Avatar's EduViet

Ghi chép của EduViet

Đọc tụng kinh chú để làm gì ??

Đọc tụng Kinh chú để làm gì?

Phần lớn người tu học tại gia đều chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc đọc tụng kinh chú. Đọc Kinh là để tu Giới, Định, Tuệ.

Ngũ Giới bao gồm có không sát sinh, không tà dâm, không trộm cắp, không nói dối (không vọng ngữ), không uống rượu (không nghiện các chất kích thích gây hại). Hành trì Ngũ giới cũng như là xây dựng chụp đèn cho chiếc đèn dầu hỏa của quý vị, để phòng hộ giúp quý vị tu Định và Tuệ (giữ cho bấc đèn không bị tắt lửa và ánh sáng được ổn định) chứ không phải là giới luật ép buộc hành giả.

Trong phần chia sẻ của Pháp sư Tịnh Không có nói về 2 mục đích của việc Đọc Kinh như sau:

1. Là tu Định, tu Tuệ: Tức là thành tâm thành ý đọc tụng từ phần đầu Kinh cho đến cuối Kinh, tâm địa khi đọc Kinh là rất thanh tịnh, chẳng khởi dậy tạp niệm, đây chính là tu Định. Trong tâm chẳng có vọng tưởng, Kinh đọc tụng được rõ ràng, liễu liễu phân minh, chẳng có đọc sai, cũng chẳng đọc sót, đây tức là tu tuệ. Có thể nói cách đọc Kinh này chính là phương pháp tu Định-Tuệ đẳng học. Trong quá trình đọc tụng Kinh, không thể chỉ để tâm nghiên cứu ý nghĩa trong Kinh. Vì sao? Bởi vì vừa nghĩ đến ý nghĩa của Kinh thì Định-Tuệ không còn nữa, đều bị phá mất hết.

2. Kiểm điểm cái lỗi của thân và tâm mình: Phật môn thường nói đến Khai Ngộ, vậy cái gì là Khai Ngộ? Ta biết cái lỗi của chính ta, đó là Khai Ngộ, cũng tức là giác ngộ. Có thể đem cái lỗi của chính mình sửa đổi trở lại cho đúng, thì đó là tu hành. Vì vậy, tu hành tức là tu chính hành vi sai quấy của mình. Nói về hành vi, trong Kinh Phật đem nó quy nạp thành 3 đại loại:

_ Sự tạo tác của thân thể, đây là hành vi của thân.
_ Ngôn ngữ của miệng, đây gọi là hành vi khẩu nghiệp.
_ Tư tưởng kiến giải của ta, đây gọi là hành vi ý nghiệp.

Cho nên, thân-ngữ-ý 3 đại loại này thì đem chỗ có tất cả hành vi của ta thẩy đều bao quát cả. Ba đại loại hành vi này khi có sai quấy thì ta đem nó tu chỉnh trở lại. Tiêu chuẩn tu chỉnh này tức là trong Kinh điển chổ nói đó.

Vì thế cách đọc Kinh này đối với người sơ học giúp ích được rất nhiều. Người sơ học nghiệp chướng tạp khí hết sức nặng, lúc đọc Kinh thì giống như soi chiếu chính mình trong gương vậy, hết lòng tỉ mỉ để kiểm điểm kiểm điểm, phản tỉnh phản tỉnh những lỗi lầm trong Kinh nói đó, chúng ta nghĩ xem mình có hay là không? Những việc nên làm, những việc phải làm chúng ta đã thật sự làm chưa? Đây là giúp cho chúng ta đoạn ác tu thiện.

Mục đích đọc Kinh là như vậy, chứ chẳng phải bảo ta ngày ngày đem Kinh đọc qua 1 lần cho Phật, Bồ Tát nghe. Phật, Bồ Tát có cần nghe những lời Kinh ta đọc không? Không có, các Ngài không cần nghe. Phật suốt 49 năm không ngừng giảng Kinh nói pháp chính là để giúp cho tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, đoạn ác tu thiện. Nay ta không nghe lời Phật dạy mà phá mê khai ngộ, mà đoạn ác tu thiện, lại ngày ngày đem Kinh điển ra đọc cho Phật, Bồ Tát nghe, vậy phỏng có ích gì đâu chứ? Đọc Kinh như vậy thảo nào mà chúng ta mặc dù đọc Kinh đã lâu nhưng lại chẳng có được chút lợi ích nào từ việc đọc Kinh cả.

Ví như trong người ta có bệnh, bác sĩ chiếu theo bệnh của ta mà đưa ra toa thuốc bảo nên y theo đó mà bốc thuốc uống thì bệnh sẽ khỏi. Nhưng ta lại không nghe lời bác sĩ bốc thuốc theo toa, mà ngày ngày chạy đến trước mặt bác sĩ cầm toa thuốc đọc cho bác sĩ nghe, vậy thì bệnh của ta làm sao khỏi? Bác sĩ có cần ta ngày ngày đều đọc toa thuốc hay không? Không có. Bác sĩ chỉ cần ta y theo toa thuốc đó mà bốc thuốc uống đặng cho khỏi bệnh mà thôi. Đây chẳng há chính ta đang làm chuyện vô ích đó sao?

2664 ngày trước · Bình luận · Loan tin
·  

0 bình luận

Viết bình luận mới
Website liên kết