Avatar's wateveriam

Ghi chép của wateveriam

[IAMA] tư vấn viên về nghiện ma túy, ask me anything

Mình 27 tuổi, đã làm trong lĩnh vực điều trị nghiện ma túy ở Việt Nam được 2 năm. Công việc chủ yếu của mình là tổ chức các tập huấn và hỗ trợ thực hiện sau tập huấn cho các cán bộ nhà nước ở một số tỉnh về khái niệm và cách thức thực hiện điều trị nghiện ma túy thay vì bắt nhốt vào các trung tâm như trước kia. 


Hiểu biết và kinh nghiệm của mình về điều trị nghiện chủ yếu đến từ các tài liệu của Mỹ, đặc biệt là Viện nghiên cứu về nghiện ma túy NIDA, các khóa học, đào tạo và các lần làm việc cùng các chuyên gia điều trị nghiện từ Pháp và Mỹ, quá trình làm việc cùng các trường đại học và các nhà làm chính sách ở Việt Nam để xây dựng luật và chương trình đào tạo về đề tài này. Mình cũng có tiếp xúc thường xuyên và liên tục với các anh chị em là người sử dụng ma túy ở nhiều tỉnh trong 2 năm vừa qua. Về bằng cấp, mình có chứng chỉ về điều trị nghiện do đại học Paris-Sud (sắp) cấp (đang đợi bằng). 


Mình không thể trả lời hết, nhưng có lẽ sẽ cung cấp được cho mọi người một cái nhìn đa chiều về nghiện ma túy, các loại chất ma túy, người nghiện ma túy và cuộc sống của họ. Nếu ai đã có lần bắt gặp bài viết của mình trên linkhay (rất ít) sẽ thấy mình hay viết rất dài, ở đây cũng vậy, mình sẽ cố gắng cung cấp thông tin thật chi tiết cho ai hỏi. Mình làm mục IAMA này một phần muốn cung cấp thông tin cho mọi người, một phần muốn thông qua các câu hỏi để xem quan niệm chung của cộng đồng linkhay về chủ đề ma túy, do gần đây có khá nhiều thông tin về các chủ đề như ma túy đá, Philippines... 


Mình mong mọi người sẽ hỏi mình thật nhiều và tất cả mọi người vừa trao đổi vừa có cái gì đó để chém gió.

2656 ngày trước · Bình luận · Loan tin
·  

40 bình luận

  • Vì sao chọn nghề này ? Người mà bạn nễ nhất trong ngành là ai? Bạn có định tiếp tục làm nghề này mãi không?

    Cái gì đáng sợ nhất với một con nghiện ?
    Bạn đã cai thành công cho bao nhiêu người ? Cuộc sống họ hiện giờ ra sao?
     
    • @pythongable

      @pythongable mình làm nghề này là tình cờ, mẹ mình trước kia làm trinh sát sau đó chuyển sang làm phòng chống tệ nạn xã hội. Lúc đầu mình cũng không để ý công việc của mẹ lắm. Khoảng những năm 2005-2010 các tổ chức phi chính phủ bắt đầu tác động vào các cán bộ nhà nước làm việc trong lĩnh vực này để tìm cách thay đổi quan niệm và nhận thức của họ. Mẹ giới thiệu cho mình vào thực tập ở tổ chức Liên hợp quốc về HIV/AIDS nên mình dần biết nhiều hơn. Về sau đi làm cũng là tình cờ vì dịch tài liệu mà được tuyển về làm.

      Người mình nể nhất là sếp của mình, cũng là người một tay vun vén để đào tạo mình thành ra bây giờ. Lúc mới bắt đầu điều trị nghiện ma túy là một thứ rất mới, thậm chí hiện nay cả Việt Nam chắc không có quá 10 người có chứng chỉ quốc tế chính thức về điều trị nghiện (lạc đề một chút, dù mình sắp có chứng chỉ nhưng còn cần quá trình thực tập có giám sát nữa mới được cấp chứng chỉ quốc tế). Mình tận mắt chứng kiến quá trình đi từ những bước đầu tiên, cô cứ nhằm những chỗ chưa ai làm mà khởi sướng: đào tạo cán bộ công tác xã hội về điều trị nghiện, thành lập khoa y học về nghiện (cả 2 đều ở bước đầu), xây dựng hướng dẫn về điều trị nghiện... Có 2 điều mình nể nhất ở cô là việc cô đề cao những cách tiếp cận có bằng chứng khoa học và thứ 2 là khả năng làm việc 20/24 giờ mà vẫn giữ được thăng bằng.

      Mình chắc sẽ không định làm nghề này mãi, vì ước mơ từ bé của mình là mở một nhà hàng. Nhưng mình sẽ theo dõi và giúp đỡ những hoạt động này mãi. Những người mình làm việc cùng, họ thường sống cuộc sống không được sung sướng cho lắm, họ cũng không phải lúc nào cũng tốt tính, nhưng làm với họ lâu thì lại không dứt ra được vì họ sống khá tình nghĩa. Nhiều người sống cuộc sống cô độc không ai giúp đỡ nên khi ai giúp họ thì họ rất quý. Vì vậy mà mình cảm thấy gắn bó và thương họ.

      Điều đáng sợ nhất với một con nghiện là bị gọi là một con nghiện. Về mặt tình cảm, họ thường hay bị người khác nghi kỵ nên khó lúc nào họ có thể sống hòa hợp an lành ở đâu, kể cả trong gia đình. Bị lộ danh tính là một "con nghiện" gần như là một dấu chấm hết, mất việc, bị gia đình xa lánh, xã hội xúc xiểm. Thực tế rất nhiều người nghiện ma túy cũng có rối loạn tâm thần đồng diễn, nổi bật là trầm cảm, lo âu. Về mặt khoa học, nghiện có thể được coi là một hội chứng rối loạn tâm thần trong đó bệnh nhân mất khả năng phản ứng với kích thích bên ngoài gây căng thẳng mà chỉ có thể sử dụng ma túy để phản ứng với các kích thích này. Vì vậy, gọi họ là con nghiện hay các ngôn ngữ, ý nghĩ mang tính kỳ thị, chỉ trích khiến họ sử dụng ma túy nhiều hơn và chịu nhiều tác động có hại đi kèm với ma túy hơn. Điều này lại làm tăng căng thẳng của họ và khiến họ lại dùng ma túy nhiều hơn nữa.
       
    • @wateveriam Tùy vào định nghĩa của từ "cai". Hình ảnh cai nghiện mọi người thấy trên TV là giai đoạn "cắt cơn chất dạng thuốc phiện (ở Việt Nam có thể hiểu nôm na chất dạng thuốc phiện là heroin)". Mình sẽ giới thiệu kỹ hơn về mặt khoa học ở dưới comment trả lời bạn Scouter. Mình đã trực tiếp cắt cơn cho khoảng chỉ 10 người - mình chỉ là tư vấn viên, công việc cắt cơn thường là của bác sĩ. Tuy nhiên mình đã giám sát việc cắt cơn và hướng dẫn cắt cơn cho khoảng 150 trường hợp ở một số tỉnh ở Việt Nam.

      Hầu hết những người mình đã trực tiếp tham gia cắt cơn về sau đều sử dụng lại heroin. Tuy nhiên phải nói với mình điều đó không quan trọng lắm. Những người sử dụng lại heroin được giới thiệu tham gia vào chương trình điều trị duy trì, có nghĩa là họ phải đến các điểm cấp phát thuốc hàng ngày để uống một loại thuốc tên là Methadone. Methadone thực chất cũng là một chất dạng thuốc phiện như heroin, nhưng nó "nhẹ" hơn nhiều: không có cảm giác phê sướng, rẻ tiền hơn rất nhiều lần (ở nhiều nơi ở VN một liều methadone tốn 10.000/ngày, trong đó trung bình một người dùng ma túy tiêu hết khoảng 500.000/ngày cho heroin), ít gây hại cho cơ thể, làm người uống không còn vật vã và thèm heroin nữa. Nhờ vậy họ có thể tham gia làm công việc ở nhà, một số người còn có thể đi làm ở các doanh nghiệp bình thường.

      Như đã giới thiệu, mình có làm việc trực tiếp với những người sử dụng ma túy. Những người này được tổ chức lại thành các nhóm nhỏ ở địa phương. Họ có thể vừa uống thuốc methadone vừa tự tổ chức thành các câu lạc bộ sinh hoạt nói chuyện, chơi bóng hơi, có nơi còn tổ chức từ thiện hoặc thực hiện các dự án để tự giúp đỡ những người cùng cảnh. Tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì chỉ khoảng 1/4, 1/5 những người đi điều trị sau đó sẽ tham gia các hoạt động này. Số còn lại sẽ quay lại cuộc sống bình thường, đi làm xa, ở nhà không giao lưu với bạn bè "xấu"... tuy nhiên như đã nói ở trên, khi gặp các kích thích căng thẳng trong cuộc sống họ sẽ lại tái nghiện.
       
    • @wateveriam con nghiện mà ko gọi là con nghiện thì gọi là gì hả bác? Mọi người kỳ thị bởi nỗi sợ ko biết 1 người nghiện có thể gây ra những hành động nguy hiểm gì cho mình (quá nhiều vụ án gây ra bởi tội phạm nghiện ma tuý rồi). Nên bảo ko nghi kỵ thì quá khó, còn hơn rất nhiều người bị HIV. Bây giờ cứ nói tới ma tuý lại nghĩ tới Philippines là thấy sợ rồi
       
    • @luster

      Chào bác, nếu không muốn dùng từ con nghiện thì mình có thể dùng từ người nghiện hoặc người sử dụng ma túy.

      Về các vụ án có liên quan đến người nghiện, em nghĩ báo chí đã tập trung đẩy các yếu tố này lên vì thứ nhất người viết báo có thể không hiểu rõ về ma túy và đã mặc nhiên coi ma túy là động cơ gây án, thứ hai đây là một biện pháp để tăng lượt tương tác khi mọi người vào bài để phê phán ma túy. Sở dĩ em nghĩ vậy vì người nghiện ma túy thường chỉ ăn cắp vặt chứ ít khi thực hiện vụ án nào lớn, do ăn cắp thì họ có tiền nhanh, không phải lên kế hoạch, và người nghiện thường yếu ớt hơn nhiều so với người không nghiện.

      Chuyện của Philippines là do chính phủ đàn áp người sử dụng ma túy gây ra. Trong khoảng 5 tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch, ước tính có khoảng 6000 người bị giết liên quan đến ma túy. Giữa bên người nghiện và bên đang giết người nghiện, liệu bên nào đáng sợ hơn? Trước đó người nghiện có thể gây ra nhiều hơn 6000 cái chết trong 5 tháng để có thể hợp lý hóa biện pháp giết người nghiện hay không?

      Thực tế ở Việt Nam từ khi bên công an thắng thế về chính trị cả về chính sách và tin tức đã có sự thay đổi. Chẳng hạn, bác có thể thấy các tin tức về hợp pháp hóa mại dâm đã biến mất. Một loạt các hướng dẫn mới đã ra đời để cố gắng lại bắt người nghiện đi trại tập trung. Tuy nhiên nếu bác để ý, các khu vực được cho là có vấn đề nhiều nhất với người nghiện cũng thường là những tỉnh có chính sách cứng rắn nhất với người nghiện, nhất là các tỉnh phía Nam.

      Năm 2015 bên em có làm việc với Bắc Giang, họ đã quyết định không đưa một ai đi trung tâm cai nghiện bắt buộc cả, và không thấy có sự thay đổi đáng kể nào đến trật tự trị an của tỉnh. (Lê Văn Luyện không nghiện ma túy )

      Nói dông dài như vậy, cái chính em muốn nói là việc kỳ thị người sử dụng ma túy chưa chắc đã khiến mọi người an toàn hơn. Cách cư xử đúng đắn nhất mà em đã đúc rút ra là không kỳ thị, cố gắng lắng nghe họ nhưng không tin tưởng và thương họ mù quáng mà cần tỉnh táo. Với những người sử dụng đá là người có khả năng kích động do hoang tưởng thì cho thấy mình không đe dọa gì họ mới là biện pháp an toàn nhất, vì phản ứng bạo lực của họ là tự vệ do họ có suy nghĩ hoang tưởng là mình muốn hại họ. Ở Mỹ, với người dùng chất kích thích thì họ ưu tiên để những người có mối quan hệ tốt với người đó, có vóc dáng nhỏ (để trông không nguy hiểm) sử dụng kỹ năng hóa giải xung đột (de-escalation skills) để trấn an bệnh nhân, sau đó đưa bệnh nhân đến nơi an toàn, ăn, ngủ và uống thuốc để hồi phục lại. Đối với người đang hoang tưởng do đá, cử động bất chợt, người cao to, tiếng lớn, đến gần đột ngột, can ngăn, tranh cãi... đều là những dấu hiệu có thể khiến họ thấy nguy hiểm và tấn cộng.

      Nói chung, em nghĩ sự kỳ thị lo sợ là do mình chưa biết về những việc đó. Biết càng nhiều, sợ càng ít bác ạ.
       
  • Theo mình nghe đồn tỉ lệ tái nghiện rất cao, 99%, điều này đúng không, việc vẫn còn lời đồn này có phải là vấn đề?
     
    • @ohisee

      Tỉ lệ tái nghiện cao không phải là lời đồn mà bất cứ ai làm trong ngành, thậm chí cả công an, cán bộ xã phường đều biết.

      Theo các nghiên cứu chính thống thì mỗi biện pháp điều trị có tỉ lệ tái nghiện khác nhau. Phương pháp của Việt Nam từ trước đến nay là phương pháp giam giữ tập trung, cách ly khỏi cộng đồng là một phương pháp đã từng rất phổ biến ở Mỹ và châu Âu. Các nghiên cứu không cho số chính xác về tỉ lệ tái nghiện của phương pháp này, có nhiều kết quả từ 90-99%.

      Để hiểu về tỉ lệ tái nghiện thì mình phải nói về bản chất của nghiện. Nghiện là một bệnh gây ra do sử dụng ma túy dẫn đến thay đổi trong não bộ. Nghiện được coi là một bệnh mãn tính, tương tự như hen suyễn, tiểu đường, cao huyết áp. Điểm chung trong điều trị bệnh mãn tính đó là sau khi điều trị cấp tính thì phải có sự thay đổi về lối sống, hành vi, và bệnh nhân phải tuân thủ điều trị trong thời gian dài thì mới có thể ngăn bệnh tái phát. Ở bệnh tiểu đường chẳng hạn, bệnh nhân phải thay đổi chế độ ăn, phải tiêm thuốc mỗi ngày, phải có chế độ thể dục điều độ. Với nghiện cũng tương tự như vậy, bệnh nhân cần phải uống thuốc, có lịch sinh hoạt lành mạnh, và học các kỹ năng đối phó với căng thẳng. Trong các chương trình điều trị của Mỹ tỉ lệ tái nghiện là vào khoảng 60%, chênh lệch khoảng +- 10% so với hen suyễn, tiểu đường type 2 và cao huyết áp. Tuy nhiên, mục tiêu điều trị của họ không hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn tái nghiện mà là kéo dài thời gian giữa các lần tái nghiện, giảm các vấn đề về tội phạm, việc làm, lây truyền bệnh, xây dựng mối quan hệ xã hội...

      Như vậy, điều trị bằng cách cách ly bệnh nhân không mang lại hiệu quả là nghiễm nhiên vì không cung cấp được phương pháp thay đổi lối sống phù hợp sau giai đoạn cách ly, tạo áp lực căng thẳng, và không có theo dõi thường xuyên sau khi điều trị.

      Việc vẫn còn lời đồn như bác nói thể hiện nhận thức của nhiều người, kể cả những người trong ngành khi nói chuyện với người khác vẫn còn kém và chưa lý giải được những điều cần thiết trong điều trị.
       
  • Theo mình được biết thì nghiện ma túy có thể được nhìn nhận như bệnh mãn tính như các bệnh khác, người nghiện (bệnh nhân) có thể dùng 1 loại thuốc khác cùng loại với ma túy nhưng nhẹ hơn nhiều, chi phí rất rẻ, không cai được nghiện nhưng cắt được các triệu chứng nghiện
     
    • @scouter

      Loại thuốc mà bác nói đến là Methadone, cũng là một chất dạng thuốc phiện nhưng nhẹ hơn đáng kể so với heroin. Sở dĩ có thể làm được như vậy là vì Heroin chỉ có tác dụng trong cơ thể khoảng 4-6 giờ, sau đó người nghiện sẽ dần thấy "vật". Methadone thì có tác dụng trong khoảng 24 giờ.

      Điều trị bằng Methadone có thể nói là biện pháp số 1 hiện nay với người nghiện chất dạng thuốc phiện, trong đó có heroin vì một số lý do:

      - Thời gian tác động dài, 1 ngày chỉ cần dùng 1 lần (so với heroin là khoảng 3-4 lần/ngày) nên có nhiều thời gian hơn để làm việc có ích
      - Rẻ: uống methadone tốn khoảng 10.000/ngày, có nơi còn phát miễn phí. Dùng heroin tốn tầm 500.000/ngày. Methadone cũng rẻ hơn nhiều so với trung tâm cai nghiện, nghiên cứu ở Hải Phòng cho thấy điều trị Methadone tốn khoảng 8 triệu/người/năm (tổng cả nhà nước và bệnh nhân), còn trung tâm cai nghiện tốn khoảng 25 triệu/học viên/năm (tổng ngân sách và chi phí của học viên). Điều này giúp bệnh nhân không phải ăn trộm, phạm tội để dùng ma túy.
      - Không còn thèm nhớ heroin
      - Được nhà nước quản lý nên hoàn toàn hợp pháp
      - Không phê sướng nên ít có khả năng bị thẩm lậu ra ngoài và gây nghiện mới
      - Không tiêm chích nên không bị lây viêm gan C và HIV

      Tuy nhiên cũng có một số điểm bất lợi:
      - Chỉ có tác dụng với chất dạng thuốc phiện (ở VN là heroin). Không có tác dụng với đá
      - Không có cảm giác phê nên một số người bỏ điều trị để chơi ma túy (tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng thường thì cảm giác phê đã giảm rất nhiều và không còn là động lực sử dụng chính với người nghiện lâu năm, với họ việc sử dụng ma túy là để tránh cảm giác vật vã khi lên cơn thèm ma túy. Những người vẫn còn cảm giác "thích" thường là những người đang ở mức độ lạm dụng chứ chưa nghiện ma túy)
      - Phải đi uống thuốc hàng ngày vào giờ hành chính nên ảnh hưởng đến công việc (hiện VN đang nghiên cứu cho phép nhận thuốc một lần cho nhiều ngày hoặc dùng loại thuốc mới có tác dụng lâu hơn cả methadone)

      Về ma túy đá, hiện giới khoa học cũng đang nghiên cứu phát triển loại thuốc thay thế tương tự, tuy nhiên mới đang chỉ trong giai đoạn thử nghiệm.
       
    • @wateveriam mua methadone ở đâu hả bác. Như bác nói có cả phát free vậy là cũng phổ biến đúng ko ạ
       
    • @luster Hiện nếu muốn uống methadone thì có thể đến các trạm y tế xã phường đăng ký, họ sẽ làm thủ tục để bệnh nhân đi uống ở phòng khám methadone gần nhất.

      Ở chợ đen cũng có bán nhưng giá khá chát, tầm từ 500 đến vài triệu một lọ, là methadone bị thẩm lậu ra từ cơ sở điều trị, nhưng pha rất loãng và ko đảm bảo
       
    • @wateveriam có nghiên cứu nào về việc điều trị methadone thời gian dài không? Sử dụng lâu có bị kháng thuốc phải tăng liều không?
       
    • @scouter Dùng Methadone ko tăng liều theo lý thuyết là có thể giảm liều dần dần theo lộ trình.
       
    • @scouter

      Về lý thuyết nếu nghiện chất dạng thuốc phiện (cả heroin và methadone đều nằm trong nhóm này) thì đều có hiện tượng tăng liều.

      Tuy nhiên bạn PinkWear nói cũng đúng, rất nhiều người uống Methadone đều giảm liều dần theo lộ trình. Thực tế có khá nhiều người uống duy trì liều chỉ khoảng 5-10 ml (liều khuyến cáo là 80-120 ml) mỗi ngày sau vài năm điều trị.

      Vì sao lại có sự đối lập như vậy? Đó là vì những người đó không thỏa mãn điều kiện về sự dung nạp Methadone. Theo hướng dẫn quốc tế về chẩn đoán bệnh tâm thần, rối loạn sử dụng chất (tên gọi khoa học của nghiện ma túy) cần có ít nhất 3 tiêu chí trong số các tiêu chí sau:

      Cảm giác buộc phải tìm kiếm sử dụng;
      Khó khăn trong việc kiểm soát hành vi sử dụng ma túy;
      Xuất hiện hội chứng cai thực thể (vật vã khi không sử dụng);
      Có bằng chứng về sự dung nạp (có nhu cầu tăng liều);
      Sao nhãng các thú vui, sở thích khác;
      Tiếp tục sử dụng chất gây nghiện đó bất chấp mọi hậu quả.

      Một người có thể có sự dung nạp nhưng không nghiện và ngược lại, nghiện mà ko dung nạp (tuy hiếm).

      Về mặt bản chất, methadone cũng là một chất khó gây nghiện. Những chất nào có cơn phê càng cao, diễn ra trong thời gian càng ngắn thì càng dễ gây nghiện (đá). Methadone có cơn phê thấp (nên ko dẫn đến cảm giác khoái cảm) và thời gian tác động kéo dài (24h) nên khó dẫn đến nghiện hơn.

      Methadone là loại thuốc đã được áp dụng trên thế giới vài chục năm nay và nhìn chung được coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện (nổi bật là heroin). Nhìn chung methadone an toàn và rất hiệu quả, nhất là nếu được phối hợp thêm tư vấn và tuân thủ bệnh tốt.
       
  • Bạn đã tự cai nghiệm bao giờ chưa? Bạn có bao nhiêu lần kinh nghiệm cai nghiện thực tế rồi?
     
    • @mr_tk

      Mình chưa bao giờ tự cai nghiện cho bản thân mình.

      Về kinh nghiệm cai nghiện thực tế, mình đã cai trực tiếp cho khoảng 10 bệnh nhân và giám sát, hỗ trợ kỹ thuật khoảng 150 trường hợp. Như có giải thích ở phần trả lời cho bạn Python, mình là tư vấn viên, vai trò điều trị cai nghiện thường do bác sĩ thực hiện.
       
  • Ma túy đá có nghiện ko? Dễ cai ko? Làm sao để cai triệt để
     
    • @nhatlamottit Dễ, có gì cứ hỏi riêng mình, mình cai thành công cả trăm lần rồi.
       
    • @nhatlamottit

      Ma túy đá có gây nghiện, nhưng ít hơn heroin. Mọi người hay lầm tưởng là ma túy đá không gây nghiện vì nó ko gây ra hội chứng cai với những biểu hiện như đau cơ thể, dòi bò, nóng lạnh, mất ngủ...

      Thông thường người dùng ma túy đá hay quen thuộc hơn với biểu hiện gọi là "xả đá": cảm giác mệt mỏi ủ rũ trầm cảm kiệt sức sau khi hết tác dụng của đá.

      Vậy nghiện ma túy đá được biểu hiện ở triệu chứng nào? Nghiện ma túy đá không gây phụ thuộc về thể chất mà phụ thuộc về tâm lý, khiến người nghiện có những triệu chứng như

      thèm nhớ ma túy đá,
      bỏ bê các mối quan hệ xã hội và các nhiệm vụ khác để sử dụng ma túy,
      cố bỏ hoặc giảm liều lượng mà không được,
      chịu những ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ và chức năng xã hội do sử dụng ma túy
      sử dụng ma túy dù biết rõ là có nguy hiểm
      có biểu hiện dung nạp: phải tăng liều ma túy để đạt được khoái cảm

      Có từ 3 triệu chứng trở lên thì đã bị coi là nghiện, càng có nhiều triệu chứng thì càng nghiêm trọng hơn.

      Việc cai triệt để là rất khó khăn, không chỉ riêng ma túy đá mà với tất cả các loại ma túy khác. Mục tiêu của các chương trình điều trị trên thế giới là theo hướng giảm hại: kéo dài thời gian giữa các lần tái nghiện, tăng tỉ lệ có việc làm, tăng chức năng xã hội, giảm tỉ lệ phạm tội và lây nhiễm bệnh... Nghĩa là thay vì việc tập trung vào cấm ma túy, người ta sẽ giảm dần việc sử dụng ma túy và giúp người sử dụng ma túy vươn lên thành một thành viên có chức năng, có đóng góp trong xã hội. Đã có thí nghiệm ở tinh tinh và nghiên cứu quan sát các binh lính Mỹ trở về từ chiến tranh Việt Nam cho thấy càng có chỗ đứng trong xã hội thì tỉ lệ tái nghiện càng thấp.
       
    • edit
  • Bạn đã từng dùng thử một loại ma túy nào chưa?
     
    • @banhbaobanhbo

      Nếu định nghĩa của bạn là ma túy bất hợp pháp thì mình đã từng có một thời gian dùng cần sa khá nhiều. Tuy nhiên lúc đấy mình đang ở Hà Lan, sử dụng cần sa là không phạm pháp.

      Nếu ý bạn là các chất có tác dụng như ma túy (tác động lên não bộ gây biến đổi não bộ dẫn đến nghiện) thì mình có dùng rượu, thuốc lá, cafe, nhưng chưa loại nào dẫn đến nghiện nên mình đã bỏ thuốc lá khá dễ, với rượu và cafe thì ở mức bình thường.
       
    • @wateveriam Người ta thường nói: "Không được thử dù chỉ một lần", vậy hút cỏ (để thử) có dễ gây nghiện không? Tác động của việc dùng cỏ đến sức khỏe là gì?
       
    • @d_t_nguyen

      Bác có thể tham khảo câu trả lời của em cho bác PhamTuyen ở dưới. Một chất có dễ gây nghiện hay không phụ thuộc vào người sử dụng, loại ma túy và hoàn cảnh sử dụng (trong phần giải thích với bác PhamTuyen em có quên một yếu tố rất quan trọng là độ tuổi sử dụng, nếu sử dụng trước 24 tuổi thì khả năng sau này có vấn đề cao hơn từ 4 đến 7 lần). Nhìn chung, cỏ (cần sa, tài mà, bồ đà...) không có tỉ lệ gây nghiện quá cao (khoảng 30% người sử dụng thường xuyên sẽ nghiện). Tuy nhiên, sử dụng cần sa được coi là cánh cửa để mở ra việc sử dụng các chất khác vì khi sử dụng cần sa một số yếu tố về cá nhân, môi trường sẽ thay đổi, ví dụ:

      - Những người bạn sử dụng cần sa cùng bác sẽ có nhiều khả năng mời bác dùng ma túy khác hoặc dùng lại cần sa hơn
      - Bác dễ tự đi thử các chất khác hơn
      - Bác đã biết cách liên hệ với đầu mối về chất bị cấm
      - Bác thay đổi quan niệm về ma túy: thấy cũng bình thường, hoặc thấy mới lạ...

      Và tất nhiên sẽ có tỉ lệ nghiện cần sa sau một vài lần dùng thử. Một khi đã nghiện một chất thì rất dễ nghiện các chất khác.

      Về tác động sức khỏe của việc dùng cỏ, sử dụng cần sa lâu dài thì có thể dẫn đến giảm IQ, giảm trí nhớ, nhận thức không chuẩn về thời gian, không gian. Tác động đáng ngại nhất là về tâm thần, sử dụng cần sa lâu ngày được cho là có thể gây ra các rối loạn về tâm trạng và lo âu, biểu hiện là cảm giác bất an, mất tập trung, mất ngủ... Nếu người dùng cần sa có nguy cơ khác về tâm thần phân liệt, cần sa sẽ làm nguy cơ tăng lên đáng kể, làm cho người này phát bệnh tâm thần phân liệt nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu không có sẵn mầm mống của bệnh thì sẽ không bị ảnh hưởng.
       
  • Không biết có người nào có khả năng kháng các loại chất cấm không? Kiểu có bị người khác thuốc thì vẫn không thấy sao, như uống cafe cũng như nước lã chẳng hạn?
     
    • @meotruli Có những gene trong cơ thể quy định về việc một người nhạy đến mức nào với từng loại chất ma túy phổ biến hiện nay. Chẳng hạn với người châu Á, có 1 gene khiến cho người châu Á uống rượu vào thì dễ đỏ mặt và dễ say, ngộ độc rượu hơn người châu Âu. Đó là lý do về tửu lượng người châu Á thường thấp hơn.

      Có những người khi sử dụng một số loại ma túy không hề có cảm giác, tuy nhiên việc này chỉ đúng với mỗi chất chứ không đúng cho tất cả mọi chất. Về lý thuyết, có thể có người không chịu ảnh hưởng của bất cứ ma túy nào nhưng tỉ lệ sẽ rất nhỏ.

      Thực ra, một số loại ma túy phổ biến như heroin, cần sa... đều có tồn tại những chất tương tự trong cơ thể và có những nhiệm vụ quan trọng trong hệ thần kinh. Endorphine là một loại như vậy, là một loại "ma túy" nội sinh trong cơ thể có tác dụng giảm đau, mang đến cảm giác dễ chịu, ấm áp, an toàn, thường tiết ra khi bà mẹ ôm lấy đứa con của mình. Chất này có vai trò lớn trong việc hình thành cảm giác của "tình mẫu tử" hay "tình yêu".

      Một số loại ma túy nội sinh khác được cơ thể sử dụng để giảm đau, chẳng hạn như giảm đau khi các cơ quan nội tạng trong cơ thể di chuyển gây ra ma sát, hoặc khi bộ não tiết ra tín hiệu về cảm xúc như vui mừng, hồi hộp....

      Nói chung, các loại ma túy có chức năng trong cơ thể người và "miễn dịch" với tất cả ma túy chưa chắc đã hay ho.
       
  • edit
  • Để bắt đầu nghiện được có khó không?
     
    • @phamtuyen

      Nghiện khó hay dễ tùy thuộc vào 3 yếu tố: cá nhân, môi trường và loại ma túy.

      Về yếu tố cá nhân:
      - Gene của người đó với việc tiếp thu chất gây nghiện người đó sử dụng
      - Một số tính cách: tính cách phản xã hội, tính cách thích phiêu lưu mạo hiểm... dễ có khả năng sử dụng hơn
      - Mức độ hiểu biết về ma túy của người đó
      - Địa vị xã hội: học giỏi, được tôn trọng, được yêu mến...

      Về yếu tố môi trường:
      - Các trải nghiệm tiêu cực trong gia đình và môi trường khi còn bé
      - Môi trường xung quanh có nhiều người sử dụng ma túy hay không
      - Thái độ, quan niệm của người xung quanh về ma túy
      - Bạn bè, các mối quan hệ xã hội...

      Về yếu tố ma túy:
      - Loại ma túy đó có phổ biến hay không
      - Thái độ của mọi người đối với loại ma túy đó: ví dụ ma túy hợp pháp như rượu, thuốc lá thì có nhiều người nghiện hơn ma túy bất hợp pháp như heroin
      - Chất lượng "hàng"
      - Mức độ gây nghiện (chẳng hạn thuốc lá gây nghiện mạnh hơn nhiều so với thuốc lắc)

      Có thể hiểu nôm na 3 yếu tố trên chiếm tỉ trọng KHOẢNG 40%-40%-20%.

      Vì vậy không có một câu trả lời chung cho câu hỏi của bạn mà nó tùy thuộc vào từng người, hoàn cảnh sử dụng, và loại ma túy. Tuy nhiên nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài thì sẽ có khoảng 40-80% người sẽ nghiện tùy theo chất nào. Sau khi đạt đến mức đó thì sẽ hiếm có thêm người nào nghiện nữa (khoảng 60%-20% còn lại sẽ không nghiện loại chất đó)
       
  • Nếu người nghiện mà có đủ điều kiện (thuốc,tiền,môi trường..) thì họ có khác gì bình thường không? Hoặc có ảnh hưởng gì tới tuổi thọ của họ không? Mình có nghe một số thông tin thì khi người nghiện "đủ liều" thì họ sẽ rất khoẻ + sáng tạo, nên một số bộ phận trong giới văn nghệ sỹ thường hay dùng chất kích thích để phục vụ mục đích này, theo bạn việc đó (việc dùng chất kích thích để sáng tạo) có đúng không?
     
    • @bellatrix mình nghĩ người giỏi, sáng tạo thì chẳng cần chất kích thích để thành công, sáng tạo. Nhưng nhiều nghệ sĩ sử dụng chất kích thích nên người ngoài nhìn vào lầm tưởng nhờ vây giúp họ sáng tạo
       
    • @bellatrix Đã thành nghiện rồi thì cả trí và lực đều yếu dần đi theo thời gian, cái khỏe và sáng tạo như anh nói là thời điểm vừa sử dụng chất kích thích xong và điều đó cũng tùy thuộc vào từng loại thuốc dùng
      Theo mình thì cơ chế của sự sáng tạo khi sử dụng chất kích thích là tại thời điểm " Phê " những tạp nham trong suy nghĩ bị loại bỏ gần hết, tâm trí con người lúc ấy chỉ tập chung vào suy nghĩ một vấn đề, do đó suy nghĩ sâu hơn và có nhiều sáng kiến hơn trong vấn đề đó, và cái hay là tất cả suy nghĩ và sáng tạo đó đều được nhớ lại khi hết " Phê "
       
    • @bellatrix

      Nếu người nghiện mà có đủ điều kiện thì họ gần như không khác gì "người bình thường". Thuốc lá (nicotin) là một loại ma túy. Tuy nhiên những người sử dụng thuốc lá thì được dư luận chung coi là người "bình thường". Có thể có nhiều lý do như: thuốc lá là hợp pháp, thuốc lá rẻ nên không khiến người sử dụng phải phạm tội để kiếm tiền sử dụng, thuốc lá có ở khắp mọi nơi...

      Về tuổi thọ, mỗi loại ma túy có độ độc hại riêng. Chẳng hạn, ma túy đá có hại rất lớn với não, da và răng. Ngược lại, loại ma túy nổi tiếng là heroin thì gần như không gây hại gì nhiều cho sức khỏe. Cồn (rượu cũng là ma túy) gây hại rất lớn trong khi thuốc lá (nicotin) thì gây hại ít hơn (nhưng thường được thống kê là gây hại nhiều vì lý do chủ yếu là được sử dụng theo điếu - các hóa chất trong đầu lọc và vỏ thuốc, chất trộn thì lại rất hại, đường dùng là hút cũng tạo ra khói độc). Như vậy yếu tố về tuổi thọ phải xét đến loại ma túy là gì, sử dụng như thế nào.

      Với một số người, sử dụng ma túy là để tự điều trị cho tình trạng bệnh của họ. Ví dụ, người lớn tăng động sẽ có xu hướng sử dụng chất kích thích như đá, cafe, thậm chí là trầu cau để làm cho bản thân bình tĩnh lại (thuốc điều trị tăng động giảm chú ý ADHD thật ra có thành phần chính là đá). Với những người này họ có thể không có một số tác động có hại của loại ma túy đó (như người tăng động dùng đá thì không hoảng loạn, không kích động).

      Về việc sử dụng ma túy để sáng tạo thì đã có từ lâu và nó là có cơ sở. Vì ma túy có tác động vào bộ não làm thay đổi tri giác, nhận thức nên có thể khiến người sử dụng ma túy quan sát thế giới từ một góc nhìn khác và đưa ra các ý kiến khác. Bản thân mình cũng từng trực tiếp tư vấn cho một anh họa sĩ dùng đá và biết một số người làm hình xăm dùng ma túy khá nhiều.

      Theo mình việc sử dụng ma túy để làm tăng sáng tạo đúng hay sai thì là do từng người, Nếu ưu tiên của người đó là nghệ thuật thì việc làm đó của họ mình có thể hiểu được, tuy mình không đồng ý với họ nhưng mình biết với họ lựa chọn đó là hợp lý. Vì khi sử dụng ma túy để làm việc tức là sử dụng thường xuyên và khó dứt ra được, sẽ ảnh hưởng nhiều đến gia đình và các chức năng khác của họ trong xã hội. Là một tư vấn viên, trong trường hợp này đầu tiên mình sẽ tìm hiểu xem loại ma túy họ sử dụng gây ra tác hại gì về thể chất và giải quyết nó. Tiếp đó tìm hiểu về các mối quan hệ của họ với người xung quanh để xem có cần can thiệp hay không. Sau đó nếu việc sử dụng ma túy gây ảnh hưởng quá xấu với họ và cần thay đổi thì tìm cách cùng họ thử các biện pháp khác để kích thích sáng tạo để dần thay thế việc phụ thuộc vào chất. Nếu không thay đổi được việc sử dụng chất thì tập trung vào việc sử dụng sao cho an toàn và không ảnh hưởng đến bản thân họ và những người khác.
       
    • @wateveriam Cảm ơn bạn vì câu trả lời rất rõ ràng và chi tiết! Chúc bạn sẽ thành công hơn nữa trên con đường tư vấn này nha.
       
    • @kien8 Cái này bác nghĩ giống em, vì em cũng đã trải qua nhiều lần uống rượu phê phê và sau đó thì cảm thấy mình ở "một trạng thái mới", nhưng trong ý thức vẫn biết mình đang high rồi hehe. Thời sinh viên, em thuộc type rụt rè nên hay làm vài cuốc đủ đô rồi đi tán gái ) thế mà công dụng rất tốt nha bác.
       
    • @bellatrix chuẩn. Rượu vào chém gió thôi rồi
       
  • Bạn ơi tôi muốn hỏi thêm vài câu, Bạn cho tôi địa chỉ mail hoặc FB đc chứ? ^^
     
Viết bình luận mới
Website liên kết