Avatar's dominhquan

Ghi chép của dominhquan

Sách Đúng việc- Giản Tư Trung

Đô đốc Nelson đã gửi tới các chiến binh trước trận Trafalgar bằng câu nói “Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm tròn bổn phận của mình”. Câu nói ấy gợi mở việc một xã hội, một đất nước có trở nên tươi đẹp thì những con người phải làm tròn những trách nhiệm và bổn phận của mình. Để Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh như lời của Chí sĩ Phan Châu Trinh thì cần những câu chuyện khai minh và quyển sách “Đúng việc” của Giản Tư Trung giúp độc giả có những góc nhìn đa chiều hơn về bản thân mình. Sách được chia thành 4 phần: Làm người, làm dân, làm việc và làm giáo dục.
Phần 1: Làm người.
Nguyễn Trãi trong vở kịch Bí mật Lệ Chi Viên có đoạn “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại bởi lẽ phải nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi là thiên chức con người”. Con người luôn mang trong mình lý tưởng sống, lẽ phải và đấu tranh cho lẽ phải. Để làm được “người” cần phải phải có “năng lực khai phóng” và “năng lực khai tâm”.
Trước hết là năng lực khai phóng (khai minh và giải phóng) bản thân. “Khai minh” nghĩa là mở toang con người tâm tối, vô minh, giáo điều, ấu trĩ của mình ra để đưa ánh sáng của chân lý, sự thật và tự do vào.
Còn khai tâm đơn giản là có một trái tim “có hồn”, một trái tim biết rung lên trước cái hay cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau, biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác. Albert Einstein từng nói: “Thế giới trở nên nguy hiểm không phải bởi những kẻ gây ra tội ác, mà là vì những người chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả”. Vô hại rất gần với “vô hồn”, “vô tâm” và “vô cảm”, và thậm chỉ cả “vô minh” nữa.
Phần 2: Làm dân.
Chương II Hiến pháp 2013 đã dành trọn vẹn nội dung để quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Không thể có “dân sinh” hạnh phúc, nếu không có “dân quyền” tự do; cũng như không thể có “dân quyền” tự do nếu không có “dân trí” khai phóng. Do vậy, con đường mà các quốc gia chưa thịnh vượng hay chưa văn minh nên chọn đi để có thể trở thành quốc gia thịnh vượng và văn minh chỉ có thể là con đường: “Dân trí, dân quyền và dân sinh”. Có “dân trí” thì sẽ có “dân quyền” và “dân sinh”. Tất cả phải bắt đầu từ dân trí; mà dân trí của mỗi người thì bắt đầu từ sự học khai phóng của chính bản thân mình.
Phần 3: Làm việc
Tình yêu với công việc xuất phát từ niềm đam mê, từ lý tưởng nghề nghiệp. Chương này tác giả sẽ nêu ra chân dung một số nghề dưới hình thức các “cặp đối ngẫu” để độc giả có thêm những góc nhìn, những đối sánh cần thiết, cũng như tự mình chiêm nghiệm ra đâu là cái “đạo” của nghề đó.
Phần 4: Làm giáo dục.
Bác Hồ từng nói “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên.” hay như tài năng, đức độ đều được hình thành từ giáo dục, rèn luyện, mài dũa nên trong Tam Tự Kinh có câu “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Năm chủ thể trong hệ thống giáo dục gồm: nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học. Mỗi chủ thể giáo dục hiểu rõ công việc của mình, đồng thời biết giành lấy quyền vốn có của mình và trả lại quyền cho các chủ thể khác.

P/s: Cảm ơn một bác @chuvantai đã tặng mình quyển sách này. Để tường tận một quyển sách cũng như chinh phục một cô gái luôn không hề dễ dàng bởi cần cả sự tinh tế, thông tuệ và đồng cảm.

2357 ngày trước · Bình luận · Loan tin
lylienket , ohisee1 người nữa
·  

0 bình luận

Viết bình luận mới
tag Nhắn đến
Website liên kết