nói trong một ly nước có hằng sa số sinh vật nhỏ bé, lúc đó là phi khoa học.

      Khoa học lúc đó chưa đủ phát triển để phủ nhận điều đó chứ không gọi là phi khoa học được. Mình vẫn đồng ý với bạn về chuyện triết học có thể đi trước khoa học kia mà. Giống như phỏng đoán, có thể đúng, có thể sai, nhưng nó sẽ giúp khoa học tiến lên.
      Tư tưởng một người bằng cách suy ngẫm quan sát cũng có thể có thứ trùng với sự thực khách quan, có thứ không. Một điều đúng không có nghĩa qui nạp tất cả tư tưởng của ông là chân lý.
       
    • @goldensea80 Dạ, chính xác anh. Nhưng khoa học chưa đủ phát triển để chứng minh nó đúng thì cũng không thể gọi nó là phi khoa học. Đúng không anh?
       
    • @hoangdang223 Đúng là những thứ cái gì khoa học chưa chứng mình sai hay đúng thì không gọi là phi khoa học. Nhưng có nhiều thứ khoa học đã chứng minh. Ví dụ như tưởng tượng về vũ trụ của các nhà triết học cổ, rằng các vì sao gắn trên vòm trời pha lê, rằng các hành tinh cũng thế gắn trên các thiên cầu. Ngày nay thì thiên văn học đã chứng tỏ điều đó sai. Hoặc ví dụ kinh điển về những nhân tố hình thành vật chất. Triết học phương Tây thì cho là gồm 4 thành tố cơ bản Đất, Nước, Khí, Lửa, triết học phương Đông thì cho là gồm 5 thành tố là ngũ hành. Những cái đó khoa học đã chứng minh là sai (ấy thế dân mình vẫn tin ngũ hành lắm lắm )
       
    • @goldensea80 Nhân tiện cái cmt này hay là bác làm một topic về Ngũ hành trong phong thủy nhân dịp trào lưu tâm linh đi Vì nhớ hôm trước bác phủ định ngũ hành trong phong thủy còn em thì trước có đọc một cuốn về ngũ hành và khoa học, tác giả là một nhà phong thủy cố gắng giải thích phong thủy theo cách nhìn của khoa học
       
    • @goldensea80 Khoa học vẫn có thể sai mà anh, chuyện đó rất bình thường. Khoa học sau phủ định khoa học trước là tiền đề cho sự phát triển. Nếu ở góc độ này càng khẳng định rõ ràng triết học là một môn khoa học.
       
    • @hoangdang223 Đồng ý là khoa học có thể sai và khoa học sau hoàn thiện khoa học trước. Nhưng triết học vẫn không phải khoa học Mặc dù Bằng tiến sĩ nghiên cứu khoa học vẫn là Doctor of Philosophy. Mình recommend bạn đọc bài này để hiểu tại sao nhé (hơi dài nên ngại dịch) https://ltus.me/CIG
    • @supersliver Chẹp, tình cờ là mình đang viết nháp 1 bài về Phong Thủy và 1 bài về Phật giáo ở trên facebook. Bạn có fb không để cùng draft
      Hay nhân dịp này bạn mở 1 kênh "Vô Thần" trên linkhay nhỉ
    • @goldensea80 ^^ anh phản biện không đến cùng nhé. Hihi. Anyway, cảm ơn anh vì cuộc thảo luận. Xin lỗi anh lần nữa vì cái từ trên kia.
       
    • @hoangdang223 Không có gì. Bài viết ở link kia rất đáng đọc nếu bạn quan tâm triết học và khoa học. Mình nghĩ là bạn sẽ đồng ý sau khi đọc xong thôi
       
    • @goldensea80 Em add fb bác rồi đó
       
    • @goldensea80 để coi với vốn tiếng Anh của em có nuốt nổi không đã
       
  • Vũ trụ vô biên vô lượng, nhận biết của nhân loại còn hạn chế. Bàn về tâm linh chỉ là tự suy tự diễn. Nói không ma, không quỷ, vô thần vô thánh cũng đúng, mà nói có cũng không sai. Ở 1 nơi, thời, không nào đó chúng ta được coi là thần, là ma, là quỷ.
    Ví dụ như với con kiến, cọng cỏ ta có quyền năng vô cùng to lớn và kì diệu....
    Nhưng biết đâu đó trong trái đất, ngoài vũ trụ kia chúng ta cũng chỉ như con kiến....
     
    • @hungskate Vạn Pháp hay Vũ Trụ rộng lớn không ngằn mè đều là do Tâm sanh ra. Có vô lượng hạn độ và chiều chứ không chỉ có 3 chiều dài, rộng và thời gian. Chỗ ta đang đứng ở cảnh giới hạn độ hay một chiều khác có thể là có người khác vật khác hay sự việc khác đang diễn ra ở đó mà mắt ta không thể nhìn thấy được. Giống như khoa học họ chỉ chứng minh được những cái phải mắt nhìn thấy còn những cái mắt không nhìn thấy thì họ không biết không thể lí giải mà mắt ta chỉ cho ta thấy được 2% sự thật xung quanh còn 98% kia nó vẫn là một ẩn số. Muốn biết cái ẩn số này ta lại phải quay ngược tâm mình trở lại vào trong thì mới thấy mới biết rõ sự thật về Thế Giới xung quanh mình nó như nào. Học Phật Pháp cũng như vậy, là quay ngược cái tâm nó hướng vào trong để tìm ra bản tánh chân thật không sanh không diệt không nhơ không sạch chẳng thêm chẳng bớt vốn xưa nay đã tự đầy đủ. Chứ k phải để tâm ta chạy lăng xăng ra ngoài tìm cầu đủ thứ nhưng cái tìm cái thấy đó nó thật không khi mắt cho ta cái thấy chỉ đúng 2% sự thật.
       
    • @hungskate biết đâu con kiến lại là cả vụ trụ thì sao đùa thôi chắc không phải Giống như có một nhà khoa học nổi tiếng về Cosmology( Neil Degrasse Tyson) đã từng nói Vũ Trụ như là Đại Dương, việc chúng ta nghiên cứu vũ trụ, rồi sự sống ngoài hành tinh như là 1 nhà khoa học lái thuyền ra Đại Dương, lấy một cốc nước đầy lên, nhìn thấy trong cốc nước không có cá (sự sống ngoài hành tinh, những điều kỳ bì), ông ta liền tuyên bố tôi đã nghiên cứu và kết luận là Đại Dương không có cá!!! có biết đâu ông cũng chỉ múc được 1 cốc nước !!!
       
    • @KISS6789
      Bác đọc sách phật pháp hay sách pháp của Pháp Luân Công. Em đọc nhiều sách rồi mới tới PLC và e thấy có những từ như bác comment nên em ngẫm ra được rất nhiều điều.
       
    • @hungskate Mình đọc trong Kinh Điển và sách về Phật Pháp rồi nghe các thầy Giảng thêm chứ không phải Pháp Luân Công. Mình có tìm hiểu qua PLC nhưng thấy nó vẫn còn hạn hẹp so với Phật Pháp. Nếu bạn muốn tìm hiểu mình sẽ chia sẻ những bài Pháp mà các thầy giảng giải, mình nghe sẽ có thêm nhiều cái nhìn nhận mới về mọi thứ xung quanh, tăng thêm chiều sâu cũng như cảnh giới của mình nên rất nhiều đó bạn ạ.
       
    • @KISS6789
      Mình cũng đọc phật pháp và nhận ra rằng việc cúng bái thắp hương vốn dĩ không phải gốc gác của cái gọi là phật. Xin lỗi mình lườ viết hoa, thông cảm.
      Còn plc trc mình cũng k chuyên tâm đọc, nói chung bài trừ.
      Nhưng có đợt mình cứ nhắm mắt ngủ là kiểu như ma quỷ, bóng đè vây quanh, niệm chú đại bi..các thứ k đc.
      Sau có cơ duyên với plc đọc thôi tự dưng k còn bị nữa dù mình ngủ it chỉ vài 3 tjếng. Nó xua tan những điều đó 1 cách tức thì. Bạn phải hiểu rằng mình bị kiểu ma mị trí óc lúc nhắm mắt ngủ hàng năm trời. Vậy mà đọc 1 hôm tối ngủ k sao luôn và kéo dài mãi cho tới giờ.
      Điều đó làm mình tin tưởng để đọc sách plc và từ đó ngẫm ra nhiều điều
       
    • @hungskate Ừ, gần chỗ em cũng có ông chú thích và có tâm với PLC lắm ngày nào cũng dành thời gian để tập luyện rồi bật 9 bài giảng về PLC nghe suốt. Mỗi người có một hoàn cảnh, căn cơ và cảm nhận khác nhau nên thấy mình hợp và có duyên với Pháp môn nào thì theo cái đó miễn sao tìm được điều lợi lạc trong đó phải k bác.
       
    • @kiss6789 Không nghiên cứu Phật thì mình cũng biết những thứ nhân loại nắm được rất nhỏ so với thứ chưa biết. Ấy thế nhưng sao bạn biết CHÍNH XÁC là 2% hay vậy?

      Vấn đề một ông nghĩ rằng, CÓ THỂ CÓ vũ trụ song song hoặc vô lượng vũ trụ song song thì OK, đó là triết học chỉ ra những khả năng mà khoa học chưa ghi nhận được.

      Ấy thế nhưng khẳng định 100% tồn tại những thứ như thế không dựa vào bằng chứng, mà chỉ dựa vào lời người đi trước. Thì đó lại là chuyện khác.
    • @goldensea80 Ừm con người thường chỉ nhữnh cái mắt thấy tay sờ thân xúc trạm mới tin đó là điều có thật còn những cái không hình không tướng không cùng tần số , cảnh giới thì k thể thấy được nên họ cho nó k tồn tại không có thật. Như trong vật lý nên ta phân tích bất kỳ một vật chất nào thì sẽ thấy càng đi sâu vào bên trong nó đến nguyên tử, phân tử hay lượng tử nếu ta càng đi sâu vào được hơn nữa sẽ thấy nó nhỏ bé dần rồi biến thành không có gì cả. Trong Phật Pháp nói cái vật chất hình tướng chúng ta thấy được là do nghiệp duyên của chúng ta nó phát ra liên tục từ niệm lực ,vọng tưởng vi tế trong tâm ta mà tạo thành mà thôi. Niệm hay dòng suy tưởng nó cứ trôi sanh rồi diệt liên tục như vậy nên cảnh vật chất ngoài ta thấy nó cũng có sanh diệt như người thì có sanh-lão-bệnh-tử cây cối thì có thành-trụ-dị-diệt còn trái đất hay vũ trụ nói chung nó có thành-trụ-hoại-không. Đó là những quy luật bất biến của vũ trụ nó cứ quanh quẩn như vậy thành một vòng tròn xoay vần như vậy, học Phật Pháp là ta tìm cách hiểu biết về nó rồi thoát ra khỏi cái vòng sanh diệt đó bạn ạ.
       
    • @kiss6789 Vấn đề khác nhau ở phương pháp tìm kiếm thôi. Những cái lý thuyết bạn đưa ra do đâu mà có? Hay chỉ là một người sống cách đây vài nghìn năm ngẫm ra?
       
    • @goldensea80 Nói ngẫm ra là không phải, phải nói là họ tìm thấy ngay từ trong tâm tánh của mình. Cảnh giới của họ người phàm chúng ta đâu có thể hiểu nổi mà bày đặt tính toán được. Phật Giáo phát triển đến giờ và dần được thế giới cũng như các nhà khoa học công nhận thì cũng phải hiểu cái tầm trí tuệ hiểu biết của nó mà đã xuất phát gần ba ngàn năm trước đây. Ví dụ như đạo thiên chúa họ cho rằng mặt trời quay quanh trái đất và trái đất hình dẹp như chiếc bánh mà k phải hình cầu như các nhà khoa học đã kiểm chứng và chúng ta đã nhìn thấy. Còn Đức Phật nói về thế giới xung quanh như nào? Ngài nói ngay trong một cốc nước có 8 vạn 4 ngàn vi trùng (con số 8 vạn 4 ngạn nó chỉ là tương chưng cho sự rất nhiều không thể tính đếm) mà gần ba ngàn năm trước làm gì đã có kính hiển vi để soi trong cốc nước mà biết được? Đó là ngài dùng cái trí tuệ chân thật nó phát ra từ trong tự tánh mà thuyết gia và cái tự tánh đó ai cũng có, tôi có bạn có cây cối hoa cỏ đất đá đều có hết chẳng qua do nghiệp chướng sâu dày giống như mây đen che phủ mặt trời nên ta không nhìn ra mà thôi. Lại giống như việc mình nhìn thấy có bố có ông nội thì mình cho là có thật còn ông cố và tổ tiên của mình đã khuất từ thời xưa giờ k còn k nhìn thấy nữa ta cũng lại cho là họ không tồn tại k có thật à.
       
    • @kiss6789
      Phật Giáo phát triển đến giờ và dần được thế giới cũng như các nhà khoa học công nhận thì cũng phải hiểu cái tầm trí tuệ hiểu biết của nó mà đã xuất phát gần ba ngàn năm trước đây

      Đính chính chút là Ghi nhận, cứ không phải công nhận. Cảnh giới Phật thì chắc bạn chưa đạt nên cũng không nên thuyết phục người khác là nó có, Phật cũng dạy nên tự mình trải nghiệm thì hơn.
       
    • @goldensea80 Vâng ,bạn hãy thử trải nghiệm Phật Pháp , nếu có một món ăn ngon mà bạn chưa từng ăn qua mà tớ có tả cách làm bạn cũng k thể biết trừ khi bạn cũng phải ăn món đó rồi. Nên nói chuyện Phật Pháp với một người chưa có lòng tin chưa từng đi sâu về vấn đề đang nói để có cùng cảm nhận và quan điểm chung thì rất khó.
       
  • Khiếp, vào đọc cứ như rơi vào cõi ma thiên kiếm hiệp.

    Ngày Giáp Dần không tốt cho em nên chả dám bàn
     
  • Ngày xưa học môn logic. Chia làm 2 nhóm chứng minh: Có ma vs Không có ma. Mình chọn chủ đề "không có ma" và cuối cùng thua...bởi trong lớp hơn phân nửa con gái sợ ma + 1/3 con trai cũng sợ ma. Đến giờ vẫn còn ức chế.
     
  • @goldensea80
    Hoặc ví dụ kinh điển về những nhân tố hình thành vật chất. Triết học phương Tây thì cho là gồm 4 thành tố cơ bản Đất, Nước, Khí, Lửa, triết học phương Đông thì cho là gồm 5 thành tố là ngũ hành. Những cái đó khoa học đã chứng minh là sai (ấy thế dân mình vẫn tin ngũ hành lắm lắm )

    Xin phép quote một đoạn của bác xuống dưới này để nói chuyện tiếp về một khía cạnh nho nhỏ.
    Không chỉ có triết học Hy Lạp có quan niệm về 4 thành tố cấu tạo nên thế giới vật chất, bản thân Tứ Đại cũng là quan niệm của Phật khi nói về vấn đề này. Các nhà triết học Hy Lạp có thể bị giới hạn bởi thế giới quan trong giai đoạn lịch sử của họ, về phần Đức Phật em xin thanh minh một chút, với một người đã hiểu biết đến thấu triệt như ngài tại sao vẫn giảng về Tứ Đại một cách "lạc hậu" như vậy.
    Nguyên do có lẽ là bởi khả năng nhận thức của người xưa, Đức Phật có thể hiểu rõ về thế giới vật chất, nhưng quan trọng là nói sao để những người nghe cảm thấy gần gũi và hiểu được, đó mới là cái khó. Ngày nay chúng ta cũng nên nhìn nhận thoáng hơn, tránh rơi vào cái bẫy của từ ngữ, vì ngữ nghĩa luôn hạn hẹp.
    Có thể hiểu đơn giản thì Đất - Nước - Gió - Lửa chính là các đại diện cho các hình thái tồn tại của vật chất: thể rắn - thể lỏng - thể khí - và lửa là thể plasma + năng lượng. Như vậy thì thỏa đáng hơn.

    Ngũ hành lại không phân chia vật chất theo dạng tồn tại mà theo tính chất và sự tương tác của nó với thế giới xung quanh do đó: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ không thể diễn giải thô thiển là Sắt, Gỗ, Nước, Lửa và Đất mà nên hiểu là các tính chất: tĩnh lạnh, ôn hòa, mềm mại, thúc đẩy và nguồn gốc.
    Nếu hiểu như vậy thì cách nói của người xưa không hề lỗi thời và phi lý bác ạ, vì nó thực ra chính là bản chất của sự tồn tại trong thế giới vật chất .
     
    • @downfall Ồ cách diễn giải về rắng lỏng, khí, plasma rất hay Rõ ràng là không phải tự nhiên mà ra 4 thứ như thế mà qua quan sát hàng ngày của các triết gia xưa. Có thể hiểu nó giống như phân loại sự vật vậy.
      Tuy vậy thì việc gán cho Phật và các Triết biết tất nhưng dân chúng ngu nên phải diễn giải như thế thì với mình là gượng ép. Nếu thật sự thông tuệ mọi thứ thì không phải đợi đến 2000 năm sau những thành tự khoa học hiện đại mới nảy mầm, và không phải trên đất Phật.
       
    • @goldensea80 Về các nhà triết học cổ thì em không đưa ý kiến vì em cũng không tìm hiểu nhiều. Về Đức Phật, tại sao người không dạy chúng ta kỹ hơn về vật lý hay hóa học, có một câu trả lời là Đức Phật không quan tâm tới những vấn đề khoa học mà ngày nay chúng ta đánh giá cao và quan tâm.
      Mục đích của Đức Phật là giảng dạy và khai sáng, và việc khai sáng tâm thức thì không đi cùng một con đường với những hiểu biết khoa học kỹ thuật thông thường.
      Càng hiểu biết sâu về thế giới vật chất thì chúng ta càng bị lạc vào cái mà Đức Phật gọi là vô minh - một cái vòng luẩn quẩn của chấp niệm. Những kiến thức về khoa học ngài đưa ra chỉ là đơn sơ và vừa đủ để chứng minh một số vấn đề về tâm linh mà ngài cần lý giải.
      Ví dụ như để nói về vấn đề sát sinh, ngài đưa ra ví dụ là mỗi miếng nước chúng ta uống đều chứa trong đó vô số trùng nhỏ, kiến thức này thực ra đã đi trước sự hiểu biết của nhân loại thông thường 2 ngàn năm rồi.
      Nói thế này cho đơn giản, bác muốn dạy con bác hiểu biết cơ bản để tham gia giao thông an toàn, bác sẽ dạy cái gì đầu tiên? Chắc chắn sẽ dạy cái đơn giản nhất là đi về bên phải. Bác không thể ngồi cả buổi để dạy cho nó là đèn đỏ đôi khi có biển được rẽ phải, đôi chỗ đèn đỏ lại chỉ được rẽ trái blah blah - làm vậy chỉ khiến đứa trẻ rối mù hơn mà thôi.
      Khoa học càng phát triển, con người càng nghiên cứu xa và sâu hơn, xa thì chưa đi đến tận cùng vũ trụ, sâu thì chưa đến tận cùng của vật chất. Ngày nay chúng ta đang mong muốn chứng minh được sự tồn tại của hạt Higgs và coi đó là hạt của Chúa. Bác tin em đi, sau khi chứng minh được thì vài năm nữa lại có một hạt nhỏ hơn nữa tòi ra mà thôi. Lanh quanh lẩn quẩn trong cái mà Đức Phật gọi là vô minh.
      Em không phủ nhận là những hiểu biết về khoa học kỹ thuật hiện nay khiến cho đời sống vật chất của con người ngày một tốt lên, tuy nhiên đời sống tâm linh thì đang ngày một tồi đi so với trước kia. Và khó có thể nói được rằng bên nào là tốt, bên nào là xấu.
       
    • @downfall tóm lại bạn chỉ giả định là Phật biết mọi thứ nhưng không quan tâm nên không dạy. Giả định đó không có cơ sở.
      Về vô minh, vô thường, .. về cơ bản là những trải nghiệm có thể rút ra khi quan sát cuộc sống hàng ngày mà không cần đến khoa học. Không có nghĩa tôi nói: tôi biết có nhiều điều khoa học còn chưa biết - nghĩa là tôi biết tất cả.
      Về đời sống tâm linh, hay đạo đức, có nhiều quan điểm là đạo đức phải bắt nguồn từ tôn giáo, vấn đề này hẹn bạn 1 dịp khác. Ở đây khá dài rồi.
       
Viết bình luận mới
Website liên kết