Avatar's daohoadaochu

Ghi chép của daohoadaochu

Quyết đấu với tâm không!

 Trích đoạn truyện ngắn "Tu Bụi" của nhà văn Trần Kiêm Đoàn. Đây là lý do mãi mãi trí tuệ nhân tạo hay máy móc không bao giờ chiến thắng con người cho dù hiện đại hay tiến hóa đến thế nào đi nữa.

Trí Hải ngồi sâu giữa bóng tối chạng vạng cho đến khi trăng lên. Gã tiều phu và con trăng mùa thu lạnh mát trên kia có một cái gì thật giống nhau mà Trí Hải chưa thể định hình, gọi tên cho rõ mặt. Dòng suy tư chờn vờn và lốm đốm chưa có một hình thù rõ nét như bóng trăng xuyên qua rừng cây. Ánh trăng dát vàng trên lá, nhuộm bạc trên đất, nhưng chỉ một thoáng gió đi qua, lá không còn nguyên điểm cũ thì ánh trăng cũng không còn để lại một dấu vết gì trên lá, trên đất. Cái gã đốn củi đốt than kia cũng thế. Gã không có một chút gì dính mắc dù chỉ là cái tên giả tạm. Gã không quan tâm tự nhận biết mình là ai. Cái đầu, cái tay, cái ý thức của chính gã đều được xem như là một tập hợp nối kết tình cờ và sẽ tan đi chẳng còn dấu vết. Con trăng phủ nhận dấu vết của ánh trăng, cũng như gã tiều phu phủ nhận cái tôi mà ai cũng tự cho là trọng đại của mình. Phải chăng vì thế, nên trăng mãi chiếu hoài muôn phương mà không hết sáng và gã tiều phu ngồi ngủ những giấc dài trong trong vắng lặng mà không bị thảng thốt giật mình bởi hoàn cảnh xung quanh níu kéo.

Sự chiến thắng xưa nay là một cách nói khác của sự sống còn trên xác chết. Sự vinh quang náo nức của người chiến thắng là nỗi tủi nhục ê chề của người chiến bại. Nụ cười của kẻ được là tiếng khóc của kẻ thua. Đôi mắt trong ngần không váng vất chút mê mờ tham vọng và nụ cười vô tư của người đốt than không ngừng hiện lên trong tấm gương soi mình tưởng tượng của Trí Hải. Trận cờ thư hùng sắp đến cứ sau mỗi đêm suy nghĩ lại nhạt dần ý nghĩa ban đầu của nó. Trận cờ như một thách đố phù du. Người thua sẽ bị chôn vùi tên tuổi và sự nghiệp. Người thắng cũng sẽ bị chôn vùi trong tham vọng và kiêu căng. Càng gần đến ngày hẹn đấu, Trí Hải càng ít quan tâm hơn. Không còn những buổi tập trận trên bàn cờ với Phạm Xảo và các danh thủ đất thần kinh. Trong lúc Phạm Xảo và mọi người ở phía phe nầy hay phe kia đang bị thiêu đốt vì sự nôn nóng lẫn lo lắng đang cháy ngùn ngụt về số phận của trận cờ sắp đến thì Trí Hải càng kéo dài hơn những phút ngồi tĩnh tọa trong rừng vắng. Tâm không dính mắc với cuộc cờ nên trí cũng chẳng tư lự với giới hạn hay thế cờ của phe địch phe ta.

Chiều hôm gần tối trước ngày hẹn của trận đấu Trí Hải vẫn còn trải lòng với cỏ cây trong rừng. Khi quảy bao than lên vai, khác với những lần trước, người đốt than đi chậm lại như có ý chờ Trí Hải cùng về. Trí Hải bước theo. Trên con đường rừng gập ghềnh nhá nhem tối, chẳng ai nói với ai lời nào. Chỉ có tiếng lạo xạo khô khan của bước chân trên đường sỏi đá là tâm đắc chuyện trò không ngớt.

Ánh đèn xóm đêm đã thấy xa xa. Người đốt than lên tiếng trước làm vỡ sự tĩnh mịch của buổi chiều trên đường vắng:

- Lý do nào khiến quý hữu vào rừng?

Trí Hải trả lời thành thật:

- Tôi muốn được yên tĩnh.

- Bị đời khuấy động lắm sao?

- Không hẳn thế. Nhưng có lẽ sự khuấy động dấy lên từ trong lòng mình.

- Thất tình, thất bại, thất sủng?

- Chẳng vướng "thất" nào cả.

- Vào rừng được gì?

- Được cái trống không.

- Cho ai?

- Cho một cuộc cờ sắp đến.

- Hiểu rồi!

Cuộc đối thoại thân tình nhưng nhấm nhẳn giữa hai người bỗng rơi vào lặng im. Lời nói không luôn luôn là phương tiện tốt nhất để chuyên chở ý nghĩ làm cho người ta hiểu nhau rõ hơn.

Qua bến đò khi sắp chia tay, người đốt than đột ngột hô lên:

- Pháo 2 bình 5! Đi… !

Trí Hải phản ứng một cách ngỡ ngàng:

- Bác tiều cũng biết đánh cờ mù à?

- Đi!

Sự thôi thúc như ra lệnh của người đốt than khiến Trí Hải phản ứng theo quán tính:

- Mã 8 tiến 7.

- Mã 2 tiến 3.

- Xe 9 bình 8.

- Xe 1 bình 2.

- Tốt 7 tiến 1.

- Hỏng!

- ?!

- Bị dính chặt với những thế cờ đã cũ thì có khác gì mượn cánh vịt đồng mà đòi bay vào vùng trời Đâu Suất!

Sau câu nói của người đốt than, hai người lại im lặng đi cho đến khi về đến khu đồng bằng dân cư. Trí Hải hỏi:

- Làm sao để khỏi hỏng?

- Tìm cái mới!

- Cái mới từ đâu?

- Từ trong cái cũ nhưng thoát ly cái cũ.

- Bằng cách nào?

- Đừng dính mắc!

Hai người lặng lẽ chia tay không một lời chào từ biệt. Cái giao tình bên ngoài có vẻ nhạt thếch. Quân tử chi giao đạm nhược thủy…

Trí Hải về dinh ngủ một giấc say sưa cho đến khi có tiếng gà gáy sáng. Lại tiếng gà tỉnh thức giữa dòng định mệnh trôi theo đường xuôi nẻo ngược. Trí Hải lẩm bẩm trong đêm vắng một mình: "Đừng dính mắc!" Ánh trăng chiếu muôn phương, tiếng gà vang xa khắp nẻo vì không bị vướng vào giới hạn giữa ta với người; không dính mắc vào những sản phẩm của tạo hóa bày ra đã cũ. Rồi trong dòng suy tưởng, cả 32 quân cờ xao xác tìm nhau. Không có bên này Sở hà, bên kia Hán giới. Không có bên nầy đương đầu pháo quá hà xe; bên kia bình phong mã, đấm tốt, bình pháo đổi xe. Những thế cờ đối công phản kích dính chùm giữa cuộc binh đao không lối thoát phải được hóa giải để đi tìm một con đường mới. Những quân cờ phải ra trận, phải đấu nhau như bánh xe phải lăn trên đường cái là chuyện tất nhiên. Không ai sắm những quân cờ để làm hoa trang trí cả. Nhưng quân cờ phải đi theo đường bay tâm trí của hai đối thủ quyết đấu sống chết đang ở giữa cuộc cờ. Làm sao "đừng dính mắc" giữa hai gọng kềm đối kháng mới chính là xương sống của hồi chung cục mà Trí Hải đang miên man nghĩ đến.

(Trích Trần Kiêm Đoàn)
2930 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  

41 bình luận

  • Loài người và loài-bất-người
    Giao hoan mộng mị
     
  • Về vấn đề trí tuệ nhân tạo, cá nhân mình vẫn nghĩ chắc chắn sẽ vượt người, sớm hay muộn. Cách nghĩ loài người là nhất, là trung tâm, và trí tuệ/ý thức/cảm xúc cũng phải theo cách của loài người là định kiến.

    Một năm trước viết bài này, giờ cách nghĩ vẫn không đổi. https://ltus.me/CEa
     
    • @thinker Khi con người thoát được ra khỏi sự hơn thua thì tự nhiên máy bị rơi vào tập rỗng, tức nó không còn đấu với ai nữa.
       
    • @daohoadaochu đấu là khái niệm của con người mà. Máy chỉ có mục đích và cách thực hiện thôi. Và con người chỉ có thể thoát được sự hơn thua khi mà có 1 sự thay đổi to lớn bước ngoặt, chẳng hạn như việc không phải là loài "thông minh nhất" có thể là 1 trigger. Các trigger khác có thể là việc can thiệp vào tiến hóa sinh học, hoặc các vấn đề thảm họa môi trường có nguy cơ tồn vong, vv.
       
    • @thinker : Suy nghĩ tạo ra các vấn đề, rồi cũng chính suy nghĩ lại đi tìm cách giải quyết các vấn đề. Con người tạo ra các luật chơi, và tự mình chui vào các luật chơi ấy, và bị trói buộc bởi các luật chơi ấy, và lại tạo ra các luật chơi khác. Ma trận này khiến cho lúc người là máy, lúc máy là người, đôi lúc không phân biệt được.

      Chỉ cần thoát ra khỏi các luật chơi do chính mình định nghĩa ra. Thì không còn ai thắng ai thua nữa. Giống như đang mơ thì cuốn theo giấc mơ. Khi biết mình đang mơ thì thoát khỏi mọi sự ràng buộc mà giấc mơ chi phối.
       
    • @daohoadaochu nếu nhìn theo nấc thang dài, thì những người giác ngộ nhất hay thiên tài nhất cũng chỉ lóp ngóp nổi lên trên 1 tí thôi, người dưới nhìn lên tưởng cao, nhưng so cả cái thang thì rất ko đáng kể. Mình luôn nhìn về cái thang dài, và con người hay sinh vật nói chung chỉ co thể thay đổi/tiến hóa đáng kể khi điều kiện bên ngoài thay đổi bước ngoặt. Thay đổi theo cách gì ko chắc, nhưng có thể 1 hệ quả là loại bỏ sự hơn thua.

      Không chắc là đang cùng trả lời/thảo luận cùng 1 ý ko nữa, nhưng tóm lại đó là cái mình muốn nói
       
    • @thinker Bởi vì tâm trí mình vẫn tạo ra một hệ không gian, hệ quy chiếu để so sánh, vẫn còn trên dưới, thấp cao, khi còn hệ quy chiếu tức tâm trí ta bị trói buộc bởi các quy luật của nó tự tạo ra.

      Nếu không còn hệ quy chiếu nào nữa thì sao? Nếu không còn thời gian, không gian nữa(những sản phẩm do trí tưởng tượng con người tạo ra), thời gian và không gian không thật có!
    • @daohoadaochu, @thinker hai vị nói chuyện "cụ thể, duy lý" 1 tý đi, đọc comment căng óc ra nghĩ vẫn khó hiểu. Hic. So Deep.
       
    • @daohoadaochu nếu mà nói quá rộng dài thì chả còn gì để nói. Vì có cái gì là có mục đích/ý nghĩa đâu, ý nghĩa là do con người gán cho nó. Trong khuôn khổ sinh vật, bao gồm con người, còn tồn tại đây, là do bản năng sinh tồn và duy trì của loài. Lẽ dĩ nhiên, sinh tồn cũng chả có ý nghĩa gì, nhưng đơn giản là là có bản năng đó thì tồn tại, còn không thì cũng đã ở dạng nào khác rôi. Và con người, dưới góc nhìn sinh vật, ko bao giờ thoát ra được điều đó.

      Ganh đua hay không ganh đua, đâu khổ hay không đau khổ, buông bỏ hay không buông bỏ, điều đó có ý nghĩa gì? Thảy đều không có. Kể cả sự "không có ý nghĩa" cũng không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, nếu điều nào trong số đó có ích lợi cho sự sinh tồn của loài thì được chọn lọc thôi, dù bản thân sự chọn lọc cũng chả có ý nghĩa gì.
       
    • @honglamsg
      Một với một là hai
      Hai thêm hai là bốn
      Bốn với một là năm
      Chúc bác ngủ ngon. Em đọc lại em còn không hiểu em viết gì mà bác cũng cố hiểu làm chi. Hihi.
       
    • @daohoadaochu Tôi thở vô, tôi thở ra, tôi thở vô dài, tôi thở ra dài, tôi thở vô ngắn, tôi thở ra ngắn. Ngủ. Đấy mới là cụ thể, duy lý.
       
    • @thinker, @daohoadaochu
      - Q: Hệ mặt trời chả là cái gì so với dải ngân hà. Vũ trụ bao gồm tỷ tỷ thiên hà, vậy sự tồn vong của loài người bé nhỏ đâu có gì mà phải nghĩ?
      - A: Tôi tư duy nên tôi tồn tại. Tôi chỉ đơn giản nghĩ về sự trí tuệ nhân tạo, sự tiến hóa, sự diệt vong,... cùng cái cách mà tôi nghĩ về giải ngoại hạng, về bộ phim yêu thích hay về một ván cờ: với sự khách quan và háo hức, vì nó là một cái gì đấy hay và đẹp. Tôi chỉ đơn giản tận hưởng nó, và tận hưởng việc suy ngẫm về nó mà thôi.
       
  • Câu hỏi cốt lõi là. Vậy thì sao còn cần phải đấu? Tới gặp nhau, xong ôm hôn nhau thắm thiết đi về, thần giao cách cảm có tốt hơn không? Hoặc thậm chí cả cần tới gặp nhau, cứ rừng ai người đó ngồi.
     
    • @tanng Đoạn sau kết truyện đúng là như vậy đó bác ạ Bác đoán truyện như thần.
       
    • @daohoadaochu

      Vậy là dẹp luôn môn cờ hả bác?
       
    • @tanng Vâng, cuối cùng thì cờ cũng chỉ là trò giải trí! Giống như bóng đá ban đầu họ chơi cho vui, khỏe, thể thao, sau thành cái của tôi, cái của anh, đội bóng quê tôi, đội bóng quê anh, tôi thắng, anh thua, tôi vô địch, anh thất bại, rồi cá độ, rồi holigan. Nếu quay về nguyên thủy ban đầu thì đỡ mệt bác ạ. Cái gắn vào nó càng gắn bao nhiêu càng nặng nề bấy nhiêu ạ.
       
    • @daohoadaochu

      Nếu mà dẹp luôn khỏi chơi thì chán chết. Phải có cách nào vẫn chơi, vẫn vui chứ.
       
    • @TanNg vẫn chơi mà bác. Nhưng dừng lại ở mức thư giãn ạ. Ranh giới rất mong manh
       
    • @daohoadaochu Vậy là chỉ bỏ đấu, còn chơi vẫn chơi. Lúc đầu mình tưởng bác nói là bỏ luôn cả chơi.
    • @tanng chơi thì vẫn chơi, nhưng hơn thua không quan trọng, không dính mắc vào chuyện hơn thua.
       
    • @honglamsg vừa hơn thua vừa thư giãn cũng ok mà. Nhờ thi đấu mới tạo ra những nước cờ hay, trận đấu đẹp, bàn thắng ngất ngây rơi nước mắt
       
    • @daohoadaochu, @tanng cờ hay bóng, nếu chỉ sơ khai nguyên thuỷ cho vui thì làm sao nâng level đc. Tất nhiên "nâng" bác Đảo chủ còn ko cần thì nói làm gì.

      Có mâu thuẫn mới có phát triển. Sau khi loay hoay với vấn đề "có nên vươn lên, tranh đấu hay chỉ nên nguyên thuỷ sơ khai cho đỡ mệt", con người sẽ lại tìm ra một thang mức mới của thư giãn, chơi, vui. Lúc đó thư giãn chơi vui nhưng ở đẳng cấp mới, tự vượt qua được mình. Đó mới là phát triển chứ.
       
    • @lockevn Tiến hóa và phát triển hầu hết đều mong nó tốt đẹp hơn, nhưng do chúng ta không biết thế nào là tốt đẹp hơn, mới chỉ dừng ở mức hiện đại hơn chứ chưa chắc tốt đẹp hơn.

      Ví dụ: Ngày xưa chúng ta oánh nhau bằng giáo mác gậy gộc, giờ ngồi một chỗ ấn nút bom nguyên tử, chết nhiều hơn.

      Ví dụ ngày xưa chúng ta trồng trọt chăn nuôi ban sơ, không chất bảo quản, không hóa chất, không GMO thực phẩm biến đổi gien, ngày nay thực phẩm phát triển hơn, tiến hóa hơn, nhiều hóa chất hơn, biến đổi gen hiện đại nâng cao năng suất hơn--> Con người chết nhanh hơn.

      Nâng lên, tưởng là lên, cuối cùng thành xuống.

      Vì đằng sau cái Nâng lên ấy nó ẩn chứa rất nhiều. Một số bạn bảo Đạo làm nhân loại kém phát triển đi, nhưng, họ còn không biết phát triển lên là lên thế nào? do không biết đâu là tốt đâu là xấu, cuối cùng là phát triển lên nóc nhà là lên nóc nhà. Lên nóc nhà để bắt con gà. Bắt con gà để ăn thịt gà, ăn thịt gà tẩm hóa chất, nuôi trồng không tự nhiên thì lại xuống nóc nhà.
       
    • @daohoadaochu bạn mở rộng quá. Mình làm IT, nên scope rất chuẩn, đúng phạm vi đang bàn thôi. Phạm vi đang bàn/nghị luận của mình lẫn bác @TanNg là trò chơi thôi.

      Còn về vũ khí thì mình đồng ý với bạn.
      Về lương thực, cũng đồng ý một phần, dù ko hoàn toàn.
       
    • @lockevn Bác ý cũng IT mà, nên em hiểu là bác chê bác Đào tư duy logic kém .
    • @lockevn : Em cũng làm về IT mà.
      Lương thực này: https://ltus.me/AkW

      Cờ cũng thế thôi bác ạ, lúc đầu cờ phục vụ mình, sau mình phục vụ cờ. Bản chất giống nhau, bởi mình không biết cái đích của phát triển là gì, tưởng là Nâng lên, cuối cùng thành hạ xuống. Xác định cho mình cái đích rất khó. Nhiều khi mình tưởng đấy là cái đích tốt đẹp, phát triển. Sau một thời gian thẩm định lại mình mới biết là nhầm. Không chỉ cờ, mà cái khác cũng thế.
       
    • @tkm nói mình có ý chê @daohoadaochu lan man về scope + nâng quan điểm là cũng đúng.

      Scope của mình nói về cờ, là cái món ko chơi ko chết, chơi cũng ko chết, nói chung là chả ảnh hưởng gì cho đời, cũng ko phổ biến ở số đông.

      Lương thực, vũ khí là cái hoàn toàn khác, liên quan tới sinh tử sống chết.
      Nói về so sánh, đã ko tương đương, cả về scope, tầm vực quan trọng của từng thứ, lẫn chuyện ra tiền, tầm ảnh hưởng tới số đông.


      (về IT: biết cách isolation, separated of concern, avoid side effect là vài tiêu chí quan trọng để làm phần mềm ở mức trung-cao . Chê hay ko mình ko dám chắc, nhưng nó là điều kiện cần khi làm việc để có một phần mềm tốt.
      Lúc design, cần nhìn tổng quát, mối liên quan của tất cả các thành tố, càng rộng càng tốt, nhưng design tốt lại là bản design cô lập hoá từng phần được, cho các ông làm càng cô lập, càng ko ảnh hưởng tới nhau càng tốt)
       
    • @lockevn Đồng ý với bạn, nhưng cái quy mô mình nói ở đây không chỉ nói về cờ, truyện nó hay ở chỗ nó nói về toàn bộ đời sống bạn ạ. Nên mình không nâng quan điểm đâu. Không rõ bạn đã đọc hết truyện ở trên và hiểu ý tác giả chưa nhỉ?
       
    • @daohoadaochu Mình có đọc đoạn trích của bạn thôi, ko phải toàn bộ truyện. Các bình luận của mình chỉ đúng về trích đoạn, là về cờ thôi. Ko áp dụng, quy nạp, tổng quát, khái quát hoá, ra các tầm vực khác

      Mình có đồng ý (và vẫn áp dụng bấy lâu nay) với 2 ý của tác giả (của đoạn trích)
      - tìm trống không, tìm tâm tĩnh trước trận đánh
      - thoát khỏi ràng buộc, định kiến, thói quen cũ, lối mòn cũ ("dính mắc" theo câu chuyện trên)
      Mình dùng nó khi gặp tới hạn của vấn đề (tận cùng mâu thuẫn).

      VD trong tennis, quan điểm của mình là cố gắng trở thành một đối thủ khó đoán:
      - không tung ra 3 chiêu giống hệt nhau liên tiếp bao giờ.
      - không cho đối thủ biết được lối chơi kiểu gì (công hay thủ, đều hay gắt, ...)
      - kỹ thuật toàn diện để chủ động thay đổi được phong cách (theo 2 điểm trên)
  • " Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọn g và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường." Các thầy làm tôi nhớ Trịnh .
     
  • Đoạn trích hay quá
  • @daohoadaochu đơn giản là con người có thể giác ngộ còn AI thì không, con người có thể hiểu bát chính đạo, tứ diệu đế còn AI dù cải tiến đến đâu cũng không tự buông bỏ, không tự ý thức về sự tồn tại của nó, biết cái tồn tại đấy là khổ là giả tạm mà buông, giới hạn nằm ở chỗ nó k có giới hạn. Mong có thêm những bài chia sẻ hay của bác
     
    • @ba_caychuoi
      Khi lên cao, rất cao thì chưa biết, nhưng ở những "tầng" thấp hơn thì có thể AI sẽ có một số lợi thế.

      Giả định là AI đã đạt tới trình độ "tự học", tự biết "hoàn thiện" mình, thì trong quá trình "tiến hóa", "thăng hoa", nó không bị "can nhiễu" bởi DANH, LỢI, TÌNH. Một khi AI biết tự học, nó sẽ học mãi không ngừng, không bị cản trở bởi tâm tranh đấu, tâm hiển thị, tâm đố kỵ

      Con người trong quá trình tu luyện, chẳng phải là bỏ hết thất tình lục dục hay sao? Đạt tới một cái tâm tĩnh lặng như nước, xử lý mọi việc dựa trên trí huệ chứ không phải cảm xúc sao?

      Liệu ngay khi AI đạt tới trình độ "tự học" (về mọi mặt) có được đặt ngang cảnh giới với những người tu luyện không? @honglamsg, @daohoadaochu

      Bản chất của tư tưởng, suy nghĩ cũng là một "trường" nào đó mà Vật Lý chưa khám phá ra được. "Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh"; "Xấu tốt tự một ý niệm"... Một người tu luyện có thể ước chế những người xung quanh, hạn chế những suy nghĩ bất chính trong đầu họ.

      "Thần thông" cũng là một "trường' mà Vật Lý chưa khám phá được. Nó có thể chữa bệnh hoặc ước chế những người khác...

      Tất cả liệu có phải vật chất không? Nếu tất cả đều là vật chất thì liệu có cơ hội nào cho AI tiếp tục phát triển nữa không? Chạy đua với người tu luyện không?
    • @xvietbac xin hỏi bác một chút, tu tập chẳng phải để đưa người ta đến cái tâm vô lượng, đã là vô lượng thì có vật chất không: không, có bản ngã không: không, có hình thái không: không. AI dù là trong một đĩa CD hay Cloud hay phần mềm vẫn phải nương tựa vào thứ gì đó mà thành hình thành tướng, thành tiếng... nghĩa là vẫn vướng vào vòng thành-trụ-hoại-không, còn người giác ngộ thì không
      Người hay sinh vật cao thấp khác khi chết đi tùy duyên mà hội ngộ kiếp sau còn AI chỉ có một kiếp, một số phận sau khi được tạo ra, đấy là cái mà AI không thể học hỏi được và cũng là cái đã là người thì không nên quên
       
    • @xvietbac AI là danh sắc của danh sắc. Nibana là chấm dứt danh sắc. AI dùng khái niệm để định nghĩa khái niệm. Nếu khái niệm không còn chỗ sinh diệt thì AI tự tan vỡ.
       
    • @ba_caychuoi
      Ý 1 của bạn: Mình tin rằng có rất nhiều La Hán, Bồ Tát, thậm chí Như Lai cũng rất nhiều. Nếu tất cả là Không tuyệt đối, có cách nào để phân biệt các vị Phật đó không? Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, như những gì mà các ông thể hiện tại thế gian mà con người có thể cảm nhận được, là khác nhau. Sự khác nhau đó, theo mình là "Khác Không", chỉ có điều sự khác nhau đó là ở một đặc tính "siêu việt", ở tầng chúng là miễn bàn luận.

      Ý 2 của bạn: Con người luân hồi là do có Nguyên Thần. Mình tự hỏi AI có nguyên thần hay không?


      @daohoadaochu Trong 4 câu của bạn, để đi đến kết luận cuối cùng, thì phải giả định 3 câu trước là đúng. Mình không nói được gì nữa. Mình tin là, ngoài con người, động, thực vật thì những vật "vô tri vô giác" như đồ dùng hàng ngày của chúng ta cũng CÓ THỂ là sinh mệnh

      --
      P/s: Mình mới tìm hiểu Phật Pháp. Kể từ đó trong tâm mình có rất nhiều mâu thuẫn, nghi hoặc... Nếu có nghi hoặc nào "ngô nghê", "bất kính" xin các bạn nhiệt tình trao đổi, để mình... về nhà suy nghĩ thêm
    • @xvietbac "nguyên thần" "khác không" đều là bản ngã, tự tánh. Trong quá trình tìm hiểu Phật pháp m ngẫm ra rằng nếu vẫn còn loanh quanh ở một cái tôi nào đấy thì các khái niệm sẽ giẫm vào chân nhau, không ngộ chứng được, m hy vọng bạn cũng vậy.
      Ý thứ nhất của b: các vị La Hán, Phật cũng phải trải qua ngàn vạn kiếp chúng sinh mới trúng quả giác ngộ, khác nhau là ở quá trính tu luyện, nhưng giống nhau ở quả. Khác ở nhân nhưng giống về quả đấy là cái hay mà Phật nói: Phật ở trong mỗi chúng ta, Phật tại tâm, là lý do ai cũng có thể tu thành Phật. Đã là "Tính Kohong" thì không có "Tính Không 1", "Tính Không 2",... một chiếc lọ không đựng gì cũng giống một chiếc chai không đựng gì cũng giống như một chiếc hòm không đựng gì
      Ý thứ hai: AI cũng tạo ra nhân duyên khởi, con người hay các loài vật cũng tạo ra nhân duyên khởi tượng hỗ, hòa hợp với nhau nên nói là AI có luân hồi là vừa đúng vừa sai, nói con người có luân hồi cũng là vừa đúng vừa sai. Sai nếu còn chấp trước, tin vào bản ngã, đúng nếu linh hoạt, hòa hợp, trung dung
       
    • @ba_caychuoi thú nhận là mình chỉ loáng thoáng nắm bắt được ý của bạn. Có lẽ "hơi cao" so với mình

      Mình muốn hỏi thêm (hị, mới học thì có nhiều thắc mắc là đương nhiên và tốt phải không ): Nếu AI có khả năng tự học và tự ra quyết định, thì nó có "số phận" hay không?
       
    • @xvietbac trích lời nhà vật lý người duy nhất mà mình nghĩ có thể thách thức Albert Einstein và cũng thắng Einstein nhiều lần - Niels Bohr: "Tất cả chúng ta đều bị treo lơ lửng trong ngôn ngữ" (We are all suspended in language)
      Để trả lời câu hỏi của bạn thì phải quay trở lại câu hỏi thế nào là sinh vật và thế nào không phải sinh vật, AI-những thứ không phải sinh vật nói chung có trở thành sinh vật được không. Những thí nghiệm như "phép thử Turing" chỉ ra rằng không có cách nào tuyệt đối phân biệt giữa người và máy, vậy có chăng hy vọng những thứ như Siri có thể trở thành Doraemon?!? M không nghĩ vậy
       
  • Con người chỉ vì vọng tưởng, phân biệt và chấp trước mà chẳng thể chứng đắc. Dùng tâm quán xét sự vật, sự việc xung quanh thấy mọi thứ đều vô thường chợt còn chợt mất giống như bọt nước nổi nên giữa biển rồi vội tan biến, thắng thua cao thấp hay sống chết đều là vọng tưởng. Quá khứ như cơm thiu, hiện tại là cơm chín nóng, tương lai là gạo sống, chúng ta hãy sống ở hiện tại đừng truy cầu tương lai chưa đến và ăn cơm đã thiu sẽ rất dễ sinh bệnh. Haizzzz một đống vọng tưởng lại nổi nên rồi đó ạ.
     
    • @kiss6789 mọi người đang nói đến cách ăn cơm chín nóng mà Mình cũng không quan tâm lắm tới cơm thiu với gạo sống, chỉ là đang loay hoay tìm cách ăn cơm chín nóng thôi
       
Viết bình luận mới
Website liên kết